Hàng trăm hộ dân nhiều năm sống chung với mồ mả

09:59 11/12/2017
Từ nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã luôn phải chịu cảnh sống chung với mồ mả. Trong khi đó, dân số xã này ngày càng tăng, nhu cầu sử dụng đất của người dân cũng tăng theo. Sống chung với mồ mả đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân địa phương.


Vào đảo thấy mộ

Từ cảng cá Tam Quang, chúng tôi theo chuyến phà sắt vượt con sông Trường Giang tiến vào xã đảo Tam Hải, đây là con đường thông thương duy nhất của người dân với thế giới bên ngoài. Trời mưa, chiếc phà sắt nhiều lần lắc lư khiến những người trên phà một phen hoảng sợ. 

Đặt chân lên xã đảo Tam Hải, một màu xanh mướt của những tán dừa thẳng tắp hiện lên thật thơ mộng. Nhưng tiến xa hơn vào xã đảo, men theo con đường chính dọc thôn Đông Tuần đến thôn Bình Trung, chúng tôi không khỏi giật mình bởi trái ngược với cảnh thơ mộng ấy, nhiều ngôi mộ liên tiếp xen kẽ với nhà người dân, thậm chí là vài chục ngôi mộ nằm sát kế bên vách của các ngôi nhà. Trước nhà, sau nhà, thậm chí bên hiên nhà đâu đâu cũng thấy mồ mả người chết được chôn cất.

Nhiều nhà dân ở xã Tam Hải phải chịu cảnh sống chung với “nhà người chết”.

Bà Trần Thị Nhiễu (77 tuổi, thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết, trước đây nhiều điểm ở xã Tam Hải là khu nghĩa địa. Người dân không chôn cất theo một khu vực mà cứ chọn mô đất nào thuận tiện thì làm nơi yên nghỉ cho người thân, người xấu số. Đa phần vì chôn vội, vì chạy tránh mưa bom, bão đạn trong thời chiến mà chỉ kịp đắp một núm đất nhỏ. Hòa bình lập lại, người dân quay về nơi đây sinh sống, an cư, lập nghiệp nên đã chấp nhận với cảnh sống chung với “nhà người chết”. 

“Khi đó cứ thấy nơi đâu còn đất trống là chúng tôi xây nhà lên ở thôi. Vả lại dù gì cũng đều là người thân của mình...”, bà Nhiễu nói.

Tuy nhiên, thời gian trôi qua, dân số ở xã  này ngày càng tăng lên, diện tích đất ở và đất xây mồ mả lại ngày càng hạn hẹp. Tình trạng quá tải mồ mả là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, xã đảo Tam Hải lại bị bao bọc bởi bốn bề sông nước. Theo phong tục, tập quán lâu đời của người dân nơi đây thì dường như ít có ai chấp nhận đưa người thân đã mất qua sông đi nơi khác chôn cất. Cuối cùng ai cũng đành chấp nhận “còn đất trống đâu chôn đó”.

Ghé lại nhà bà Nguyễn Thị Xuân (43 tuổi, thôn Đông Tuần, xã Tam Hải) để tìm hiểu thêm, chúng tôi quan sát thấy bên phải nhà bà Xuân có đến 4 ngôi mộ được chôn cất ngay sát hông tường nhà. 

Bà Xuân cho biết, bà về làm dâu ở đây đã gần 20 năm. Khi về đây, bà đã thấy các ngôi mộ được chôn cất ngay cạnh nhà chồng bà rồi. Ban đầu, bà Xuân cũng có cảm giác sợ hãi khi sống bên cạnh mồ mả như vậy, nhưng lâu ngày bà cũng dần quen và không thấy sợ hãi nữa. 

Không chỉ riêng nhà bà Xuân mà hiện nay còn rất nhiều hộ gia đình khác tại 7/7 thôn của xã đảo Tam Hải đều phải chịu cảnh tương tự. Việc này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm.

Bài toán quy hoạch nghĩa địa

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, toàn xã đảo Tam Hải chỉ có 750ha diện tích mặt đất, trong khi đó lại có tới hơn 8.500 nhân khẩu nên việc chôn cất của người dân gặp nhiều khó khăn. Lại thêm địa hình bốn bề sông nước, người dân không đưa người thân qua phà để sang địa phương khác chôn cất nên có một số hộ gia đình đã mua đất để thành lập khu nghĩa trang gia đình.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng đất sinh hoạt, đất ở của người dân càng tăng cao. Việc sống chung với mồ mả có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển kinh tế địa phương và kinh tế hộ gia đình, ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là nguồn nước. 

Để giải quyết tình trạng này, UBND xã đã vận động người dân không chôn mồ mả người chết sát nhà, khu dân cư sinh sống mà chọn những nơi xa khu dân cư để chôn cất. Trong quá trình đưa tang, người dân không được rải vàng mã dọc đường mà chỉ đốt trong khu vực nghĩa địa.

Theo ông Hữu, hiện tại nghĩa trang của dòng tộc nhỏ cũng đã có đến mấy chục ngôi mộ, chưa kể là nghĩa địa thôn. “Địa phương cũng đã đề xuất quy hoạch khu nghĩa địa nhân dân tại thôn Thuận An nhưng vẫn chưa có vốn, đồng thời lấn cấn với việc phát triển du lịch tại địa phương. Hiện tại đến nay người dân vẫn chôn cất người chết trên nền đất của gia đình”, ông Hữu nói.

Những giải pháp mà UBND xã Tam Hải đưa ra như vận động người dân không chôn cất mồ mả sát khu dân cư tuy có hiệu quả nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Việc quy hoạch một khu nghĩa địa nhân dân đang là vấn đề bức thiết. Nhưng làm thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch và đảm bảo cho cuộc sống người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước mới là bài toán đang cần các cấp chính quyền Tam Hải tìm lời giải đáp.

Hà Vy

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文