Chuyển đổi trồng cao su ở Đắk Lắk: Hậu quả khôn lường đang hiện hữu

10:15 26/08/2016
Phần lớn diện tích đất rừng khộp có thành phần cơ giới tầng mặt cát, hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém. Cách mặt đất khoảng 20 - 40cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây cao su dễ bị ngã đổ, mùa mưa ngập úng.


Năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2009-2020, trong đó có chuyển đổi gần 8.000ha rừng khộp tại hai huyện Ea Súp và Buôn Đôn sang trồng cây cao su. Tuy nhiên, đến nay hầu hết số diện tích cao su này không chỉ không mang lại hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 13 dự án thuê đất, thuê rừng để trồng cao su kết hợp quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích hơn 10.586ha. Trong đó, diện tích quy hoạch để trồng cao su là hơn 6.542ha, số diện tích còn lại để khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng. 

Tính đến nay, các dự án đã trồng được hơn 1.590ha cao su nhưng theo đánh giá của Phòng NN và PTNT huyện, thì phần lớn diện tích cao su đã được trồng tại các vùng dự án sinh trưởng và phát triển kém do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp và không được chủ dự án đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật.

Điển hình như đầu năm 2010, Công ty TNHH Anh Quốc (TP Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt dự án trồng rừng, trồng cao su với tổng diện tích hơn 1.160ha tại Tiểu khu 293 thuộc địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp. 

Trong tổng số diện tích được giao, buộc Công ty Anh Quốc phải trồng 434,5ha cao su, còn lại là diện tích quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, sau khi được bàn giao, mãi đến cuối năm 2011, công ty này mới cho triển khai trồng 100ha cao su nhưng đến nay, hầu hết số cao su này đã chết gần hết. 

Cũng lâm tình cảnh tương tự, tại dự án của Công ty TNHH TM DV XNK Hoàng Gia Phát đã để 30ha cao su bị chết cháy; Công ty TNHH SX XD TM Đức Tâm bị chết 65ha; Công ty TNHH Minh Hằng, Đức Tâm… cũng có hàng chục ha cao su mới trồng trên đất rừng khộp cũng không tha thiết đầu tư để vườn cây vàng lá chết gần hết.

Không chỉ tại các dự án của doanh nghiệp bị “chết yểu”, trên địa bàn huyện Ea Súp và Buôn Đôn cũng có hàng ngàn héc ta cao su tiểu điền do các hộ đồng bào dân tộc tự ý trồng, trồng theo phong trào nhưng hầu hết đến nay đều bỏ hoang, để chết hoặc chặt bỏ. 

Theo một lãnh đạo huyện Ea Súp cho biết, nguyên nhân khiến phong trào trồng cao su trên địa bàn tăng chóng mặt là do những năm 2009 đến năm 2014, khi giá mủ cao su tăng cao, các doanh nghiệp, hộ gia đình đồng bào các dân tộc đua nhau tranh giành đất, lấn chiếm đất rừng khộp trái phép để trồng cao su. 

Ngay tại huyện Ea Súp, 10 xã, thị trấn trên địa bàn đều có diện tích cao su trồng trên đất rừng khộp, xã thấp nhất có 10ha, còn cao nhất gần 900ha.

Nhiều diện tích cao su trên địa bàn huyện Ea Súp bị bỏ hoang hoặc không được chăm sóc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thước, Chủ tịch UBND xã Cư MLan, huyện Ea Súp than thở: “Trước đây, xã cũng đã từng phá bỏ hàng ngàn ha rừng khộp chuyển sang trồng 700ha điều nhưng kém hiệu quả kinh tế. Năm 2009, do giá cao su tăng cao, đồng bào đua nhau chặt điều chuyển sang trồng cao su nhưng với vườn cây “không chịu lớn” như thế này thì đời sống người dân càng thêm khó khăn…”. 

Còn một vị lãnh đạo UBND xã Ea Lê, huyện Ea Súp cho biết thêm, do chạy theo phong trào, đồng bào các dân tộc trong xã đã ồ ạt phá rừng trồng 500ha cao su trên đất rừng khộp. Qua quan sát 3 năm đầu thì cây phát triển khá tốt nhưng đến năm thứ 4 trở đi rễ chính rễ ngang gặp đá bàn cây không phát triển được, trở nên còi cọc, chững lại, có nơi chết dần. 

“Hiện nay, nhiều đồng bào các dân tộc ở huyện Ea Súp đã tự ý chặt bỏ vườn cao su để chuyển sang trồng các loại nông sản như ngô lai, đậu đỗ, sắn… để có nguồn thu nhập”, vị cán bộ này cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi về những bất cập trên, Tiến sĩ Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, điều kiện đất đai, khí hậu vùng rừng khộp Ea Súp rất khắc nghiệt bởi tầng đất canh tác mỏng, khả năng ngập úng trong mùa mưa, lượng bốc hơi và nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là loại cây công nghiệp dài ngày như cao su bởi đây là loại cây rất sợ ngập nước. 

Còn Tiến sĩ Trình Công Tư, Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón, Môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng - Nông hóa) cũng cho rằng, phần lớn diện tích đất rừng khộp có thành phần cơ giới tầng mặt cát, hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém. Cách mặt đất khoảng 20 - 40cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây cao su dễ bị ngã đổ, mùa mưa ngập úng.

“Qua thực tế cho thấy, việc chuyển đổi rừng khộp để lấy đất trồng cao su ở huyện Ea Súp và Buôn Đôn không chỉ thiệt hại lớn trước mắt về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trên địa bàn. Hậu quả dễ nhận thấy là trong vài năm trở lại đây, cứ đến mùa mưa, huyện Ea Súp luôn bị ngập lụt nặng. Còn về mùa khô, nhiệt độ trong vùng luôn tăng thêm từ 1 độ trở lên so với các địa phương lân cận. Chính điều này càng gây khó khăn trong sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn”, Tiến sỹ Trình Công Tư cho hay.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quá nóng vội trong việc ồ ạt chuyển đổi rừng khộp sang trồng cao su mà chưa tính đến hiệu quả kinh tế cũng như ảnh hưởng đến môi trường. 

Những cánh rừng khộp, rừng “nghèo” xanh ngát trước đây ở Đắk Lắk giờ nhiều nơi trở thành đồi trọc chỉ sau gần 8 năm chuyển đổi mục đích sang trồng cao su. Một hậu quả khôn lường hiển hiện trước mắt mà cơ quan chức năng cần nhìn nhận và đánh giá lại hiệu quả của dự án.

Văn Thành

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文