Kiên quyết với hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép

09:18 07/05/2017
Trước nhu cầu tiêu thụ cát ngày càng lớn để san lấp, xây dựng các công trình nên thời gian qua, các mỏ cát trên tuyến sông Hậu thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… dù hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho cả trăm sà lan mỗi ngày từ các nơi đổ về để chờ “ăn hàng”.

Chỉ trong mấy ngày lễ, Cảnh sát đường thủy Cần Thơ đã phát hiện, tạm giữ hàng chục phương tiện chở cát không rõ nguồn gốc với tổng khối lượng hơn 14.000m³ cát.

Chính vì nhu cầu quá lớn đã xuất hiện tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép ảnh hưởng đến tình hình ANTT, môi trường, gây sạt lở bờ sông... Để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm trên lĩnh vực khai thác vận chuyển trái phép cát còn diễn biến phức tạp, các lực lượng nghiệp vụ Công an TP Cần Thơ đã mở cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này. 

Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy (PC68) Công an TP Cần Thơ cho biết: “Đợt cao điểm này được thực hiện từ ngày 1-4 đến ngày 1-6-2017. Là lực lượng chủ công, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ như  Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị vẫn chưa giải quyết cho CBCS nghỉ lễ để tập trung thực hiện cao điểm đạt hiệu quả cao nhất”.

Sà lan chở cát không rõ nguồn gốc bị tạm giữ.

Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an thành phố, PC68 Công an thành phố Cần Thơ phối hợp với lực lượng chức năng tập trung lực lượng, phương tiện,  đồng loạt triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực như xây dựng kế hoạch, phân công 1 thủy đội, 2 trạm chốt chặn, giám sát 24/24h hoạt động khai thác cát trên địa bàn, phối hợp thống kê lại số phương tiện khai thác cát trên địa bàn, buộc các chủ phương tiện này làm cam kết không khai thác quá thời gian quy định, không đưa phương tiện ra khỏi vùng nước được cấp phép khai thác và không di dời phương tiện vào gần bờ.

Song song đó, công tác tuần tra nhất là vào giờ cao điểm, ban đêm được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lén lút khai thác cát trái phép, không đúng quy định. Mới đây, các trinh sát Cảnh sát đường thủy đã bắt quả tang chiếc xáng cạp biển số: ĐN-0176 đang khai thác cát trái phép trên sông Hậu, phía bờ Cần Thơ. Thời điểm kiểm tra,  Lê Hải Lý - người điều khiển cần cẩu, đang hút cát từ dưới lòng sông Hậu thuộc thủy phận phường Trà Nóc (quận Bình Thủy). 

Qua làm việc, chủ phương tiện xáng cạp là Trần Ngọc Thắng (ngụ tỉnh Đồng Nai) đã xuất trình giấy phép khai thác cát và quyết định điều chỉnh thời gian gia hạn khai thác cát của cấp có thẩm quyền tại mỏ Tân Bình 2 (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). 

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chiếc xáng cạp này đã khai thác được khoảng 14m³ không đúng vị trí mỏ được cấp phép là vị trí bên phía bờ Vĩnh Long sang vị trí thuộc thủy phận phường Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm quả tang, tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật.

Sự kiên quyết lập lại trật tự trên lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát được lực lượng chức năng thực hiện khi liên tục trong thời gian từ cuối tháng 4 đến nay, đã có 35 sà lan vận chuyển cát trên tuyến sông Hậu bị tạm giữ với tổng số lượng cát lên đến hơn 14 ngàn m³ cát. Tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp lệ. 

Anh Lê Duy Tân, thuyền trưởng điều khiển sà lan Biển số BTr- 5156 cho biết, số cát được lấy từ các mỏ Vĩnh Xương, TX Tân Châu (An Giang) với giá dao động từ trên dưới 40.000 đồng/m³, vận chuyển đến Cà Mau, bán với giá 100.000 đồng, trừ chi phí mỗi khối cát còn lời 20.000 đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay, do sà lan từ các nơi đến lấy cát quá nhiều, hầu như tỉnh nào cũng có từ Vĩnh Long, Trà Vinh đến  Cà Mau, Sóc Trăng…. nên phải chờ đợi lâu hơn mới có đủ cát chở về. 

Anh Bùi Thanh Em, Thuyền trưởng sà lan 2969 - Bạc Liêu cho hay: “Nào giờ chở cát không có hóa đơn, nếu có xuất hóa đơn thì mỏ cát chỉ xuất một phần thôi, như sà lan em chở 400m³ nhưng chỉ xuất có 200m³ thôi, thêm nữa là giá thực tế em lấy gần 40.000 đồng/m³ nhưng hóa đơn chỉ ghi hơn 10.000 đồng/m³”. 

Còn Thuyền trưởng Lê Văn Anh, quê Hậu Giang thì nêu lý do: “Khi mua cát, chúng tôi có hỏi hóa đơn nhưng người đại diện các mỏ cát không cung cấp liền, nếu đợi phải neo đậu thêm vài ba ngày nữa, mà các chủ công trình ở địa phương thì hối thúc chở cát về gấp nên chúng tôi chở cát mà không có hóa đơn”.

Hiện tại, tình hình vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, hóa đơn vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng, bởi hàng ngày, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tạm giữ thêm nhiều phương tiện- sà lan chở cát tại thời điểm kiểm tra các chủ phương tiện không chứng minh được nguồn gốc, hóa đơn chứng từ hợp lệ. Trong số hơn 35 sà lan bị tạm giữ, đến nay, đã có một số chủ phương tiện đến xuất trình hóa đơn. 

Ngày 5-5, sau thời gian xác minh, cơ quan chức năng xác định 13 trường hợp có hóa đơn, chứng từ hợp lệ và ra quyết định trao trả tang vật, phương tiện bị tạm giữ. 

“Riêng với những trường hợp vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Đại tá Nguyễn Hữu Lập, Trưởng phòng PC68, Công an TP Cần Thơ kiến nghị thêm: “Các cấp chính quyền và ngành chức năng cần có biện pháp quản lý, tăng cường kiểm tra việc khai thác, vận chuyển cát, nguồn tài nguyên quý giá nhưng có giới hạn, tại các mỏ cát phải tuân thủ đúng quy định bán hàng phải có đầy đủ hóa đơn chứng từ, xuất đúng giá và khối lượng hàng hóa… Nếu làm tốt điều này sẽ phát hiện  số cát lậu, cát khai thác trái phép… Thêm vào đó, chỉ vì lợi nhuận, mà hầu hết các sà lan chở cát đều vượt quá mớn nước an toàn, gây nguy hiểm khi tham gia lưu thông”.

Hiện nay, tình hình khai thác cát, vận chuyển cát trái phép tại tuyến Sông Hậu, nhất là các tỉnh đầu nguồn như: An Giang, Đồng Tháp…. vẫn còn phức tạp và gây những hệ lụy khó lường trước. Chính vì vậy, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên lĩnh vực khai thác, vận chuyển cát, cát lậu, khai thác kiểu tận thu… là điều cần thiết để từng bước đưa hoạt động này vào nề nếp, hạn chế hậu quả xảy ra.

Phan Tại

Mặc dù công tác quản lý người nghiện, cai nghiện và giúp những người lầm lỡ, cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, song đánh giá của Chính phủ và Bộ Công an cho thấy, hoạt động này vẫn còn rất nhiều bất cập, nhất là đặt trong bối cảnh tình hình sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và mua bán trái phép ma túy đang diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều “điểm nóng” cả ở khu vực và trên thế giới.

Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các đối tượng đã lập ra nhiều hội, nhóm, tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích rao bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) của các "doanh nghiệp ma" với nhiều loại mặt hàng khác nhau để thu lợi bất chính. Tổng cục Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và cơ quan Công an để đẩy lùi và chấm dứt nạn mua bán, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Lượng rác thải ngày càng tăng, việc chôn lấp, đốt rác không xuể, khiến nhiều bãi tập kết rác ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá quá tải, bốc mùi hôi thối, người dân bất bình. Tuy vậy, khi có chủ trương quy hoạch các bãi rác ở địa điểm mới lại gần như không nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân…

Người dân phấn khởi nhận nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Họ cam kết giữ gìn ngôi nhà, tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文