Lạ lùng công trình bờ kè chống lũ bằng bao cát… làm cho có
Mới đây, Báo CAND nhận được phản ánh của một số người dân ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn về những bất cập trong dự án chống ngập lũ tại đây.
- TP Hồ Chí Minh: Hàng chục ngàn tỷ đồng chống ngập vẫn cứ úng
- Đổ hàng chục ngàn tỷ chống ngập, vẫn cứ ngập
- “Siêu máy bơm” chống ngập ở TP HCM có công suất "khủng" như thế nào?
Trực tiếp xuống địa bàn, phóng viên ghi nhận đúng theo các phản ánh của người dân. Tại đoạn đường sát bờ kênh của khu dân cư tổ 86 ấp Nhị Tân 2, nhiều bao cát được cho xếp đặt cao khoảng 1m kéo dài khoảng hơn 500m bờ kênh. Tuy nhiên, điều đáng nói là các bao cát này đã có một số bị rách, khiến cát chảy ra ngoài, hơn nữa các bao cát được xếp đặt không liên tục mà nhiều đoạn bỏ trống.
Nhiều bao cát đã mục nát, bể bao. |
Tỏ ra có phần bức xúc, ông Trần Đức Minh, Tổ trưởng tổ 86 ấp Nhị Tân 2, cho hay công trình này thực hiện trong tháng 5 vừa qua nhằm chống ngập lũ nhưng không đắp và sắp xếp các bao cát liền mạch mà chỗ đắp chỗ không vì vướng sự không đồng ý của một số nhà dân.
Ông Trần Đức Minh, Tổ trưởng tổ 86 ấp Nhị Tân 2, phản ánh về công trình. |
“Những phản ánh của bà con người dân ở đây là đúng, vì họ thấy việc làm như vậy gần như không có một chút hiệu quả nào. Tại sao không cho nâng đường, chứ việc sắp xếp các bao cát cao lên như vậy nhìn rất kỳ cục, mất vẻ đẹp của làng xóm và không có hiệu quả. Điều đáng nói là các bao cát chỉ đắp chưa đầy tháng đã bị bể, mục nát nhiều chỗ, khiến cát chảy xuống kênh. Việc làm này dễ thấy là gây lãng phí tiền Nhà nước, vì có thể sắp tới sẽ phải nạo vét số cát này dưới kênh lên”, ông Minh phản ánh.
Trong khi đó, ông Lê Văn Hòa, Trưởng ấp Nhị Tân 2 cũng cho biết công trình này là làm bờ kè chống ngập lũ, thuộc chương trình Nông thôn mới, do xã làm chủ đầu tư với kinh phí hơn 1 tỷ đồng (số kinh phí này bao gồm thực hiện cả tuyến đường đê chống lũ khoảng 2km gắn với đoạn bờ kè bằng bao cát này, kinh phí của Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện).
Các bao cát không được xếp liền mạch. |
“Một số đoạn bờ kè không đặt bao cát là do người dân không đồng ý cho làm đoạn đường trước nhà họ. Hiện tình trạng này đang được báo cáo về xã để họ có ý kiến chỉ đạo, xử lý. Có lẽ người dân thấy sự bất hợp lý của công trình bờ kè bằng bao cát nên họ đã phản ánh với báo chí”, ông Hòa cho hay.
Riêng với tuyến đường đê chống lũ, ông Hòa cho biết xã đã cho thi công đổ đất lên cao và trải đá nhỏ bên trên. Hiện công trình đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu.
Tuyến đường đê chống lũ đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu. |
Để biết thêm thông tin về công trình này, chúng tôi đã đến gặp ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì.
Tại trụ sở UBND xã Tân Thới Nhì, ông Chiến cho biết trước khi thực hiện công trình, ấp đã tổ chức họp dân để thông báo và được người dân đồng ý rồi mới đề xuất trong danh mục để xã cho thực hiện. Mục đích của công trình là nhằm bảo đảm việc chống ngập lũ…
Khi phóng viên đặt câu hỏi về tính hiệu quả của công trình bờ kè bằng bao cát, vị Chủ tịch UBND xã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này mà chỉ bảo rằng đây là công trình nhằm chống ngập lũ.
Tuy nhiên, khi đang trao đổi với phóng viên, ông Chiến đã ngừng ngang và gọi điện cho một cán bộ xã vào phòng để tiếp tục nói chuyện với chúng tôi rồi ông Chiến bỏ đi ra ngoài.
Nhiều đoạn các bao cát xếp thành bờ kè cách xa nhau. Công trình này đã làm trên dưới 1 tháng nhưng hiện vẫn ngổn ngang. |
Người cán bộ này cho biết là nhân viên của UBND xã. Anh này cho biết thêm rằng công trình bao gồm cả tuyến đê chống lũ và bờ kè là kinh phí từ Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp thực hiện. Nhưng riêng đoạn bờ kè bằng bao cát là do kinh phí ngân sách của Nhà nước. Đoạn bờ kè nằm trên khu vực hành lang bảo vệ bờ kênh trạm bơm thủy lợi nên người dân không phải đóng góp…
Và khi người nhân viên này đang trao đổi với chúng tôi, anh này lại nhận cuộc gọi từ vị Chủ tịch UBND xã yêu cầu ngừng trao đổi và không cung cấp thông tin nữa mà đề nghị phóng viên phải về gửi công văn ghi rõ nội dung câu hỏi hay thắc mắc gì xã sẽ trả lời bằng văn bản sau.