Lại vỡ “tín dụng đen”

08:15 04/05/2016
Tin tưởng nghe theo lời hứa hão khi được hưởng mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất trần của ngân hàng, nhiều người quen biết đã mang tiền cho vay, thậm chí có người còn huy động vốn của anh em, bà con, bạn bè thân thiết để nướng vào “tín dụng đen”. Đến lúc vỡ nợ dây chuyền, nhiều người tỉnh ngộ nhưng số tiền cho vay đã không có khả năng thu hồi vốn, khiến cả xã nghèo nháo nhác, xôn xao.

Quê nghèo xác xơ vì vụ vỡ nợ tiền tỷ

Xã Trù Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) những ngày vừa qua, hàng chục hộ dân thất thần, nháo nhác và cả cảm giác lo âu, sợ hãi khi mang hàng trăm triệu đồng cho “bà trùm” Trần Thị Hà (46 tuổi), trú xóm 10, xã Trù Sơn vay nhưng đến nay khó có khả năng thu hồi nợ. 

Nỗi âu lo ấy ngày càng hiện hữu khi mới đây, Hà được cơ quan Công an triệu tập và bước đầu, đối tượng này thừa nhận đã vay của các hộ dân với số tiền hơn 3 tỷ đồng, ngoài ra, các giấy nhận nợ còn thể hiện, Hà đã vay mượn các chủ nợ khác với số tiền hơn 4 tỷ đồng nhưng đến nay không có khả năng hoàn vốn.

Thượng tá Thái Khắc Thống, Trưởng Công an huyện Đô Lương cho biết, hiện nay cơ quan CSĐT Công an huyện đã nhận được đơn tố cáo của nhiều nạn nhân trong vụ việc Trần Thị Hà vỡ nợ và đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

Theo tố cáo của bà Đào Thị Hương, trú tại xóm 11, xã Trù Sơn, cách đây nửa năm, nghe theo lời tỉ tê của Trần Thị Hà, bà Hương đã vét sạch tiền tiết kiệm được trong suốt mấy năm qua để mang cho đối tượng này vay số tiền 300 triệu đồng. 
Bà Trần Thị Hà khi được cơ quan chức năng triệu tập.

Vốn chỗ quen biết, lại được Hà trả lãi cao ngất ngưởng, cắt hẳn lãi cả năm khi vay mượn nên bà Hương rất an tâm, cho vay tiền nhưng không làm bất cứ thủ tục gì ngoài tờ giấy nhận nợ của Hà, trong đó ghi rõ thời gian trả là khi nào khổ chủ cần tiền, chỉ cần báo trước từ 3 – 5 ngày sẽ hoàn vốn đầy đủ.

“Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, tôi đã nhiều lần đến đòi lại tiền gốc nhưng đến nay vẫn chưa lấy lại được đồng nào”, bà Hương buồn bã cho biết. Tương tự, bà Trần Thị Diệu (45 tuổi), trú xóm 11 cho biết: Thông qua các mối quan hệ quen biết, bà Diệu đã nhiều lần cho Trần Thị Hà vay nợ với số tiền 474.378.000 đồng.

Đầu tháng 1-2016 âm lịch, do cần tiền để giải quyết công việc cho con cái, bà Diệu đã nhiều lần đòi lại nhưng vợ chồng Hà khất lần, bảo chờ bán đất, bán nhà sẽ trả nợ. 

“Tuy nhiên, đến nay đã sang nhượng hai vùng đất ở và nhà cửa cho hai người em rể, còn vợ chồng Hà vẫn tiếp tục xây nhà tại vùng đất mới mua tại xóm 10, xã Trù Sơn. Không những không chịu trả nợ, hai vợ chồng còn thách thức pháp luật khi tuyên bố, những ai làm đơn tố giác thì sẽ không trả nợ”, đơn bà Diệu viết.

Ông Đặng Văn Hạnh, Phó trưởng Công an xã Trù Sơn cho biết: Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng tại xã Trù Sơn đã nhận được tổng cộng 14 đơn tố giác của các hộ dân trong xã, tố cáo bà Trần Thị Hà vay với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Theo thống kê từ đơn thư và qua các buổi làm việc với nạn nhân, Công an xã Trù Sơn đã nhận định, nạn nhân của bà Hà đủ mọi thành phần, tầng lớp, nhưng phần lớn là quen biết với con nợ.

Trong đó, riêng địa bàn xã Trù Sơn, người cho vay nhiều nhất là số tiền hơn 474 triệu đồng, người ít nhất là khoảng 20 triệu. Các hộ dân cho Hà vay đều được hứa hẹn trả với mức lãi suất hấp dẫn là 2%/tháng và hoạt động này bắt đầu từ năm 2014. Gần đây nhất là khoảng 1 – 2 tháng trước, vẫn có người cả tin mang tiền cho Trần Thị Hà vay.

“Sập bẫy lừa” vì hám lãi suất cao

Sau khi nhận đơn tố giác của các hộ dân, UBND xã Trù Sơn đã tiến hành lập đoàn để giải quyết đơn thư và tổ chức hai buổi hòa giải. Tuy nhiên, phải đến lần triệu tập thứ 2 vào ngày 1-4, bà Hà mới đến trình diện và thừa nhận hoạt động huy động vốn trái pháp luật của mình.

Đơn tố giác của các nạn nhân gửi cơ quan chức năng tố cáo bà Trần Thị Hà.

Cũng tại buổi hòa giải này, nhiều hộ dân khác tại các xã lân cận như Đại Sơn, Hiến Sơn cũng có đơn tố giác bà Hà đang vay nợ với số tiền khoảng 4,2 tỷ đồng nhưng đến nay không có khả năng thanh toán, mặc dù đã nhiều lần đòi nợ.

Sau buổi hòa giải, UBND xã Trù Sơn giao hẹn cho Trần Thị Hà trong thời gian 10 ngày phải giải quyết xong, tuy nhiên sau thời gian trên, sự việc vẫn không có biến chuyển nên hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Công an huyện Đô Lương để thụ lý, giải quyết.

Tại cơ quan Công an, sau khi được triệu tập để giải quyết các vấn đề liên quan, bà Trần Thị Hà thừa nhận vay nợ của nhiều người, với lãi suất 1.500 đồng/triệu/ngày, sau đó cho người khác vay lại với lãi suất từ 1.700 đồng đến 2.000 đồng/triệu/ngày để hưởng lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên, sau một thời gian, những người mà Hà cho vay với số lượng lớn (từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng) đã cao chạy xa bay khiến bà Hà rơi vào tình cảnh khốn đốn, không có khả năng trả nợ cho người khác. 

Người phụ nữ này thừa nhận, đang nợ trong dân với số tiền khoảng 3 tỷ đồng và đã nhận trước khoảng 100 phường, hụi với hơn 4 tỷ đồng để cho 15 người khác vay, nhưng đến nay chưa đòi lại được.

Bản chất của vụ việc vỡ nợ do Trần Thị Hà tổ chức gom tiền trong nhân dân, theo tìm hiểu của chúng tôi, thực chất là vỡ phường hụi và đây không phải là lần đầu tiên, tình trạng này xảy ra trên địa bàn huyện Đô Lương.

Trước đó, vào tháng 7-2015, cơ quan CSĐT Công an huyện Đô Lương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Ngô Thị Trang (46 tuổi), trú xã Giang Sơn Đông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền mà Trang chiếm đoạt là 8,3 tỷ đồng.

Cũng trên địa bàn huyện Đô Lương, Nguyễn Thị Loan (41 tuổi), trú tại xóm 8, xã Tân Sơn, cũng đã phải “xộ khám” về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của 31 hộ dân trên địa bàn tổng số tiền 23,9 tỉ đồng. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Nghệ An cho thấy, trong thời gian từ năm 2012 đến 2015, toàn tỉnh xảy ra 154 vụ vỡ nợ, vỡ hụi; có 14 trong tổng số 21 huyện, thành thị liên quan đến “tín dụng đen” với số tiền thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Thiên Thảo

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Hôm nay (1/1/2025), Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành, cũng đồng thời với việc Nghị định 168/2024 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123) đi vào đời sống.

Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để hiện thực hóa “kỳ tích” làm đường sắt đô thị. Mục tiêu đặt ra là tầm nhìn đến giai đoạn 2065, Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài gần 617km.

Ngày 1/1, Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Vũ (SN 2001, ngụ tỉnh An Giang) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản; cho gia đình bảo lãnh đối với Nguyễn Văn Tấn (SN 2011, em cùng cha khác mẹ với Vũ) để xử lý cùng về hành vi nói trên. 

Vào ngày 2/1/2025, đội tuyển Việt Nam sẽ đấu Thái Lan trong trận chung kết lượt đi ASEAN Cup trên sân Việt Trì. Nơi mà mọi cổ động viên đều mang đến điều ước may mắn cho thầy trò ông Kim Sang-sik.

Năm 2024, Bắc Ninh tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文