Môi trường Suối Giàng ô nhiễm vì khai thác đá cảnh

06:20 23/03/2021
Nạn khai thác đá cảnh tại thôn Suối Lóp, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một thực trạng nhức nhối khiến người dân địa phương bức xúc nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn không hề có dấu hiệu chấm dứt. Thậm chí, càng ngày, môi trường quanh những mỏ đá này càng bị xâm phạm, tàn phá nghiêm trọng hơn.


Sự thay đổi chóng mặt

Có mặt tại huyện Văn Chấn những ngày tháng 3, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những đổi thay ở đây. Tròn 4 năm trước, trong chuyến công tác ở Mù Cang Chải, tôi đã đi qua Văn Chấn và Nghĩa Lộ nhưng cảnh vật nhiều nơi còn khá hoang sơ, lác đác dân cư. 

Ngày đó, tôi không hề biết đến đá cảnh ở Suối Giàng mà chỉ được nghe về trà tuyết san nổi tiếng. Những cây trà cổ thụ cao cả mét được trồng trên đỉnh núi cao đã trở thành đặc sản của vùng đất này. Gần đây, qua thông tin từ bạn bè ở Nghĩa Lộ và tỉnh Yên Bái, tôi được biết thêm về đá cảnh ở Suối Giàng. Đó là những tảng đá ngọc, đá vân vàng, đá đen… có những tảng to bằng chiếc ôtô dùng để làm sập, bàn ghế, đồ phong thuỷ. Tìm hiểu kĩ mới hay, đá cảnh ở Suối Giàng đã có cách đây cả chục năm. Điều này thật sự làm tôi tò mò và quyết tâm đến Văn Chấn. 

Xe tải chở đá từ mỏ về xã Suối Giàng.

Từ trung tâm huyện Văn Chấn vào Suối Giàng chỉ khoảng 3km, nhưng để đến khu vực khai thác đá thì phải đi thêm tầm chục km nữa. Con đường từ Suối Giàng lên vắt vẻo trên lưng chừng núi, uốn éo như con rắn dài nhưng… cực kỳ êm vì được trải nhựa gần như toàn bộ. Đây là một điều rất mới, rất bất ngờ với những ai từng đến đây vài năm trước. Bà Hoàng Thị Hồng Phóng, Phó Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn nói với tôi rằng, những năm về trước, Văn Chấn là một huyện với hơn 90% hộ nghèo, cận nghèo, nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, được sự quan tâm của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh mà cuộc sống của bà con đã được cải thiện nhiều.

Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc đang sinh sống và lao động, trong đó nhiều nhất là người Tày, Mông, Dao… Ngày xưa, bà con chủ yếu sống dựa vào làm nương, một số ít hộ trồng quế nên kinh tế rất khó khăn. Kể từ khi được chuyên viên nông nghiệp của huyện hướng dẫn cách trồng quế, làm các sản phẩm từ quế thì mô hình này mới nhân rộng và cho đến nay, quế đã trở thành một trong số nguồn thu chính của bà con Văn Chấn.

Ngoài quế thì đá cảnh cũng là một thế mạnh của Văn Chấn, đặc biệt là xã Suối Giàng. Cách đây khoảng hơn chục năm, bà con người Mông có phát hiện một số tảng đá có màu sắc và vân rất đẹp trong khu vực canh tác và đã mang về nhà tự m ài rũa thành các vật dụng như bàn, ghế, ấm chén… Dần dần, người dưới xuôi đổ xô lên và việc buôn bán đồ đá cảnh, máy móc, thiết bị khai thác đá ở đây trở nên sôi động, cuộc sống của bà con dân tộc bỗng chốc thay đổi chóng mặt.

Đá cảnh Suối Giàng nổi tiếng bởi muôn vạn hình dáng độc đáo, màu sắc cũng vô cùng phong phú và hiếm: Vàng lục, xanh lục, ánh ngọc, đen, tím… Bước vào một cửa hàng bán đồ làm từ đá cảnh tại Văn Chấn hoặc Suối Giàng, tôi bị choáng ngợp bởi những tảng đá cao cả mét, nặng vài tấn; bởi những khối đá bóng loáng, lấp lánh vân nhũ và đều là đá tự nhiên được đưa xuống xưởng mài giũa, xẻ, đánh bóng… chứ không hề pha tạp đá bột.

Đường vào thôn Suối Lóp (xã Suối Giàng) là một con đường độc đạo đã bị cày nát, đường đi nhày nhụa bùn lầy. Trước kia, đây là đường đất, bà con còn gọi là đường trâu đi, nhưng giờ nó đã được mở rộng ra cả mét, bên phải là vực còn bên trái là những dãy núi bị phá nham nhở, những đám bụi trắng xoá phủ lên cây cối, nhà cửa xung quanh. Bên bờ vực là những dải đá vụn đổ tràn lan. Xa xa trên lưng chừng núi là máy móc, là những người lao động đang nện từng nhát búa nặng chịch để phá đá. Từ đầu đường đã có thể nghe thấy tiếng máy xẻ, tiếng cưa ầm ầm chói tai.

Làm thuê trên chính mảnh đất của mình

Qua làm việc với ông Cao Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Chấn, chúng tôi được biết rằng, hiện nay mới chỉ có hai công ty có giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường là: Công ty cổ phần Khai thác đá và Xây dựng Đại tượng Phật Tây Thiên (giấy phép số 1297/GP-BTNMT) và Công ty TNHH Việt Á (giấy phép số 3299/GP-BTNMT).

Theo đó, hai công ty này được phép tiến hành thăm dò khoáng sản đá trang trí mỹ nghệ và đá metacarbonat làm ốp lát tại khu vực xã Suối Giàng trong thời gian lần lượt là 48 tháng và 24 tháng kể từ ngày ký và diện tích thăm dò lần lượt là 9,5 và 31 héc ta.

Đá được khai thác từ ngọn núi. Bên dưới máy xúc và xe tải đã đợi sẵn, trung bình mỗi xe tải có thể chở từ 3 đến 4 chuyến một buổi, tuỳ theo kích thước tảng đá. Và họ phải mất từ 30 phút đến 1 tiếng mới xuống đến xưởng, đó là chưa kể xe bị hỏng giữa đường và tắc đường bởi xe tải khác đi lên… Ngoài máy móc chuyên nghiệp thì bà con dân tộc cũng lên nhặt hoặc mua lại đá của chủ mỏ về tự làm rồi bán kiếm sống.

Họ đi bằng những chiếc xe Win đã trơ khung, bình xăng là chai nước lít rưỡi cắm ở đầu xe. Mỗi xe như vậy có thể thồ từ 2 đến 3 tạ, nhưng một ngày cũng chỉ được một đến hai chuyến là tối đa. Đối với người dân ở đây thì việc đi nhặt và mua đá về đã trở thành một việc làm thường nhật mặc dù nhiều mỏ đá kia đang nằm trên chính mảnh đất mà họ từng sinh sống và canh tác.

Qua thông tin từ người dân tại thôn Suối Lóp, chúng tôi được biết, trước đây, khi thông tin về đá cảnh ở Suối Giàng rộ lên, rất nhiều người có tiền đã đổ về đây mua lại nương rẫy, đất đai của bà con với giá rẻ. Hồi đó, mỗi mảnh đất cả chục héc ta chỉ có giá vài trăm triệu, nhiều nhất là hơn 1 tỷ đồng. Số tiền đó đối với bà con dân tộc thật sự rất lớn, có mơ cũng không thấy, nhưng chỉ sau vài năm, mảnh đất đó bị cày xới nham nhở; vì có đá mà có chỗ lên đến năm, bảy tỉ... Giờ đây bà con dân tộc chỉ còn biết ngậm ngùi bởi không còn đất canh tác, trồng trọt, thậm chí nhiều gia đình đang rơi vào tình cảnh… làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Qua quan sát tại các mỏ đá, tôi nhận thấy việc khai thác đá ở khu vực xã Suối Giàng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh, ảnh hưởng tới đời sống của bà con. Về phía các cơ quan chức năng của huyện, mặc dù rất quyết tâm và nhiều lần ra quân ngăn chặn nhưng do lực lượng mỏng, kinh phí hạn hẹp nên không thể duy trì các chốt, đoàn kiểm tra lâu dài dẫn đến tình trạng chốt vừa dỡ thì máy lại đào!

Để khai thác được đá ở Suối Giàng, đầu tiên chủ mỏ sẽ phải thăm dò xem chỗ nào có đá đẹp, hướng đi của đá rồi mới cho khoan. Và tất nhiên khai thác đá cũng như khai thác dầu, kinh nghiệm không thể đấu lại với vận may. Nếu chẳng may khoan đúng chỗ không có đá hoặc đá không đẹp thì chủ mỏ sẽ bỏ ngay và chuyển sang thăm dò khu vực khác; mặc kệ môi trường bị tàn phá. Muốn lên ngọn núi, đưa máy móc lên phải mở đường, phải chặt cây, phải làm mặt bằng… và chỉ sau vài tháng, vài năm, ngọn núi sừng sững ngày nào đã bị biến thành quả đồi nham nhở, trọc lốc!

Trên mỏ là thế, dưới chân mỏ là hàng loạt các xưởng làm đá với đủ các loại máy móc gầm rú suốt ngày. Để cưa, xẻ đá phải dùng nước làm mát và dòng nước này hoà lẫn với bụi đá trắng xoá cứ thế âm thầm ngấm vào lòng đất, chảy vào suối… Nếu về lâu dài, tình trạng này còn tiếp tục thì đất ở Suối Giàng nói riêng và Văn Chấn nói chung sẽ không thể sử dụng vào bất cứ việc gì!

Việc khai thác đá ở Suối Giàng đã diễn ra từ rất lâu, nếu theo người dân ở đây thì từ lúc bắt đầu lên khai thác thủ công là dùng xẻng, cuốc đào cho đến nay đã ngót nghét 20 năm. Còn bây giờ, nơi đây là cả một đại công trường với đủ các loại máy móc hoạt động suốt ngày... Hy vọng các cơ quan chức năng sẽ “xắn tay áo” một lần nữa, quyết liệt hơn để giải quyết triệt để vấn đề này và liệu hai công ty được nêu bên trên có thật sự được quản lý, kiểm tra, kiểm soát theo đúng quy định được nêu trong giấy phép?

Phong Sơn

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文