Nhiều công ty thủy điện chây ì việc trồng lại rừng thay thế

08:24 29/03/2016
Để thực hiện 3 dự án thủy điện, gồm: A Lưới, Bình Điền và Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế phải “đánh đổi” 910ha rừng, trong đó phần lớn là diện tích rừng được người dân trồng làm kế mưu sinh. Đến nay, dù đã nhiều năm trôi qua sau khi thủy điện được đưa vào vận hành, nhưng các chủ đầu tư lại cố tình “quên” việc trồng lại rừng thay thế khiến người dân bức xúc.


Tại Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nêu rõ: Khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp, ngoài báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án đền bù giải phóng mặt bằng thì chủ chuyển đổi phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng được chuyển sang mục đích khác. Thế nhưng, nhiều dự án thủy điện triển khai ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn cố tình phớt lờ việc trồng rừng thay thế, với diện tích lên đến hàng trăm ha. 

Điển hình, dự án thủy điện A Lưới, có công suất 170MW, tại xã Nhâm, huyện A Lưới. Để thực hiện dự án thủy điện này, từ năm 2007, chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Miền Trung đã thu hồi 140ha rừng của người dân trên địa bàn, nhưng sau 4 năm đi vào hoạt động, đến nay phía thủy điện chỉ mới trồng lại được 70ha rừng thay thế. 

Người dân TĐC dự án thủy điện ở Thừa Thiên - Huế thiếu đất sản xuất, trong khi chủ đầu tư chây ỳ trồng rừng thay thế.

Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm lo lắng cho biết, khi thực hiện dự án thủy điện A Lưới, phía chủ đầu tư đã cam kết lấy bao nhiêu đất rừng thì sẽ trồng lại bấy nhiêu, nhưng khi thi công hoàn thành thì phía thủy điện vẫn còn nợ của người dân hàng chục ha rừng. 

“Sau khi 150 hộ dân ở các thôn A Bả, Ta Kêu, Cleng của xã nhường đất rừng cho phía dự án thủy điện, người dân rơi vào cảnh khốn khó do phải chuyển sang nơi ở mới, thiếu đất đai sản xuất. Vì thế chúng tôi yêu cầu phía thủy điện cần sớm hoàn thành việc trồng rừng thay thế như đã cam kết trước đó”, ông Rưng nêu ý kiến.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngoài dự án thủy điện A Lưới thì hiện dự án thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương được liệt vào danh sách dẫn đầu về nợ rừng trồng thay thế. Tìm hiểu được biết, thủy điện Bình Điền được khởi công từ năm 2005 và đi vào vận hành từ tháng 5-2009, với công suất 44MW, điện năng bình quân năm đạt 181 triệu kw/h. 

Để thực hiện dự án thủy điện, Công ty CP Thủy điện Bình Điền phải thu hồi 450ha rừng, nhưng nhiều năm qua, số diện tích rừng được phía công ty này trồng thay thế lại rất ít ỏi, chỉ mới dừng lại ở con số 70ha. Tương tự, dự án thủy điện Hương Điền do Công ty CP Thủy điện HD xây dựng ở thượng nguồn sông Bồ, với công suất 81MW, sản lượng điện đạt hơn 300 triệu kw/h/năm... 

Song, lãnh đạo UBND phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, cho hay, sau 6 năm đi vào vận hành, đến nay thủy điện này chỉ mới trồng được 35ha rừng trong tổng diện tích 320ha rừng buộc phải trồng thay thế theo quy định của Chính phủ.

Qua trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, tổng diện tích rừng mà các dự án thủy điện thu hồi là 910ha, nhưng đến nay chỉ mới trồng được 175ha, tức còn nợ 735ha rừng thay thế. 

Ông Dũng cho hay, theo quy định của Chính phủ thì trước khi được phê duyệt, các chủ đầu tư dự án thủy điện A Lưới, Bình Điền và Hương Điền bắt buộc phải cam kết trồng rừng thay thế diện tích rừng được chuyển đổi. Dù cam kết là thế nhưng sau nhiều năm, các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc trồng rừng thay thế khiến người dân ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện bức xúc. 

Trước thực trạng các chủ dự án thủy điện “chây ỳ” việc trồng rừng thay thế, đầu năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đưa ra giải pháp bằng cách ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức giá 73 triệu đồng/ha. 

Theo đó, nếu chủ đầu tư các dự án thủy điện không có khả năng thực hiện trồng rừng thì buộc phải nộp số tiền đúng với quy định trên vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế để đơn vị này triển khai việc trồng rừng. 

“Dù tỉnh đã đưa ra giải pháp như thế, song nhiều chủ đầu tư dự án thủy điện vẫn than khó và xin được thực hiện có lộ trình. Tuy nhiên, do các thủy điện đã chây ỳ trồng rừng thay thế trong suốt nhiều năm liền nên tới đây, nếu họ không thực hiện thì chúng tôi sẽ kiến nghị tỉnh thu hồi giấy phép kinh doanh, chứ không thể để việc trồng rừng thay thế kéo dài mãi như vậy được!”, ông Dũng khẳng định.

Anh Khoa

Chỉ cách đây ba năm, nickel còn được coi là “ngôi sao” của ngành khoáng sản toàn cầu. Nickel, một thứ kim loại trước đây chỉ được dùng trong luyện thép không gỉ, bất ngờ tìm được vị thế mới khi thế giới đổ dồn sự chú ý vào những chiếc pin nickel-lithi (Ni-Li).

An toàn vệ sinh lao động đang là câu chuyện rất nóng và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận sau vụ việc 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương do tai nạn lao động tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình liên quan đến tai nạn lao động, khi từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra không ít tai nạn lao động nghiệp trọng. Theo thống kê 3 năm gần đây, có khoảng trên dưới 7.000 vụ tai nạn lao động/năm, làm khoảng 700 người chết/năm và hàng nghìn người khác bị thương. Có thể nói, tai nạn lao động để lại không ít hậu quả đau lòng. Pháp luật về an toàn vệ sinh lao động có rất nhiều quy định chặt chẽ, vấn đề an toàn vệ sinh lao động cũng được tuyên truyền thường xuyên vậy tại sao vẫn có những vụ việc thương tâm xảy ra, chúng ta cần thêm những giải pháp gì để bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi cùng TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động.     

Sáng 28/4, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết, vừa phối hợp lực lượng Công an xã, Dân quân, Xã đội xã Phước Thành, huyện Phước Sơn và cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét tình trạng khai thác vàng trái phép tại bãi 5A, xã Phước Thành.

Sáng 28/4, Thượng tá Võ Văn Thái - Phó Trưởng Công an TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau thời gian củng cố tài liệu, chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an thành phố, đã khởi tố 11 đối tượng về tội “Gây rối trật tự công cộng” và tội “Cố ý gây thương tích”.

Sáng 28/4, trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xảy ra ùn ứ ở nhiều hướng, do gần trăm két bia trên xe đầu kéo rơi xuống đường.

Chỉ ít ngày nữa, chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên” sẽ chính thức diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Với gần 300 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, chương trình được kỳ vọng sẽ tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ đầy sống động qua ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử, tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong chiến thắng này.

Tối 27/4, Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác lập chốt đảm bảo TTATGT, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên đường mà người điều khiển phương tiện có sử dụng bia rượu tại khu vực đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo hướng đi Nguyễn Khoái.

Giữa những ngày tháng tư lịch sử, về vùng căn cứ U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - "chiếc nôi" cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nơi ra đời chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, chúng tôi cảm thấy tự hào về những đổi thay, phát triển của vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, lực lượng cách mạng đã cùng nhân dân kiên trì bám đất, đấu tranh diệt ác, phá kìm, phá cơ sở của địch, xây dựng lực lượng cách mạng và xây dựng chính quyền cơ sở, bảo vệ Khu ủy, lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Trong thời bình, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, nhân dân vùng căn cứ U Minh Thượng đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tính đến hết tháng 12/2023, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam là đối tượng của 242 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM). Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文