Nhiều hộ dân ở huyện Cát Hải lao đao vì đất xen kẹt
- Nhiều hộ dân điêu đứng vì chủ vựa nợ tiền quýt
- Nhiều hộ dân ở bờ biển Cửa Lở có nguy cơ bị sóng “nuốt nhà”
Theo ông Nguyễn Văn Hảo, gia đình ông có 1 thửa ruộng khai hoang sản xuất muối diện tích hơn 800m², vị trí tiếp giáp với đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Gia đình ông sống bằng nghề làm muối từ nhiều đời nay, thu nhập chính từ thửa ruộng duy nhất này.
Tuy nhiên, đến tháng 8-2017, khi Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast triển khai thì thửa ruộng của gia đình ông Hảo bị “kẹp” ở giữa. Trong quá trình san lấp mặt bằng, các dự án đã vùi lấp một phần diện tích đất, nên gia đình ông không thể sản xuất được, do không có nước, thậm chí không còn đường vào.
Ông Hảo cho biết thêm, trước khi triển khai dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cát Hải đã cùng với chính quyền địa phương thông báo và tiến hành kiểm đếm, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay đã hơn 1 năm vẫn chưa được giải quyết.
Sự việc kéo dài khiến gia đình ông Hảo lâm vào cảnh lao đao vì không còn phương tiện để sản xuất. Trong khi đó trả lời thắc mắc của gia đình, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cát Hải cho rằng do diện tích đất trên nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án nên phải chờ ý kiến của thành phố.
Vì vậy gia đình ông Hảo không xác định được phải chuyển đổi nghề nghiệp hay tiếp tục chờ đợi trả lại mặt bằng để tiếp tục sản xuất(?).
Tương tự, gia đình ông Tô Văn Diện, cùng ở xã Đồng Bài, có hơn 2.200m² đất nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cho thu nhập 30 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên từ khi triển khai Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện thì gia đình không thể nuôi trồng được nữa do nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước.
Trong khi ruộng nương nằm trong dự án cũng đã bị thu hồi trước đó, khiến cả gia đình 5 nhân khẩu cả năm nay phải sống lay lắt, ai thuê mướn gì làm công việc đấy…
Ông Nguyễn Văn Hảo đứng trước thửa ruộng bỏ hoang cả năm nay do nằm xen kẹt giữa các dự án. |
Cùng ở xã Đồng Bài, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Mót quá khó khăn khi đầm nuôi trồng thủy sản có diện tích khoảng 800m2 cũng bị “kẹt” do dự án đi qua.
Ông Mót cho biết, từ khi dự án đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện triển khai thì ao nuôi của gia đình hứng chịu cát bụi và dầu mỡ khiến môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Cá, tôm thả xuống chỉ được dăm bữa, nửa tháng là chết trắng đầm, nên gia đình đành phải bỏ hoang…
Theo báo cáo của UBND huyện Cát Hải, hiện địa phương đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai 3 dự án lớn. Tuy nhiên trong số này còn có một số thửa đất nông nghiệp sản xuất muối và nuôi trồng thủy sản của các hộ dân nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng, nhưng lại bị cô lập, do nằm xen kẹt giữa phạm vi các dự án với đường ôtô Tân Vũ – Lạch Huyện.
Cụ thể có 9 thửa đất của 9 hộ gia đình, cá nhân, với diện tích hơn 10 nghìn mét vuông. Do các thửa đất nằm xen kẹt giữa các dự án đang triển khai không đủ điều kiện thu hồi đất theo quy định, nên phải chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền…
Trao đổi với Báo Công an nhân dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Trung Cường cho biết, riêng đối với hộ ông Nguyễn Văn Hảo, đến ngày 26 – 9 vừa qua, UBND huyện Cát Hải mới có công văn đề nghị Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast đồng ý cho phép sử dụng kinh phí giải phóng mặt bằng đã ứng trước để chi trả bồi thường theo giá phương án bồi thường, hỗ trợ tạm tính trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Sau khi thửa đất có đầy đủ các điều kiện để thu hồi và được các cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định pháp luật, UBND huyện Cát Hải sẽ lập, duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ hoàn trả lại kinh phí tạm ứng cho công ty.
Để có cơ sở giải quyết kiến nghị của các hộ dân khác, đến nay UBND huyện Cát Hải vẫn đang chờ UBND TP Hải Phòng cho phép thu hồi và lập phương án bồi thường hỗ trợ.
Sau khi được UBND TP Hải Phòng cho phép, huyện Cát Hải sẽ ban hành thông báo thu hồi đất, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ chi trả theo quy định.