Rừng bị phá nát, chủ rừng nói “không biết” (?!)
- Phá nát rừng ở Gia Lai nhưng chưa bị xử lý
- Phá nát rừng vì tin đồn bịa đặt trúng vàng
- Quảng Trị kiểm tra thông tin rừng bị chặt phá
Những ngày cuối tháng 11-2017, chúng tôi nhận được tin báo của người dân báo tin, trên địa bàn huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk xuất hiện rầm rộ trở lại tình trạng chặt phá rừng bừa bãi và buôn gỗ lậu với quy mô lớn; đặc biệt là tại những cánh rừng do các công ty lâm nghiệp quản lý.
Để tìm hiểu cụ thể tình trạng phá rừng nơi đây, từ trung tâm huyện Ea Hleo, chúng tôi men theo cánh rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý để tìm hiểu. Dọc hai bên tuyến đường dẫn sâu vào rừng là những gốc cây bị đốn hạ nằm trơ trọi, phần ngọn và thân đã được lấy đi từ lúc nào.
Tiếp tục tiến sâu vào rừng, băng qua hàng chục quả đồi dựng đứng, sau gần một ngày đánh vật với con đường đầy hiểm trở, trơn trượt chúng tôi cũng có mặt tại bãi gỗ do “lâm tặc” đốn hạ, tập kết giữa rừng mà người dân báo tin.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi không khỏi giật mình khi trước mặt là hàng trăm lóng gỗ dài từ 3-8 mét, rộng từ 40-60cm đủ các loại đã được “lâm tặc” đốn hạ, cắt xẻ gọn gàng tập kết thành từng đống. Lần theo con đường mòn mà “lâm tặc” mở để khai thác gỗ dẫn lên đỉnh núi, dọc hai bên tuyến đường là những lóng gỗ đã được “lâm tặc” xẻ hộp vứt lăn lóc.
Bãi gỗ được “lâm tặc” đốn hạ, tập kết ngổn ngang giữa rừng tại Tiểu khu 22 do Công ty Lâm nghiệp Chư Phả quản lý. |
Bên cạnh những lóng gỗ này là vô số can nhựa đựng xăng, dầu, nước cùng những đống tro tàn “lâm tặc” bỏ lại sau những ngày dài “đóng quân” nơi đây để khai thác gỗ. Không chỉ vậy, khi vừa tiến đến đỉnh núi, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc xe máy, xe rơ moóc máy cày chờ sẵn để phục vụ cho việc di chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Tiếp tục di chuyển lên trên, chúng tôi chứng kiến nhiều dấu mùn cưa còn mới tinh, trắng xóa nằm ngay bên cạnh những gốc cây vừa bị đốn hạ còn chảy nhựa.
Điều đáng nói ở đây là hiện trường bãi tập kết gỗ này chỉ cách Trạm quản lý bảo vệ rừng phân trường số 1 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả chưa đầy 8km nhưng không hiểu vì sao, lực lượng bảo vệ rừng không phát hiện kịp thời sự việc để ngăn chặn.
Trong khi đó, các dấu vết tại hiện trường cho thấy, để khai thác, vận chuyển số lượng lớn gỗ ra bãi tập kết nói trên, cánh “lâm tặc” không thể làm trong một vài ngày mà phải mất rất nhiều thời gian.
Trong lúc đang choáng ngợp với hình ảnh gỗ rừng bị đốn hạ la liệt nơi đây thì chúng tôi phát hiện một khu lán dựng bằng bạt xanh, cùng tiếng người nói chuyện bên trong nằm cách hiện trường không xa. Di chuyển lại gần, chúng tôi mới biết đó là lực lượng kiểm lâm huyện Ea Hleo và bảo vệ của Công ty Chư Phả đang bảo vệ hiện trường, tang vật.
Khi chúng tôi đặt nhiều câu hỏi về những người trực tiếp khai thác số lượng gỗ “khủng” này thì lực lượng nơi đây chỉ đáp lại bằng những cái lắc đầu. “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ vảo vệ hiện trường, tang vật chứ không biết gì hơn”, một cán bộ lâm nghiệp nói.
Theo tìm hiểu của PV, hiện trường bãi tập kết gỗ này thuộc khoảnh 3 và 4, Tiểu khu 22 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả (trụ sở đóng tại xã Ea Hleo) quản lý, bảo vệ.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá nơi đây, chúng tôi đã buổi làm việc với ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả thì ông Tân cho biết, trước đó, vào ngày 21-11, trong khi đơn vị đang phối hợp cùng với đoàn liên ngành kiểm tra, giải tỏa các lò than trên địa bàn thì nhận được tin báo của lực lượng kiểm lâm huyện phát hiện một bãi gỗ tập kết giữa rừng. Qua xác minh, bãi gỗ này nằm tại Tiểu khu 22 thuộc lâm phần do công ty quản lý.
Khi PV đặt câu hỏi, việc một bãi gỗ bị đốn hạ với quy mô lớn, khai thác trong một thời gian dài như vậy nhưng lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị không hay biết để ngăn chặn, xử lý thì có hay không việc “bảo kê” của lực lượng bảo vệ rừng?, ông Tân thừa nhận, để xảy ra việc khai thác gỗ trái phép nói trên là trách nhiệm của chủ rừng là chưa kiểm tra, nắm bắt kịp thời để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ rừng.
“Chúng tôi sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm của những cán bộ được giao bảo vệ rừng để xảy ra sự việc theo quy chế của công ty. Bản thân tôi là người đứng đầu đơn vị nhận thấy chưa kiểm soát chặt chẽ, thiếu sót, chưa kịp thời trong công tác chỉ đạo. Về thông tin đặt ra có dấu hiệu “bảo kê” của lực lượng bảo vệ rừng hay không thì tôi khẳng định là không có. Tôi cho rằng, vụ việc này diễn ra vào những ngày mưa sau cơn bão số 13, 14, đường tuần tra lại dốc, nước chảy xiết nên anh em không đi tuần tra được để phát hiện kịp thời”, ông Tân lý giải.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Ea Hleo, vào ngày 21-11, đơn vị có nhận được tin báo của người dân tại Tiểu khu 22 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý có một bãi gỗ đã được đốn hạ, tập kết chuẩn bị đưa ra khỏi rừng.
Nhận được tin, lực lượng kiểm lâm đã tiếp cận hiện trường và qua công tác kiểm tra phát hiện nơi đây có 2 xe đầu kéo Zang Ma, 2 rơ moóc, 2 xe công nông cùng nhiều xe máy, cưa lốc được cánh “lâm tặc” bỏ lại. Qua công tác kiểm đếm, nơi đây có tổng cộng 126 lóng gỗ (từ nhóm III đến VII) đã được xẻ hộp với khối lượng hơn 45m³ gỗ.
Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Ea Hleo, tang vật và lâm sản vi phạm đang được đơn vị phối hợp cùng các cơ quan liên quan bảo vệ tại hiện trường. Do địa hình tập kết gỗ có độ dốc cao, đường đi lại rất khó khăn nên chưa thể vận chuyển ra khỏi rừng.
Ngoài ra, sau khi phát hiện, các đối tượng đã bỏ trốn nên đến nay, chưa phát hiện ai là chủ mưu trong vụ phá rừng có quy mô lớn này. “Hiện đơn vị đang củng cố hồ sơ, phối hợp cùng lực lượng điều tra Công an huyện Ea Hleo vào cuộc điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định”, một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Ea Hleo cho biết.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu chủ rừng có quá vô trách nhiệm, hay có sự “bảo kê” nào đó cho những kẻ phá rừng trái phép (?).