Sẽ xem xét xử lý việc “đá lát vỉa hè vừa làm xong đã hỏng”
- Chủ tịch Hà Nội yêu cầu làm rõ chất lượng đá lát vỉa hè
- Đề xuất lát vỉa hè Hà Nội bằng gạch bê tông giả đá
Những sai phạm của từng đơn vị, từng quận, huyện cũng đã được nêu rất rõ. Tuy nhiên, điều dư luận đang quan tâm là cá nhân nào sẽ bị quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm vì những sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận thanh tra?
Trong khi các quận của Hà Nội vẫn đang rục rịch rút kinh nghiệm và kiểm điểm, thì thực trạng tại các tuyến phố được lát đá với lời quảng bá có độ bền 70 năm tuổi vẫn không được cải thiện là mấy.
Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều đoạn phố vẫn ngổn ngang đá vỡ. Dọc theo tuyến phố Trung Kính, cứ vài trăm mét lại có một đoạn vỉa hè bật đá, khấp khểnh. Thậm chí, có những đoạn đá bị vỡ nát. Ngay đầu ngõ 120 phố Trung Kính, dưới tấm biển chỉ dẫn là những khoảng vỉa hè, đá lát bị vỡ vụn.
Trên phố Trần Duy Hưng, ngay hông khách sạn hạng sang Grand Plaza, vỉa hè bị “dập nát” đã khá lâu không được sửa chữa, cỏ dại đã bắt đầu mọc xanh tốt. Bác Trần Thanh Hà, bán hàng nước trên vỉa hè cho biết, đoạn vỉa hè này đã bị bật đá, vỡ gạch từ gần nửa năm nay.
“Đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy xót tiền của Nhà nước thôi cô ạ. Mà không hiểu đá lát hè chất lượng thế nào mà mới đưa vào sử dụng đã hỏng như thế này rồi”, bác Hà thắc mắc. Các phố Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, Lê Trọng Tấn… cũng có nhiều đoạn hè phố bật đá, vỡ đá… . Riêng về vấn đề giá, qua tham khảo giá niêm yết của các công ty kinh doanh đá vỉa hè thì mức giá hiện các quận nội thành Hà Nội đang áp dụng không quá chênh lệnh (bao gồm cả giá thành thi công, hoàn thiện).
Vỉa hè xấu đi sau khi được lát đá. Ảnh chụp trên phố Trần Duy Hưng. |
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là rõ ràng thực trạng đá lát vỉa hè mới thi công xong đã vỡ nát, chứng tỏ chất lượng đá có vấn đề thì kết luận thanh tra lại không đề cập đến vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trách nhiệm chính thuộc về các quận. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, Sở Xây dựng cũng không đứng ngoài cuộc. Trong kết luận của thanh tra TP, việc hướng dẫn không đồng nhất và rõ ràng trong “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội” dẫn đến thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất.
Cụ thể, có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2, có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê tông lót nền hè. Ngoài ra, tại một số dự án, đá lát hè được lát sát nhau và do đá có chiều dày khoảng 3cm nên dẫn tới hồ xi măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng tới chất lượng hè lát đá.
Theo Thanh tra TP Hà Nội, trách nhiệm này trực tiếp thuộc Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) và Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng CCIC Hà Nội (đơn vị tư vấn lập thiết kế mẫu).
Bên cạnh đó, Phòng Quản lý xây dựng của Sở Xây dựng Hà Nội cũng bị truy trách nhiệm về việc thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công, nghiệm thu các kết cấu hè có lát đá và việc bảo trì mặt hè sau khi lát đá. Ngoài ra, các đơn vị thi công khác nhau dẫn tới chất lượng công trình không được đảm bảo.
Về trách nhiệm của các quận, Thanh tra TP cho rằng, quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, chưa thực hiện đầy đủ chỉ đạo của TP như không tổ chức rà soát và kiểm tra hiện trạng hè, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện việc sửa chữa cải tạo áp dụng vật liệu lát hè, bó vỉa bằng vật liệu đá tự nhiên có độ bền đảm bảo 50-70 năm.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu cho biết, sau khi Thanh tra TP công bố những tồn tại lát đá vỉa hè, ông đã yêu cầu Phòng Tài chính kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị rút kinh nghiệm và kiểm điểm. Theo ông Hiếu, trước ngày 31-3, quận Hoàng Mai sẽ phải báo cáo TP kết quả xử lý những vấn đề đã được kết luận thanh tra chỉ rõ.
“Đây là bài học kinh nghiệm cho chúng tôi thực hiện tốt hơn những dự án khác. Chúng tôi không thanh minh nặng hay nhẹ gì”, ông Hiếu bày tỏ.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho hay, thời gian tới, ông sẽ kiến nghị TP và cơ quan thẩm định của Sở Xây dựng phải đưa ra quy chuẩn chung về đá lát vỉa hè trên các tuyến phố. Trong quy chuẩn đó phải nêu rõ độ dầy của đá thế nào, chiều rộng bao nhiêu để các quận áp dụng. Tuy nhiên, có những quận chưa nhận được kết luận thanh tra của TP như quận Hà Đông.
Ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết, khi nhận được văn bản từ Thanh tra TP sẽ lập hội đồng kỷ luật để xem xét trách nhiệm các đơn vị liên quan. Theo kết luận thanh tra, tại quận Hà Đông, dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang - Ba La) không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013 - 2015, là không thực hiện đúng chỉ đạo của TP về xây dựng kế hoạch đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
UBND TP Hà Nội đã có văn bản chấp thuận dùng nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất do thành phố để lại để đầu tư lát đá hè chỉ cho 2 tuyến quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang - Ba La) và đường Bà Triệu, nhưng UBND quận Hà Đông lại cải tạo lát đá cho cả các tuyến phố nhánh khớp nối, tiếp giáp quốc lộ 6A, không báo cáo xin ý kiến của UBND TP…
Tương tự như quận Hà Đông, nhiều quận khác khi được hỏi cũng đều khẳng định, đã giao cho đơn vị chuyên môn xem xét rõ từng vấn đề cụ thể đã được thanh tra chỉ rõ.