SOS! Thú 'đập đá' trong giới trẻ

07:29 03/01/2016
LTS: Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành liên tiếp xuất hiện các vụ việc liên quan đến ma túy tổng hợp dạng “đá”. Các đối tượng sau khi “đập đá” – sử dụng ma túy “đá”, trong cơn phê đã có những hành vi mất kiểm soát, gây rối an ninh trật tự, thậm chí gây ra những vụ trọng án khiến dư luận bức xúc. Thú “đập đá” là gì? Tác hại của nó ra sao? PV Báo CAND đã thâm nhập thực tế, tìm hiểu về loại ma túy này.


Bài 1: Cơn bấn loạn mang tên... “đập đá”

Thú “đập đá” - tiến lóng của dân chơi ám chỉ việc sử dụng ma túy “đá” đang trở thành hiểm họa tấn công một bộ phận dân chơi là giới trẻ. Với hàm lượng ma túy cao, sự tác động, kích thích hệ thần kinh mạnh, ma túy “đá” đang làm nhiều dân chơi trở nên bấn loạn, có những hành vi mất kiểm soát dẫn đến hậu quả khôn lường. 

Khống chế một trường hợp bị “ngáo đá”. Ảnh: Anh Tuấn.

Mấy ngày qua, cộng đồng mạng không ngớt bàn tán về video clip quay cảnh nam thanh niên được cho là “ngáo đá” - bị ảo giác do hút ma túy “đá” - ở tỉnh Hải Dương khi nam thanh niên này “khỏa thân” đứng trên nóc nhà kêu gào. Bên dưới, nhiều người dân không ngừng khuyên can. Có thời điểm, nam thanh niên này có hành động bám vào dây điện (có vỏ bọc), đồng thời luôn miệng hỏi: “Cho cháu hỏi đây là ở đâu? Đây là đâu?”. Để ngừa hậu quả có thể xảy ra, người dân đã ngắt cầu dao nguồn điện. Xem đoạn video clip này, nhiều độc giả lo ngại trước hệ lụy do hiện tượng “ngáo đá” gây ra.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sau khi “đập đá”, rơi vào trạng thái “ngáo đá” đã gây ra các vụ án nghiêm trọng. Nhắc đến vụ việc xảy ra vào chiều 24-12-2015 tại phường Ka Long, TP Móng Cái (Quảng Ninh), nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng. Trước đó, vào 19h10 cùng ngày, sau hơn 2 giờ vận động, thuyết phục, lực lượng chức năng của thành phố Móng Cái đã giải cứu an toàn cho hai cháu Lê Yến V. (18 tuổi) và Lê Đức Hải D. (5 tuổi) khỏi sự khống chế của đối tượng Hoàng Văn Linh ở huyện Văn Giang, Hưng Yên.

Điều tra ban đầu cho thấy, trong cơn “ngáo đá”, Linh đã dùng tuốc nơ vít chạy vào nhà chị Nguyễn Thị Định khống chế hai cháu V và D. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khống chế đối tượng, giải cứu thành công hai cháu bé. Theo chị Nguyễn Thị Định, mẹ hai cháu bé cho biết, nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Thú “đập đá”, con đường hủy hoại tương lai.

Là cán bộ có thâm niên trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm tiền chất và ma túy tổng hợp, Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng 5 – Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) lo ngại trước hiện tượng “ngáo đá” do thú “đập đá” gây ra như hiện nay. Khi bị rơi vào trạng thái “ngáo đá” - ảo giác, con người ta sẽ có những hành động mất kiểm soát dẫn đến hậu quả khôn lường. Thượng tá Bùi Đức Thiêm kể cho chúng tôi nghe về vụ việc đau lòng xảy ra tại phường Trần Quang Khải, TP Nam Định. Sau khi sử dụng ma túy “đá”, Đỗ Đức Mạnh Hùng, 26 tuổi, bị “ngáo đá”, mất kiểm soát lý trí dẫn tới việc dùng dao sát hại bố mẹ đẻ của mình là ông Đỗ Đ.T. và bà Nguyễn T.Đ..

Cũng theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, ma túy “đá” với mẫu mã, hàm lượng ma túy chiếm trên 80%, kích thích mạnh và nhanh đến hệ thần kinh, não bộ của người sử dụng do vậy nó đã và đang thay thế dần các loại ma túy “truyền thống” như: heroin, thuốc phiện… Khi “đập đá” – sử dụng ma túy “đá”, con người ta sẽ bị rơi vào trạng thái ảo giác, có những hành vi không kiểm soát, gây mất ANTT, thậm chí gây hại cho chính bản thân mình. Trong tổng số các vụ việc bị phát hiện, bắt giữ liên quan đến ma túy “đá” thì có tới gần 70% số vụ việc xảy ra tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chính Minh v.v..

Năm 2007, 2008, vào thời điểm mới xuất hiện ma túy “đá” trên thị trường, heroin, thuốc phiện… vẫn còn giữ “vị trí”. Để “sở hữu” một “chấm” (hay một “gam”) ma túy “đá”, dân chơi phải chi từ 1,8 đến 2 triệu đồng. Song đến thời điểm hiện tại, theo T.A. – một dân chơi ở phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) tiết lộ thì giá của một “chấm đá” trên thị trường chỉ còn trên 1 triệu đồng (dùng cho 4-5 dân chơi sử dụng trong một đêm). Nhằm thu hút dân chơi, các “đầu nậu” đã cung cấp “hàng đá” theo kiểu khuyến mãi. Ví như, khi mua một “hộp 5”- tức một hộp gồm “5 chấm đá” (5 gam “đá” – PV), dân chơi chỉ phải chi số tiền 3 triệu đồng. Trong khi mua lẻ - từng “chấm đá”, giá của nó là 1 triệu đồng/chấm.

Để “né” lực lượng chức năng cũng như thể hiện độ chơi của mình, dân chơi “không khói” dạng này thường sử dụng hàng loạt tiếng “lóng”, đại loại như: “đập đá”, “phá đá”, “phá núi” – ám chỉ việc hút, sử dụng ma túy “đá”, “xả đá” – ám chỉ việc quan hệ nam nữ sau khi đã phê “đá”, “ngáo đá” – dùng cho việc dân chơi bị phê, ảo giác v.v... Nếu như trước đây, dân chơi thường phải đặt hàng, mua bình “ục”, bình “đập đá” có chất liệu bằng thủy tinh, sứ để sử dụng ma túy “đá” thì nay, dân chơi đã tự chế bình “đập đá” bằng các loại bình Lavie, bình sữa trẻ em. Do đó, việc phát hiện, xử lý các đối tượng “đập đá” là rất khó khăn.

Tiếp xúc với dân chơi T.A., chúng tôi được hay, khác với các loại ma túy tổng hợp thông thường, dân chơi chỉ “đập đá” trong những không gian tĩnh lặng, có chỗ nằm ngơi nghỉ như: phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn, kèm với đó là tiếng nhạc du dương theo dòng nhạc Chill Out, chứ không như thuốc “lắc” chuộng tiếng nhạc chát chúa. Và nước suối, bia,… thường là đồ uống được ưa chuộng hơn cả đối với dân “đập đá”.

Đại tá, PGS.TS Bùi Minh Trung – Trưởng khoa Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Học viện Cảnh sát nhân dân): Ma túy “đá” sẽ khiến người sử dụng băng hoại nhân cách, hành vi

Ma túy “đá” là chất kích thích, tác động mạnh trực tiếp lên não bộ của người sử dụng. Nó gây ra hiện tượng ảo giác, hay còn gọi là “ngáo đá”. Triệu chứng hoang tưởng, loạn thị giác, hành vi không kiểm soát dẫn đến những hậu quả khôn lường không chỉ cho người xung quanh, mà cho ngay cả chính bản thân người sử dụng. Ma túy “đá” còn khiến người sử dụng băng hoại nhân cách, lẽ bởi sau khi sử dụng ma túy “đá”, dân chơi thường có sở thích quan hệ tình dục tập thể, có những hành vi mà bình thường không thể nghĩ tới như: leo trèo nhà cao tầng, tắm trong ống cống v.v...

Một số vụ việc điển hình liên quan đến “ngáo đá” trong năm 2015

1. Khoảng 10h ngày 17-12-2015, tại đoạn sông Tam Bạc, phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng), trong lúc bị “ngáo đá”, Trần Văn T., 33 tuổi, ở quận Hồng Bàng, đã cởi quần áo lao mình xuống dòng sông, vùng vẫy trong tiết trời giá rét. Nhận được tin báo, lực lượng Công an đã có mặt tại hiện trường để đưa T. lên bờ và bàn giao cho gia đình quản lý.

2. Khoảng 15h10’ ngày 15-12-2015, Phạm Văn Tuấn trong cơn “ngáo đá” đã cầm theo hung khí xông vào chi nhánh một ngân hàng ở phường Long Bình, TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tại đây, Tuấn đã đập vỡ kính và dùng mảnh kính vỡ đe dọa mọi người. Sau nhiều giờ bị Cảnh sát chốt chặn, Tuấn dùng mảnh kính vỡ tự đâm vào bụng mình. Sau khi được lực lượng Công an vận động thuyết phục, đưa đến bệnh viện điều trị vết thương, Tuấn lại tiếp tục gây rối buộc lực lượng Công an phải can thiệp, khống chế.

3. Khoảng 13h30’ ngày 8-11-2015, Phạm Thị Minh T., 37 tuổi, ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong lúc “ngáo đá” đã tự đốt nhà mình rồi leo ra lan can gào thét. Rất may, ngay sau khi phát hiện sự việc, lực lượng Công an đã có mặt tại hiện trường khống chế T..

4. Tối 22-7-2015, trong lúc “ngáo đá”, tại Bệnh viện thị trấn Tây Sơn (huyện Hương Sơn – Hà Tĩnh), Trần Tiến Xuân, 22 tuổi, trú cùng huyện, vô cớ, dùng dao đâm anh L.C.B. nhiều nhát khiến anh B tử vong tại chỗ.

Trần Huy

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chỉ đạo dốc toàn lực, tập trung cứu chữa cho các nạn nhân của vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội). Theo đánh giá lúc nhập viện, cả 4 nạn nhân tiên lượng nặng, nhiều nguy cơ diễn biến khó lường và có thể tử vong cao.

Ngày 20/12,  ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thông tin về vụ việc thu hồi 238 sổ đỏ xuất phát từ một vụ án hình sự làm giả con dấu, tài liệu của của Nhà nước. Qua đó, Đà Nẵng đã có phương án xử lý có lợi nhất cho người dân.

Chỉ 5 giờ đồng hồ sau khi nhận được trình báo vụ cướp tài sản xảy ra tại khu vực nghĩa trang trên địa bàn, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã lập chiến công xuất sắc, nhanh chóng xác định và bắt giữ được thủ phạm gây án.

Năm 2016, ông Ngô Văn Long ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 2 thửa đất liền kề có tổng diện tích hơn 161m2, gồm một phần diện tích đất nông nghiệp và đất ở tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh từ chủ sử dụng đất là ông Ngô Nam Thắng và thực hiện đầy đủ thủ tục để cập nhật, đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng từ năm 2018 đến nay, ông Long đã nhiều lần kêu cứu khắp nơi để được bảo vệ quyền lợi chính đáng trước sự tắc trách của chính quyền địa phương…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文