Sóng ngầm “tín dụng đen” (bài cuối)

09:47 20/07/2016
Bằng những thủ đoạn tinh vi, nhiều đối tượng cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” đã hợp thức hóa tài sản của người vay tiền thông qua những hợp đồng chuyển nhượng. Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc cũng đã nổi lên một số những tồn tại cần sớm khắc phục. Qua đó, tạo tính răn đe, ngăn chặn những cơn sóng ngầm mang tên “tín dụng đen”.


Bài cuối: Sớm khắc phục những kẽ hở pháp lý

Theo ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, để ngăn ngừa sự gia tăng các vụ án dân sự liên quan đến tín dụng ngân hàng, trước hết, các tổ chức tín dụng ngay từ đầu khi thẩm định phải siết chặt quy trình. Giải thích rõ quyền lợi, nghĩa vụ cho người thế chấp, tránh việc tổ chức tín dụng cũng như bộ phận công chứng bắt tay với các đối tượng “cò” tài chính cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen” nhằm đưa người có nhận thức hạn chế về pháp luật vào tròng.

Bên cạnh đó, các cơ sở Văn phòng đăng ký đất đai cũng phải quản lý chặt thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu đất, nhà ở, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào hồ sơ mà không xác minh cụ thể nơi có bất động sản nhằm tránh hiện tượng lập hồ sơ chuyển nhượng giả, người vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng để làm tin đối với chủ nợ. Rồi sau đó, chủ nợ này làm thủ tục sang tên và mang hồ sơ đi thế chấp tại ngân hàng.

Cùng với đó, việc xét xử các án tín dụng ngân hàng tại Tòa án cũng cần phải nghiên cứu kỹ, bởi không chỉ nghiên cứu hồ sơ vay, hồ sơ xét xử mà phải đi kiểm tra thực tế tại nơi có tài sản xảy ra tranh chấp, rồi người đang quản lý, sử dụng, phản ánh của chính quyền địa phương. Có như vậy, mới bịt được lỗ hổng, không để các đối tượng “cò” tài chính, “tín dụng đen” lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ông Chu Quang Tiến đã dẫn dụ về vụ việc 15 hộ dân ở xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Theo tài liệu của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội cho thấy, trước đó vào năm 2007, 15 hộ dân trên do cần vốn sản xuất kinh doanh và không hiểu biết pháp luật nên đã được ông N.V.H ở cùng xã môi giới để vay tiền của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ tổng hợp điện máy T.A (gọi tắt là Công ty T.A) để vay tiền (mỗi hộ từ 10-20 triệu đồng).

Theo đó, đại diện các hộ gia đình đã ký các văn bản và bàn giao các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty T.A nhưng các hộ dân trên thực tế vẫn chiếm hữu, sử dụng, chưa bàn giao nhà đất. Quá trình nhận thế chấp tài sản, ngân hàng không làm việc trao đổi với chính quyền địa phương nắm thực trạng tài sản để phối hợp thực hiện. Mặt khác, Công ty T.A đã sang tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng mới chỉ là trên giấy chứ chưa có quyền sở hữu tài sản trên đất.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, TAND TP Hà Nội đã không xem xét hiện trạng thực tế tài sản và không đưa 15 hộ dân này vào tham gia tố tụng với tư cách là người liên quan để  bảo đảm quyền lợi cho họ. Cho đến khi cơ quan thi hành án đến xác minh, giải quyết thi hành án với 15 hộ dân này thì họ mới biết tài sản của gia đình mình đã bị sang tên cho phía Công ty T.A. Do vậy, Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã có công văn gửi TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại bản án nói trên nhưng hiện chưa nhận được công văn trả lời.

Sớm khắc phục những kẽ hở pháp lý nhằm ngăn chặn hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra.

Khi các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” bị đổ bể, đã xuất hiện nhiều hệ lụy. Bởi thế cho nên, công tác điều tra, đấu tranh với các loại tội phạm cho vay lãi nặng núp bóng hình thức cho vay theo kiểu tín chấp, “tín dụng đen” đòi hỏi sự quyết tâm của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý, điều tra các vụ việc, cơ quan điều tra đã gặp phải không ít khó khăn vướng mắc.

Trung tá Lê Văn Dĩnh, Phó trưởng Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho hay, việc vay mượn tiền, tài sản là quan hệ dân sự, diễn ra âm thầm trong thời gian dài. Chỉ đến khi không trả được nợ, số tiền đã vay sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau thì vụ việc mới được trình báo. Chưa hết, có không ít người bị hại không dám tố giác với cơ quan Công an vì sợ cho vay với lãi suất cao nếu trình báo sẽ bị khép vào tội cho vay lãi nặng.

Do đó, quá trình điều tra, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, việc thu hồi lại tiền gốc rất ít, thậm chí không thể thu hồi được. Bên cạnh đó, hiện chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn thi hành trong điều tra, xử lý đối tượng với hai loại tội phạm lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các quy định của pháp luật hiện nay còn nhiều sơ hở để tội phạm lợi dụng, gây khó khăn cho công tác điều tra truy tố xét xử. Nhất là xác định yếu tố “bỏ trốn”, “gian dối”, “sử dụng bất hợp pháp”, “chiếm đoạt tài sản”…

Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong một số vụ án còn chưa kịp thời, thống nhất, nhất là quan điểm trong đánh giá chứng cứ, quan điểm xử lý (dân sự hay hình sự, lừa đảo hay lạm dụng…).

Trong nhiều trường hợp, khi bị đòi nợ, xiết nợ, các con nợ thường không dám tố cáo vì sợ bị trả thù, chủ nợ thì che giấu sự phát hiện của cơ quan Công an gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Cùng với đó, một trong những vấn đề mà cơ quan điều tra đang lưu tâm hiện nay đó chính là việc chứng minh hành vi cho vay lãi nặng.

Lẽ bởi, theo Điều 163 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định, mặt khách quan của tội phạm: tội cho vay lãi nặng được thể hiện ở hành vi cho vay lấy lãi suất quá cao so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước (cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định gấp 10 lần trở lên) có tính chất chuyên bóc lột, tức là có tính chất thường xuyên làm nguồn sống.

Tuy nhiên, theo Trung tá Lê Văn Dĩnh, hiện nội dung đề cập đến điều kiện thỏa mãn để truy cứu trách nhiệm hình sự “có tính chất chuyên bóc lột”  hiện chưa được hướng dẫn chi tiết. 

* Nhằm ngăn ngừa các vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Cục Cảnh sát hình sự đã đề nghị Công an địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân hiểu biết chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn cũng như phương thức thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Từ đó, nâng cao ý thức tự phòng ngừa, thận trọng trong việc tiếp xúc trao đổi với đối tác huy động vốn khi chưa nắm được thông tin chính xác đầy đủ về đối tác, không hám lợi mà mắc vào các vụ đổ vỡ tín dụng, tham gia tố giác tội phạm.

* Theo Thạc sỹ, luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 – Quốc gia, trong trường hợp người cho vay lãi nặng, sau đó có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người vay nhằm chiếm đoạt tài sản thì tùy theo từng trường hợp, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 135 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội cưỡng đoạt tài sản.


Trần Huy

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Từng được mệnh danh là “Thụy Sĩ của Trung Đông” nhờ sự phát triển thịnh vượng và đa dạng văn hóa nhưng hiện nay, Lebanon đang chìm sâu trong một giai đoạn đen tối. Những năm gần đây, đất nước này đã phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng chồng chất từ sự suy thoái kinh tế, chia rẽ chính trị, đến xung đột quân sự dữ dội với Israel. Tình hình hiện tại đã đưa Lebanon tới ngưỡng cửa sụp đổ hoàn toàn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ từ nội tại mà còn từ cộng đồng quốc tế để cứu vãn và tái thiết.

Trong bối cảnh cả Nga và Triều Tiên đều chịu áp lực nặng nề từ các lệnh trừng phạt quốc tế, hai quốc gia đã tìm thấy điểm tựa chiến lược để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Từ kinh tế, quân sự đến ngoại giao, mối quan hệ này không chỉ giúp họ đối phó với sự cô lập, mà còn góp phần tái định hình cục diện địa chính trị tại Đông Bắc Á.

Đợt không khí lạnh tăng cường khiến các tỉnh thành ở miền Bắc nền nhiệt tiếp tục giảm, trời rét. Thủ đô Hà Nội ngày nắng, về đêm và sáng sớm lạnh. Vùng núi cao một số nơi dưới 16 độ C.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文