Sống thấp thỏm trong vùng sạt lở núi
- Di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở núi trước mùa mưa lũ
- 6 người thiệt mạng do sạt lở núi ở Lai Châu
Căn nhà của anh Hồ Văn Nam (45 tuổi, nóc Ông Nam, thôn 3, xã Trà Bui) chỉ còn nằm lại một mình giữa lưng chừng núi, nơi có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Anh Nam cho biết, tại khu vực này trước đây có 3 ngôi nhà của 3 gia đình cùng nhau sinh sống. Nhưng từ khi vách núi phía trước nhà bị nứt toác, có nguy cơ sạt lở thì 2 hộ đã dọn đi nơi khác.
Hiện nay chỉ có hộ của anh Nam ở lại, do không có tiền di dời. Chỉ tay về những điểm nứt nẻ ở quả núi ngay trước mặt, anh Nam tiếp lời: “Chỗ này là nơi có nguy cơ sạt lở lớn nhất. Vết nứt này xuất hiện từ cuối năm 2017 và ngày càng lớn, kéo dài gần đến sát nhà rồi. Từ khi phát hiện vết nứt, xã cũng đến khảo sát bảo mình di dời nhà. Mình đã chuẩn bị mặt bằng hết rồi nhưng đến nay vẫn chưa được ứng tiền để di dời nhà chi hết”.
Tại nóc Ông Đoàn (thôn 7, xã Trà Bui) có 17 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở thì đến nay chỉ mới có 11 hộ được di dời, còn 6 hộ vẫn chưa có kinh phí để di dời. Anh Nguyễn Ly Luận (34 tuổi) cho hay, nóc này trước đây được xã bố trí TĐC, bây giờ đã bị sụt lún, nền nhà đã bị hư hỏng hết.
Người dân Trà Bui sống trong những căn nhà tạm ở khu vực nguy cơ sạt lở núi, chờ tái định cư. |
Nhà của các hộ gia đình Hồ Văn Thương, Hồ Thị Xiên, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Điện Ngọc, Nguyễn Ngọc Thanh đã hư hỏng do nền sụt lún nặng, nhưng không có kinh phí nên chỉ biết dựng một căn nhà tạm sát bên để ở…
Không chỉ gặp khó khăn về kinh phí, xã Trà Bui còn gặp khó khăn về mặt bằng khiến việc TĐC cho người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân mới dựng nhà cũng đứng trước nguy cơ sụt lún, nứt nền nhà. Sau cơn bão số 12 năm 2017, ngôi làng của chị Hồ Thị Liên (36 tuổi, thôn 5, xã Trà Bui) bị sạt lở cuốn phăng tất cả.
Theo dân làng đi TĐC ở vùng đất cách nơi cũ không xa, chị Liên vừa mới dựng được căn nhà cho gia đình mình gần một tháng nay, cứ nghỉ sẽ an cư để lạc nghiệp, tránh họa núi đè, không còn lo lắng, thế nhưng chỉ được mấy hôm, nền nhà của chị Liên cũng xuất hiện vết nứt khiến cả gia đình không khỏi lo lắng.
“Nhà vợ chồng tôi mới dựng lên chưa được 1 tháng, kinh phí di dời hết 50 triệu đồng. Vậy mà mới đây dưới nền nhà xuất hiện vết nứt rồi. Tôi lo lắm. Mùa mưa tới mà sạt lở thì không biết phải làm sao”, chị Liên bày tỏ.
Không chỉ căn nhà của chị Liên mà nhiều căn nhà khác trên địa bàn xã Trà Bui cũng gặp phải tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Dương Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh Quảng Nam về chính sách di dời, bố trí lại dân cư thì xã Trà Bui chỉ có 55 hộ dân được giao chỉ tiêu, nhưng hiện nay, trên toàn địa bàn xã có đến 137 hộ dân có nguy cơ sạt lở cần được di dời. Xã đã quy hoạch, bố trí dân cư 2,3ha, song chưa có kinh phí thực hiện.
Hiện nay còn có 84 hộ nằm trong kế hoạch di dời năm 2018 nhưng vẫn chưa di dời được. Có 32 hộ dân tự di dời, chưa có tiền hỗ trợ. Trong khi đó, địa bàn xã Trà Bui có địa hình núi cao hiểm trở, dễ có nguy cơ sạt lở.
“Trước nguy cơ này chúng tôi đã xây dựng phương án tổ chức sơ tán cho nhân dân, có điểm dự tính nếu có tình huống xấu xảy ra. Dự liệu nguồn kinh phí hoạt động của xã hỗ trợ thức ăn nước uống cho nhân dân. Đề nghị hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức TĐC cho người dân trước mùa mưa bão năm 2018”, ông Thi nói.