Thiếu điện giữa trập trùng thủy điện
- Đà Nẵng: Đề nghị các chủ hồ chứa thủy điện phía thượng nguồn xả nước để chống nhiễm mặn
- Không điện giữa vùng thủy điện
- Tái định cư thủy điện - còn nhiều nỗi lo
Năm 2010, thôn Bình Tân được thành lập với đa phần các hộ dân từ các tỉnh miền Trung, chủ yếu là Bình Định đi lập nghiệp. Để có điện sử dụng, các hộ này đăng ký lắp đặt công tơ điện và tự góp tiền kéo dây qua các vườn cây để sử dụng.
Đến nay, thôn có 72 hộ với 157 nhân khẩu, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Mặc dù có điện sử dụng nhưng đường dây điện trong thôn do nhân dân tự kéo về, chiều dài đường dây hơn 1,5km, truyền tải điện kém dẫn đến hao hụt điện lớn và nguy cơ mất an toàn luôn thường trực. Thiếu điện sinh hoạt và sản xuất là nỗi ám ảnh thường nhật của các hộ dân nơi đây.
Ông Nguyễn Thái Dương cho biết, nhà ông chỉ có 1 bóng điện nhỏ, 1 nồi cơm điện và tủ lạnh mini nhưng hằng tháng phải mất khoảng 400 nghìn đồng tiền điện. Tuy nhiên, điện ở đây lại rất yếu, bóng điện không sáng nổi, nhiều khi nấu cơm nhưng cơm cũng không chín. Vào ban đêm, sinh hoạt của gia đình càng khó khăn hơn, con cái phải học bài trong ánh đèn leo lắt, có hôm phải đốt nến để học bài.
Dây điện tự phát của người dân thấp lè tè trên mặt đất rất mất an toàn. |
Tương tự, ông Trần Văn Đẩu, Trưởng thôn Bình Tân giãi bày, trước đây, nhân dân xin mua điện, sau đó góp tiền và tự kéo điện vào để sử dụng. Năm 2018, nhân dân trong thôn đã góp 60 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa các vị trí hư hỏng của đường dây. Tuy nhiên, điện quá yếu nên chỉ dùng thắp sáng thôi cũng chập chờn. Gần đây, điện lực có đem máy tăng áp xuống lắp ráp thì tình hình có cải thiện nhưng chỉ dùng để thắp sáng, còn như bơm nước thì không thể được.
Trong khi đó, các gia đình ở đây đều trồng hồ tiêu, cà phê, chanh dây nên phải tưới nước thường xuyên. Điện không sử dụng được, chúng tôi phải đầu tư thêm máy nổ, mua dầu về chạy máy làm cho chi phí sản xuất tăng cao. “Nhà tôi có 2ha hồ tiêu và cà phê thì tiền mua dầu chạy máy nổ mất khoảng 800 nghìn đồng/tháng. Chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm và rất mong mỏi nhà nước quan tâm, sớm đầu tư để nhân dân có điện sử dụng ổn định, phục vụ sinh hoạt và sản xuất”, ông Đẩu nói.
Ghi nhận của chúng tôi, thôn Bình Tân nằm cách đường dây điện cao thế khoảng 700m. Hiện có 3 đường dây chính được kéo vào thôn, sau đó chia nhỏ cho các hộ dân có nhà nằm rải rác. Chiều dài đường dây hơn 1,5km nên hao hụt, thất thoát điện là rất lớn. Ngoài ra, hệ thống đường dây điện tự phát của nhân dân giăng mắc chằng chịt qua nhà, vào rẫy sản xuất nên rất mất mĩ quan và vô tình tạo thành các bẫy cho chính các hộ dân. Các trụ đỡ được làm bằng cây gỗ đã xiêu vẹo, rất dễ ngã đổ; nhiều vị trí dây điện thấp lè tè trên mặt đất mà không có bất kì cảnh báo an toàn nào. Theo phản ánh của người dân, tại đây đã có trường hợp rò rỉ điện làm chết gia súc, sau đó nhân dân phải góp tiền bồi thường cho chủ hộ. Việc rò rỉ điện, các điểm nối không được xử lý an toàn dẫn đến nhiễm điện, phóng điện diễn ra thường xuyên.
Ông Nguyễn Bá Nhung, Chủ tịch UBND xã Ia Pia xác nhận tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất của nhân dân thôn Bình Tân là có thật. Trước thực tế đó, năm 2017, nhân dân thôn Bình Tân và chính quyền xã, huyện đã có ý kiến lên cấp trên sớm quan tâm, đầu tư lưới điện để nhân dân có điện sử dụng ổn định nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư, xây dựng.
Thôn Bình Tân nằm cách đường dây điện cao thế khoảng 700m nhưng thiếu điện nhiều năm nay. |
Cũng theo ông Nhung, sau khi người dân và địa phương có kiến nghị, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã có văn bản trả lời cho địa phương trong tháng 8-2017. Theo văn bản này, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2015-2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó có hạng mục cấp điện cho thôn Bình Tân, xã Ia Pia với quy mô gồm 2,47km đường dây trung áp; 3,46km đường dây hạ áp và 01TBA-100kVA. Do đó, Công ty sẽ ưu tiên triển khai đầu tư cấp điện cho thôn Bình Tân ngay sau khi cấp có thẩm quyền bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chánh văn phòng Công ty Điện lực Gia Lai cho hay, trong thời gian chờ đợi nguồn vốn đầu tư lưới điện cho thôn Bình Tân và kịp thời hỗ trợ người dân trong việc sử dụng điện, Công ty đã hỗ trợ người dân kiểm tra an toàn đường dây sau công tơ, kiểm tra toàn bộ số công tơ phụ và lắp đặt 1 bộ tụ bù hạ áp tại trung tâm đường điện thôn Bình Tân nhằm đảm bảo phần nào nguồn điện phục vụ sinh hoạt cho người dân. Trong các năm 2017 và 2018, đơn vị đều đưa danh mục cấp điện cho thôn Bình Tân vào hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của đơn vị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cuối 10-2015, Bộ Công thương đã có Quyết định số 11817/QĐ-BCT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2015-2020. Tại quyết định này, thôn Bình Tân đã được phê duyệt đầu tư cấp điện với 2,47km đường dây trung áp, 3,46km đường dây hạ áp và 01TBA-100kVA, số hộ dân được cấp điện là 62 hộ.
Tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung có rất nhiều thủy điện lớn nhỏ đang hoạt động và cung cấp nguồn điện dồi dào cho cả nước. Tuy nhiên, 72 hộ dân thôn Bình Tân hàng ngày vẫn đang sống trong cảnh leo lét ánh điện. Việc thiếu điện sinh hoạt và sản xuất đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế của địa phương. Người dân và chính quyền nơi đây rất mong cơ quan chức năng quan tâm và sớm triển khai đầu tư dự án.