Tòa tuyên được chia tài sản khi không có quyền sở hữu

07:48 22/09/2018
Dù ông Nguyễn Việt Tú không phải là thành viên của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mai Ninh (Công ty Mai Ninh), ở CC2, khu nhà Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhưng TAND quận Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn phán quyết cho ông được sở hữu giá trị hạ tầng là 1.187.900.000 đồng trên diện tích 848,5m2 đất và ½ ngôi nhà 6 tầng của công ty.


Viện KSND TP Hà Nội đã kháng nghị đối với bản án sơ thẩm của TAND quận Hoàng Mai, đề nghị TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.

Kiện sai đối tượng

Báo CAND nhận được đơn khiếu nại của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mai Ninh (Công ty Mai Ninh) – cũng là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp đòi tài sản” được TAND quận Hoàng Mai xét xử sơ thẩm vào ngày 4-7-2018. Chuyện xuất phát từ việc ông Nguyễn Việt Tú có đơn khởi kiện Công ty Mai Ninh đề nghị tòa án xác định mình có quyền sở hữu giá trị hạ tầng trên diện tích đất 848,5m2 tại địa chỉ khu CC2 Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) và ½ giá trị tòa nhà 6 tầng tại địa chỉ trên.

Nhà và đất kể trên là tài sản của Công ty Mai Ninh do bà Nguyễn Thị Diệu Ninh (vợ ông Tú) làm Giám đốc. Ông Tú trình lên Tòa án 5 phiếu thu mua đất ở khu CC2 Bắc Linh Đàm cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà ở và Đô thị Hà Nội.

Ông Tú cho rằng mình là người nộp tiền thuế đất năm 2001, thời điểm đó ông Tú và bà Ninh chưa phải là vợ chồng (dù hai người đã có con chung vào năm 1995). Ông Tú cũng đề nghị Tòa án buộc Công ty Mai Ninh và bà Ninh trả cho ông 9,1 tỷ đồng.

Trụ sở của Công ty Mai Ninh – nơi được Tòa tuyên án chia tài sản cho ông Tú.

Ngày 4-7-2018 TAND quận Hoàng Mai đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm bằng Bản án số 10/2018/DT-ST, tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Tú đối với Công ty Mai Ninh. Ông Tú được sở hữu giá trị hạ tầng là 1.187.900.000 đồng trên diện tích 848,5m2 đất tại địa chỉ CC2, khu nhà ở Bắc Linh Đàm và được sở hữu ½ giá trị ngôi nhà 6 tầng tại địa chỉ trên.

Công ty Mai Ninh cho rằng bản án trên không khách quan, sai về tố tụng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công ty cũng như các bên có liên quan. Công ty Mai Ninh do 2 thành viên góp vốn là bà Nguyễn Thị Diệu Ninh và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai. Theo bà Mai thì công ty trực tiếp đi thuê đất, trực tiếp xây dựng ngôi nhà 6 tầng và đang quản lý, sử dụng. Do vậy, đây là tài sản pháp nhân của công ty, không của cá nhân nào.

Theo Luật sư Phan Thị Hương Thủy, Công ty Luật Hoàng Long (Hà Nội) thì khi kiện đòi tranh chấp tài sản thì tòa phải yêu cầu ông Tú chứng minh quyền sở hữu tài sản bằng hợp đồng góp vốn nhưng không có mà chỉ có 5 phiếu thu. Ở đây Tòa có sự nhầm lẫn về quan hệ pháp luật.

Hơn nữa, bản án còn sai về mặt tố tụng. Ông Tú muốn kiện tranh chấp tài sản với Công ty Mai Ninh thì phải bằng hợp đồng góp vốn, phiếu thu chỉ là bằng chứng ông Tú góp tiền vào công ty chứ không cấu thành hợp đồng góp vốn. Về bản chất vụ án cần phải hiểu rằng đây là quan hệ dân sự giữa ông Tú và bà Ninh vì Công ty Mai Ninh là một pháp nhân độc lập.

Lẽ ra Tòa án quận Hoàng Mai phải hướng dẫn ông Tú khởi kiện đúng đối tượng, nhưng lại đưa ra xét xử và tuyên án một cách vô lý. Do có sự nhầm lẫn về quan hệ pháp luật mà người không phải là thành viên của công ty lại được tuyên sở hữu tài sản của công ty.

Kiến nghị hủy bản án sơ thẩm

Liên lạc với TAND quận Hoàng Mai để làm việc về những kiến nghị của Công ty Mai Ninh tại Bản án sơ thẩm số 10/2018/DS-ST, chúng tôi được trả lời, Công ty Mai Ninh đã kháng cáo và thủ tục kháng cáo đã chuyển lên TAND TP Hà Nội. Do vậy TAND quận Hoàng Mai không còn thẩm quyền với bản đó nữa. Việc bản án sơ thẩm xét xử đúng, sai như thế nào thì phải đợi bản án phúc thẩm.

Được biết, ngày 3-8-2018, Viện KSND TP Hà Nội có Quyết định số 24/QĐKNPT-VKS kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 10/2018/DS-PT ngày 4-7-2018 của TAND quận Hoàng Mai. Qua nghiên cứu bản án sơ thẩm của Tòa Hoàng Mai và hồ sơ vụ án, Viện KSND TP Hà Nội xét thấy có nhiều tình tiết về mặt pháp lý, điều tra thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ, người tham gia tố tụng… của Tòa án Hoàng Mai còn chưa khách quan, có chỗ không đúng.

Viện KSND TP Hà Nội cho rằng, án sơ thẩm chưa xác minh làm rõ tại thời điểm hợp tác với Công ty Thanh Hà để nhận chuyển giao hạ tầng trên 848,5m2 đất ông Tú đảm nhận chức vụ, trách nhiệm cụ thể gì, phạm vi ngành nghề của các công ty mà ông tham gia đầu tư có thuộc lĩnh vực do ông Tú trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hay không.

Nếu kết quả điều tra xác minh thể hiện ông Tú là cán bộ Bộ Thương mại, và tiền kinh doanh, góp vốn là của riêng ông Tú, hành vi ủy quyền cho bà Ninh của ông Tú chính là hành vi tham gia lập công ty TNHH. Theo quy định tại khoản 3, Điều 9, Luật Doanh nghiệp năm 1999, giao dịch trên của ông Tú là vi phạm pháp luật nên vô hiệu theo quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự năm 1995, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Ông Tú chỉ có thể được hoàn trả số tiền đã đầu tư, góp vốn, mà không thể được nhận những tài sản là kết quả của giao dịch trái pháp luật do ông thực hiện.

Viện KSND TP Hà Nội cũng nêu trong quá trình giải quyết, Tòa án sơ thẩm chỉ căn cứ vào 5 phiếu thu do ông Tú xuất trình để quyết định quyền sử dụng, sở hữu giá trị hạ tầng trên 848,5m2 đất nêu trên của ông Tú mà không xem xét đến các giấy biên nhận do bà Mai xuất trình là chưa xem xét khách quan, toàn diện các chứng cứ trong vụ án. Việc bà Ninh không thừa nhận đã lập và ký văn bản xác nhận ngày 9-11-2002 (văn bản vốn điều lệ thành lập Công ty Mai Ninh, số tiền góp vốn của ông Tú, bà Ninh, bà Mai…) và cho rằng chữ ký trên văn bản là chữ ký photo.

Nhưng Tòa án Hoàng Mai không hỏi các đương sự có yêu cầu trưng cầu giám định văn bản nêu trên hay không, mà chỉ căn cứ vào con dấu đóng trên văn bản để xác nhận văn bản có giá trị pháp lý đối với Công ty Mai Ninh là không đúng. Việc án sơ thẩm kết luận ông Tú đã góp 1,5 tỷ đồng vào Công ty Mai Ninh nên được sở hữu ½ giá trị xây dựng nhà là chưa có cơ sở vững chắc…

Viện KSND TP Hà Nội đã quyết định kháng nghị đối với bản án của Tòa Hoàng Mai và đề nghị TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm. Xung quanh tranh chấp này, dư luận đang trông chờ vào phiên tòa phúc thẩm tới đây.

Trần Hằng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc đối với lô sản phẩm sữa rửa mặt chuyên dụng Gammaphil. Đây là lần thu hồi sản phẩm thứ 4 kể từ tháng 5 năm ngoái khi sản phẩm chứa chất bảo quản nhưng không công bố.

Ngày 12/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ngày 10/7, trên trang Facebook "Tin Nóng Việt Nam" đăng tải 1 video clip có lời bình tiêu đề "Chấn động: CSGT dừng xe tang giữa đường, bé gái bất ngờ chui ra từ quan tài" xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi xuất hiện, video clip này đã lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lượt chia sẻ, bình luận, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân...

Ngày 12/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn đang ở mức báo động. Tính tích lũy trong 27 tuần đầu năm 2025, thành phố ghi nhận 14.370 ca bệnh, tăng đột biến 153,3% so với cùng kỳ năm 2024 (8,696 ca).  

Theo các quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) của TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập sẽ có chiều dài lên đến 1.012 km. Trong đó, địa bàn thành phố trước khi sáp nhập có 12 tuyến, tổng chiều dài khoảng 582km; tỉnh Bình Dương trước sáp nhập có 12 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 305km và trong số này có 6 tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trước sáp nhập có 3 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 125km.

Nhiều ngày qua, tiết trời nắng nóng như trút lửa xuống dải đất miền Trung. Trong cái nắng nóng oi ả giữa trưa hè tháng 7, những CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vẫn căng mình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động, đưa đón những thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến các điểm thu nhận mẫu ADN…

Những khu dân cư hiện hữu với đường hẻm nhỏ hẹp ở khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh là do lịch sử để lại, nếu muốn cải tạo, chỉnh trang đòi hỏi phải có nhiều thời gian, công sức. Vì vậy công tác phòng cháy hiệu quả nhất vẫn là ý thức của mỗi hộ gia đình, phải biết cứu lấy sinh mạng, tài sản của mình trước vì “giặc lửa” cũng như cơn cuồng phong, chỉ trong chớp mắt đã cuốn phăng tất cả nên không thể chủ quan chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

Dẫu nắng hay mưa, dẫu ngày hay đêm, khó khăn vất vả, 2.233 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sơn La thời gian qua vẫn luôn cần mẫn, năng nổ, nhiệt tình cùng lực lượng Công an cơ sở hàng ngày góp sức mình giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.