Trục lợi từ việc giao khoán đất rừng đầu nguồn

08:58 03/07/2018
Được thành lập từ năm 1997, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng (Đắk Lắk) được giao quản lý, bảo vệ gần 7.800ha rừng và đất rừng, trong đó có 5.000ha rừng phòng hộ đầu nguồn và hơn 2.000ha đất trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do buông lỏng công tác quản lý, giao đất sai đối tượng nên hàng nghìn hécta rừng, đất rừng đã bị các hộ dân lấn chiếm sử dụng và mua bán trái phép…


Nhận khoán rồi sang nhượng, thu lợi tiền tỷ

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trong bản khế ước cam kết giữa BQL rừng phòng hộ với các hộ dân được giao khoán, các hộ dân không được phép sang nhượng, mua bán rừng và đất rừng trái phép. Nếu vi phạm, tùy theo mức độ mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng trên thực tế cho thấy, sau khi nhận khoán, nhiều hộ gia đình đã tự ý chuyển trái phép hàng trăm ha rừng, đất rừng thu lợi tiền tỷ.

Để tìm hiểu thực tế, trong vai người đang cần một diện tích đất rừng lớn để làm trang trại, PV đã tiếp cận với ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông, hiện đang công tác tại Văn phòng UBND xã Cư Klông thì được ông Liên niềm nở cho biết, gia đình ông được BQL rừng phòng hộ cho nhận khoán 80,6ha theo khế ước. “Hiện gia đình tôi đang quản lý hơn 35ha rừng, đất rừng tại Tiểu khu 310. Nếu anh đồng ý mua tôi sẽ để lại toàn bộ với giá hơn 3 tỷ. Tính ra mỗi hécta tôi chỉ sang nhượng với giá 100 triệu đồng. Trong số hơn 35ha thì có 5ha nằm ở sườn đồi dốc nên tôi biếu không cho anh chứ không tính tiền”, ông Liên nói.

Khi được hỏi thêm về nguồn gốc của diện tích rừng, đất rừng này, ông Liên cho biết, gia đình ông nhận khoán lại từ BQL rừng phòng hộ đầu nguồn khi ông còn làm Chủ tịch UBND xã Cư Klông và toàn bộ diện tích này do vợ ông đứng tên. Khi thấy chúng tôi ái ngại về việc rừng, đất rừng nhận khoán không được sang nhượng, mua bán trái phép thì ông Liên trấn an: “Nếu anh muốn mua đất này mà không bị thu hồi, không phạm luật thì giữa anh và tôi sẽ soạn ra một bản hợp đồng liên kết sản xuất. Bản hợp đồng này thực chất là hợp đồng “ma” giữa tôi với anh để đối phó. Tôi là người hiểu luật nên tôi biết cách lách luật, anh cứ yên tâm”, ông Liên chỉ dẫn.

Hàng trăm ha rừng đầu nguồn Krông Năng bị sang nhượng, mua bán trái phép tràn lan.

Lấy lý do sẽ tìm hiểu kỹ rồi trả lời ông Liên sau, chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Văn Nam (trú tại thôn Tam Thịnh, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) để tiếp tục hỏi mua đất. Ông Nam được biết đến như một “cò” dắt mối có tiếng trong việc mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép do BQL rừng phòng hộ Krông Năng quản lý. Ông Nam nói hiện trong tay ông có khoảng hơn 300ha rừng, đất rừng. Toàn bộ diện tích này đều do ông thu gom, mua lại từ các hộ dân nhận khoán.

“Toàn bộ diện tích đất này đều chưa có sổ xanh, mỗi hécta tôi nhượng lại cho người ta từ 75 đến 80 triệu đồng. Hiện tôi đã sang nhượng, bán lại được hơn 30ha. Để người mua yên tâm canh tác trên diện tích này mà không bị thu hồi, tôi sẽ làm giấy ủy quyền cho người mua rồi nhờ xã chứng thực. Nếu sau đó Nhà nước muốn thu hồi thì phải bồi thường toàn bộ diện tích cây trồng canh tác trên đất nên anh cứ yên tâm”, ông Nam quả quyết.

Cũng theo ông Nam, với cách lách luật như trên, ông đã mua bán, sang nhượng thành công cho hàng trăm hộ dân, thậm chí có cả nhiều cán bộ xã, huyện tìm đến ông để mua lại đất rừng.

Giao khoán sai đối tượng         

Theo quy định tại khoản 2, Điều 2 Nghị định 135/2005/NĐ-CP ngày 8-11-2005 của Chính phủ về giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình: đối tượng nhận khoán được ưu tiên là hộ dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn đang cư trú trên địa bàn có nhu cầu nhận giao khoán đất, hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp. Thế nhưng, theo Kết luận số 1600/KL-TTCP ngày 22-6-2012 của Thanh tra Chính phủ, việc giao đất lâm nghiệp tại BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, nhiều hộ nhận khoán sai đối tượng, thậm chí có nhiều cán bộ huyện, xã và người nhà tham gia nhận khoán hàng trăm hécta rừng, đất rừng nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi.

Theo Thanh tra Chính phủ, BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã giao sai 6 nhóm đối tượng với tổng diện tích 844,9ha.

Cụ thể như tại nhóm I có bà Mai Thị Hải Yến (vợ của ông Phạm Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Năng). Bà Yến đã nhận tổng cộng 143,5ha rừng, đất rừng giao khoán. Sau khi có kết luận, bà Yến đã trả lại 85ha, hiện còn hơn 58,6ha do bà Yến cùng con gái đứng tên vẫn chưa trả lại.

Tại nhóm II có ông Trương Công Đản (nguyên Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Năng) nhận hơn 17,6ha; nhóm III có ông Nguyễn Minh Trình (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông) và Nguyễn Văn Thông (cha ruột ông Trình) nhận khoán 22,5ha hiện nay chưa chịu thanh lý hợp đồng. Nhóm IV ông Nguyễn Đình Chương (cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Năng) nhận khoán 18,5ha chưa thanh lý.

Nhóm V có hộ bà Triệu Thị Hồng (vợ của ông Nguyễn Kim Liên, nguyên Chủ tịch UBND xã Cư Klông) nhận khoán 80,6ha, số diện tích này đã bị lấn chiếm và không chịu thanh lý. Nhóm VI là Hợp tác xã Hợp Tiến (gồm 41 hộ dân xã Ea Tam và xã Ea Púk) nhận khoán 525,1ha đến nay vẫn không chịu thanh lý theo kết luận của Thanh tra…

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Minh Tiến, Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng cho biết, theo số liệu thống kê của đơn vị, đến nay đã có 78 nhóm hộ nhận giao khoán với tổng diện tích gần 2.800ha. Trong đó có hơn 844ha nhận khoán sai quy định, đơn vị đã thanh lý, thu hồi được hơn 130ha.

“Riêng việc những hộ dân sau khi nhận khoán đã tự ý sang nhượng, mua bán trái phép để trục lợi là sai quy định. Đất Nhà nước giao cho các hộ để chăm sóc phát triển kinh tế chứ không phải đất của các hộ nên các hộ không thể tự ý chuyển nhượng. Chúng tôi sẽ xác minh làm rõ và kiến nghị xử lý các trường hợp mua bán đất rừng trái phép này”, ông Tiến nói.

Cũng theo ông Tiến, mới đây đơn vị đã mời các hộ giao khoán không đúng lên yêu cầu thanh lý. Tuy nhiên, các hộ không chịu thanh lý. “Việc giao đất, giao rừng cho các nhóm hộ sai đối tượng hay việc giao đất không có kiểm tra, kiểm soát để người dân mua bán, sang nhượng trái phép tràn lan là lỗi của cán bộ tiền nhiệm. Cùng với đó nhiều hộ nhận khoán là cán bộ, con cháu, anh em của cán bộ nên trước đây lãnh đạo đơn vị không dám xử lý. Hiện chúng tôi đang rà soát lại và báo cáo huyện, Sở NN-PTNT và UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, xử lý thanh lý hợp đồng, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”, ông Tiến thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Trần Trung Hiển, Bí thư Huyện ủy huyện Krông Năng cho biết: “Từ những thông tin báo chí cung cấp, chúng tôi sẽ chỉ đạo cho các cơ quan chức năng thanh kiểm tra và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là đối với những trường hợp là cán bộ, đảng viên nhận khoán quản lý rừng phòng hộ sau đó để lấn chiếm hoặc sang nhượng trái phép nhằm trục lợi thì càng phải xử lý nghiêm để nêu gương”, ông Hiển cương quyết.

Văn Thành

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文