Vụ “kênh dẫn nước hàng chục tỷ đồng...bỏ hoang”: Các bên đổ lỗi cho nhau

16:18 27/01/2021
Liên quan đến vụ kênh Đ3 (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được xây dựng gần 15 tỷ đồng nhưng bỏ hoang nhiều năm nay mà Báo CAND đã phản ánh, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định đã từng có văn bản yêu cầu ngừng thi công nhưng địa phương vẫn kiên quyết làm.


Chiều 27/1, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pắk cho biết, công trình kênh Đ3 được làm theo thiết kế của Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8, Bộ NN&PTNT) chuyển xuống.

Còn bà Nguyễn Thị Năm (Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng - thương mại Thiện Lộc, đơn vị trúng thầu thi công công trình) cũng cho rằng, đơn vị là nhà thầu thi công nên chỉ thi công đúng theo bản vẽ, thiết kế của chủ đầu tư đưa ra. 

“Việc thi công này được các bên nghiệm thu, đánh giá khi hoàn thành. Còn việc sau này công trình bị sạt lở, không có nước là do “vận hành kém””, bà Năm nói.

Tuyến kênh được thi công gần 15 tỷ nhưng bị bỏ hoang sau 1 năm hoàn thành

Trong khi đó, trao đổi với ông về những ý kiến của huyện và nhà thầu thi công, ông Mai Quang Vượng (Giám đốc Ban quản lý ầu tư và xây dựng thủy lợi 8) bức xúc cho rằng: “huyện này bất nhất quá!”.

Theo ông Vượng, dự án Hồ thuỷ lợi Krông Búk Hạ do Bộ NN&PTNT cho chủ trương đầu tư, giao Ban 8 làm đại diện một số hạng mục chính, địa phương lo phần giải phóng mặt bằng, di dân, làm kênh tưới dưới 150ha. Để thống nhất hệ thống kênh đảm bảo chuẩn chung, Ban 8 được giao tổ chức thiết kế và chi nhánh Tây Nguyên của Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Trường đại học Thuỷ Lợi làm đơn vị thiết kế. Sau khi hoàn thành bản thiết kế cơ sở, Ban 8 giao những hồ sơ thiết kế hệ thống kênh do địa phương làm chủ đầu tư, trong đó có kênh Đ3.

“Theo đó, trách nhiệm của huyện là phải phê duyệt thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công để UBND huyện phê duyệt, tổ chức đấu thầu, thực hiện thi công ngoài thực địa. Huyện nói chỉ làm theo thiết kế cơ sở do Ban 8 bàn giao là thiếu trách nhiệm và không đúng thực tế. Ngay cả bản vẽ thi công đã được phê duyệt nhưng trong quá thực tế bất hợp lý chỗ nào, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải điều chỉnh đảm bảo công trình an toàn, phát huy hiệu quả”, ông Vượng thông tin.

Kênh bỏ hoang khiến cây cỏ mọc um tùm

Cũng theo ông Vượng, trong quá trình thực hiện công trình, Ban 8 đã có văn bản đề nghị ngừng thi công kênh Đ3 để tránh lãng phí nhưng lúc này ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) có văn bản phản hồi không nhất trí, kiên quyết làm. “Ngày 5/9/2011, trong quá trình khảo sát, kiểm tra thiết kế cơ sở, Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ Trường ĐH Thuỷ lợi - đơn vị tư vấn đã phát hiện những bất cập, chi phí đầu tư lớn nên có văn bản đề nghị ngừng thi công kênh Đ3”, ông Vượng nói.

Tuy nhiên, sau đó Ban 8 không nhận được phản hồi và thấy UBND huyện Krông Pắk vẫn tiến hành các thủ tục đầu tư nên ngày 27/9/2013, Ban 8 tiếp tục có văn bản đề nghị huyện ngừng thi công kênh Đ3.

Để khắc phục sự cố sạt lở, ngân sách Nhà nước phải bỏ thêm 850 triệu đồng

Theo Công văn của Ban 8 mà ông Vượng cung cấp cho phóng viên, trong có nêu rõ: “Kênh Đ3 là kênh đào nên không thể tưới tự chảy mà chỉ tạo nguồn sau đó dùng máy bơm để tưới cho cây cà phê ở hai bên kênh. Đây là tuyến kênh đi theo địa hình phức tạp, phải đào sâu từ 2,5 đến 10m và đi qua các diện tích cà phê đang canh tác nên vốn đầu tư xây lắp công trình (giá năm 2011) khoảng 8 tỷ đồng, vốn đền bù giải phóng mặt bằng cũng tương đương. Theo tính toán, bình quân phải mất 180 triệu đồng/ha là quá cao, khó đảm bảo tính hiệu quả”.

“Lúc bấy giờ, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ còn hạn hẹp, Ban 8 có văn bản đề nghị huyện ngừng thi công dự án này, tránh lãng phí. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Krông Pắk sau đó có văn bản trả lời không chấp nhận, tiếp tục thi công kênh Đ3 theo kế hoạch. Chúng tôi là một đơn vị chuyên môn, chỉ có thể đề nghị để đảm bảo nguồn vốn chứ không có quyền yêu cầu huyện”, ông Vượng nói.

Theo văn bản ngày 4/10/2013 do ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện) ký trả lời Ban 8 thì huyện thừa nhận suất đầu tư kênh Đ3 khá lớn nhưng việc đầu tư công trình này “là hết sức cần thiết, không những phục vụ cho nhu cầu nước tưới cho 65ha lúa nước từ 1 vụ lên hai vụ, mà còn tưới cho khoảng 70ha cà phê, đồng thời tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân… Việc xây dựng tuyến kênh sẽ phát huy hiệu quả  và mang tính lâu dài, từng bước ổn định đời sống người dân….”.

Tuy nhiên, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẳng định: “Hiện huyện đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn kiểm tra nguyên nhân dẫn đến kênh Đ3 bỏ hoang nhiều năm nay, không phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện sẽ cho kiểm tra lại việc Ban 8 có văn bản đề nghị dừng nhưng chủ tịch tiền nhiệm kiên quyết thực hiện dự án đến cùng là do đâu”, ông Diệu nói.

Kênh được thiết kế thấp hơn mặt ruộng nên nước không thể dẫn vào

Theo hồ sơ, kênh Đ3 được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 14/4/2005 để tưới cho 65ha lúa ở cánh đồng thôn 9, xã Krông Búk và Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Krông Pắk làm đại diện chủ đầu tư.

Tuyến kênh bắt đầu thực hiện từ 2011 nhưng mãi đến năm 2014 mới có quyết định điều chỉnh vốn lần cuối lên 14,9 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV xây dựng - thương mại Thiện Lộc trúng thầu thi công, thời gian là 360 ngày. Sau khi Kênh Đ3 hoàn thành, cấp nước được 1 vụ bỏ hoang cho đến nay và mới đây, ngân sách Nhà nước phải bỏ ra 850 triệu đồng để gia cố tuyến đê bỏ hoang này bị sạt lở.

Văn Thành

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文