Không được hỗ trợ kinh phí xây nhà phòng, tránh bão lụt vì vướng Thông tư
- Ngư dân miền Trung nhận bồi thường cao nhất 37 triệu đồng một tháng
- Tăng thời gian hỗ trợ ngư dân, diêm dân miền Trung từ 1,5 lên 6 tháng
- Phát động chiến dịch chia sẻ khó khăn cùng ngư dân miền Trung
Ông Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: Ngay sau Quyết định 335 và Quyết định số 2312/QĐ-UBND ngày 26-10-2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về phân bổ kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở PTBL, UBND huyện Hướng Hóa đã có Quyết định 3738/QĐ-UBND ngày 11-11-2015 về phân bổ nguồn kinh phí này trên địa bàn.
Theo đó, Hướng Hóa có 13 xã và 1 thị trấn, với tổng cộng 92 hộ được hỗ trợ tiền. Để tạo điều kiện, giúp người dân sớm được xây dựng, hoàn thành nhà ở này trước mùa mưa bão, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể của 13 xã, thị trấn huyện Hướng Hóa thống nhất tiến hành giải ngân số tiền bà con được hỗ trợ tại Kho bạc Nhà nước huyện. Trong đó, thị trấn Lao Bảo đã giải ngân xong vào ngày 22-12-2015.
Tuy nhiên, ngay sau đó, việc hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc diện này đã phải tạm ngưng. Nguyên nhân, do Bộ Xây dựng chưa thống nhất các đối tượng hưởng lợi…
Trận lụt lịch sử tháng 9-2013 đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở thị trấn Lao Bảo. |
Tìm hiểu được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48, ngày 23-10-2014, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BXD, hướng dẫn thực hiện chi tiết quyết định này. Theo Khoản 1, Điều 1 của thông tư, các đối tượng được hưởng lợi trực thuộc phường, thị trấn bao gồm thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum sóc (gọi chung là thôn).
Nhưng ở tỉnh Quảng Trị, tại khu vực đô thị đơn vị trực thuộc phường, thị trấn là khu phố, khóm, chứ không gọi thôn, bản, làng, ấp, phum sóc như những nơi khác. Do sự quy định này về từ ngữ trong Thông tư số 16 của Bộ Xây dựng mà đến nay gần 200 hộ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hỗ trợ xây dựng nhà ở PTBL theo Quyết định số 48 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết, theo Quyết định 3738 của UBND huyện Hướng Hóa, Lao Bảo được hỗ trợ 236 triệu đồng cho 16 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn trên địa bàn có nhà ở thường xuyên bị ngập lụt, đã xuống cấp, hư hỏng nặng không có điều kiện để sửa chữa.
Trong đó, 11 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ theo quy định 16 triệu đồng/hộ, 5 hộ người Kinh (12 triệu đồng/hộ). Ngay sau giải ngân, UBND thị trấn đã tiến hành họp thông báo cho số hộ này được biết để sớm có sự chuẩn bị, tính toán vật tư, vật liệu, sửa sang nâng cấp hoặc làm mới nhà ở của bà con.
UBND thị trấn cũng đã thông qua Đảng ủy, HĐND, phối hợp với Ủy ban MTTQVN và các đoàn thể địa phương để có sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực cho bà con nhân dân trong việc sửa sang nâng cấp, xây mới nhà ở này.
Tuy nhiên, sau khi nhận được quyết định của UBND huyện về việc tạm ngưng xây dựng nhà ở PTBL do chưa được Bộ Xây dựng thống nhất về đối tượng, UBND thị trấn đã buộc phải thông báo trở lại cho bà con và nộp trở lại số tiền kể trên vào Kho bạc Nhà nước huyện.
Ông Dũng chia sẻ thêm: “Theo Nghị định về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn số 159/2005/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27-12-2005, thì xã, phường, thị trấn là đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, đơn vị hành chính trực thuộc cấp xã là thôn, nhưng nhiều nơi đơn vị hành chính này được gọi khác đi như bản, làng, khóm, khu phố, phum sóc... mà bản chất của nó không thay đổi. Chỉ là tên gọi không đúng như trong Thông tư số 16/2014 của Bộ Xây dựng mà Bộ này không thống nhất cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở kể trên hưởng lợi là không thuyết phục”.
Thiết nghĩ, khi xét đối tượng được hưởng lợi từ các chương trình chính sách của Chính phủ, các Bộ, ban ngành Trung ương cũng như chính quyền và các Sở, phòng ban chức năng địa phương cần thiết xét tới điều kiện hoàn cảnh của họ, cùng những quy định có liên quan về mặt bản chất, chứ không nên cứng nhắc về mặt từ ngữ.
Bởi như vậy sẽ không chỉ làm chậm trễ sự tiếp cận, hưởng lợi của bà con đối với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn gây ra những điều tiếng, hệ quả không đáng có.