Xây dựng trái phép cả cụm công nghiệp tại Đồng Nai
Dù vậy, việc cưỡng chế, tháo dỡ hiện gặp rất nhiều khó khăn nếu không muốn nói là không khả thi trong khi nếu để tồn tại sẽ tạo tiền lệ không tốt. Đến nay, dù khu đất hơn 72 ha này gần như đã được các doanh nghiệp chia nhỏ, làm tường bao và xây dựng nhà xưởng trái phép, song trên thực tế thì đây vẫn là đất rừng trồng.
Do đó việc hơn 50 doanh nghiệp đã dốc vốn đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng xây dựng tổng cộng khoảng 150 nghìn m2 nhà xưởng, với hơn 2.000 lao động đang làm việc tại đây là câu hỏi lớn đến thời điểm này vẫn chưa được làm rõ là tại sao DN lại xây được; tồn tại được và hoạt động được trong nhiều năm qua.
Một DN xây dựng nhà xưởng trái phép trong cụm công nghiệp |
Theo tìm hiểu của PV, ngày 24-11-2015, Sở Công thương tỉnh Đồng Nai có báo cáo thẩm định đề án bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân. Sau đó ngày 2-12-2015, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản về việc chấp thuận bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân.
Tuy nhiên, căn cứ quy hoạch chung của TP Biên Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 25-7-2014 của UBND tỉnh Đồng Nai, vị trí khu đất được bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân thuộc vùng chức năng quy hoạch đất khu rừng trồng.
Trong báo cáo gần đây nhất của UBND TP Biên Hòa ngày 19-4-2018 về quá trình đề xuất các điểm điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Biên Hòa tỷ lệ 1/10.000 cũng không đề cập việc điều chỉnh cục bộ đối với Cụm công nghiệp Phước Tân.
Trong khi đó, mới đây một số doanh nghiệp đã nhận được thông báo của UBND xã Phước Tân, TP Biên Hòa về việc cưỡng chế nhà xưởng đang hoạt động tại khu vực này. Trước thực trạng trên, hầu hết các doanh nghiệp ở đây đã đồng loạt ký đơn tập thể kiến nghị khẩn cấp lên UBND tỉnh Đồng Nai cùng các sở, ban, ngành liên quan xin tạm dừng thực hiện các quyết định cưỡng chế.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết số 74 ngày 9-8-2017 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối giai đoạn 2016-2020 tỉnh Đồng Nai có bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân.
Tại quyết định số 4738, ngày 27-12-2017 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 TP Biên Hòa cũng đã có quy hoạch hơn 72 ha đất Cụm công nghiệp Phước Tân. Tuy nhiên, về quy hoạch xây dựng của TP Biên Hòa thì khu đất trên vẫn thuộc diện tích rừng trồng.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo UBND TP Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công thương rà soát, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm về xây dựng tại khu vực trên theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm lãnh đạo xã Phước Tân và những cá nhân có trách nhiệm liên quan.
Theo ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, việc hoán đổi 72 ha đất quy hoạch cây xanh hiện nằm ngoài khả năng của địa bàn đất chật người đông như TP Biên Hòa. Do đó, trường hợp tỉnh vẫn giữ chủ trương quy hoạch Cụm công nghiệp này thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nghiên cứu, chấp thuận cho TP Biên Hòa được giảm chỉ tiêu về mật độ cây xanh với tổng diện tích 72 ha.
Hiện TP Biên Hòa đã lập đoàn thanh tra về xây dựng tại khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Phước Tân. Chủ tịch UBND TP Biên Hòa cũng đã ký quyết định điều chuyển ông Mai Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Phước Tân về Phòng Kinh tế TP Biên Hòa chờ phân công nhiệm vụ và làm kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến xây dựng trái phép xảy ra tại khu đất trên.
Nhưng dư luận cho rằng, một mình Chủ tịch xã Phước Tân là chưa đủ, mà phải còn những người khác liên quan đến việc để cả cụm công nghiệp công khai mọc lên trên đất rừng trồng này.