Yêu cầu đơn vị thi công hạn chế gây ô nhiễm môi trường
Từ tháng 3-2018, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế làm chủ đầu tư thực hiện, với tổng kinh phí 795 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Theo đó, chủ đầu tư đã hợp đồng với Công ty CP Đạt Phương và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô thực hiện việc nạo hút cát, bùn ở vị trí triển khai dự án cách bờ khoảng 200m để xây dựng phần móng thân đê với chiều dài 450m và tạo luồng tàu mới. Dự kiến khối lượng cát, bùn cần nạo hút khoảng 900.000m3.
Tìm hiểu được biết, các đơn vị thi công đã sử dụng xáng cạp để lấy cát, bùn từ đáy biển đưa lên tàu xả bụng và từ tàu này dùng đường ống dẫn bơm vào 2 bãi tập kết rộng 46ha nằm dọc tuyến đường dẫn vào cảng Chân Mây. Đến nay, khối lượng hút đạt gần 800.000m3 cát, bùn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở các thôn Bình An 2 và Phú Hải (xã Lộc Vĩnh), việc dẫn cát, bùn vào hai vị trí tập kết rộng lớn ven cảng Chân Mây với khối lượng hàng trăm ngàn khối nhưng khu vực này lại chỉ được chắn tạm bằng đê bao và chưa xây dựng hệ thống kênh mương thu gom lắng lọc dẫn đến hiện tượng nước bùn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của ngư dân.
Ông Nguyễn Duy Dũng (ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh) vừa thả nuôi số lượng lớn tôm, cua, cá trên diện tích mặt nước 1,5ha cách điểm tập kết bãi bùn của dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây khoảng 500m, lo lắng nói: “Điểm tập kết bãi cát, bùn của dự án trước đây là vùng quy hoạch được một số hộ dân ở xã tận dụng nuôi trồng thủy sản nay được giao lại cho chủ đầu tư. Sau khi hút bùn lên, cả khu vực chứa bùn rộng hàng chục ha không có hệ thống lắng lọc, xử lý nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm”.
Tương tự, các ông Hồ Đức Tuấn và Trần Văn Ngọc (ở thôn Phú Hải) có gần 3ha nuôi thủy sản gần bãi tập kết bùn thải và nhiều ngư dân khác ở xã Lộc Vĩnh cũng rất lo lắng trước tình trạng cát, bùn được nạo vét từ biển lên được tập kết ven cảng Chân Mây.
Theo ông Nguyễn Xuân Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, nhận được tin báo của người dân, ngày 28-5, UBND xã đã cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra và ghi nhận nguồn nước bùn xả ra từ các đường ống do đơn vị thi công dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây hút lên có màu đen đục nên tiến hành lập biên bản, thông báo chủ đầu tư để yêu cầu các đơn vị dừng việc thi công nạo vét, hút bùn.
Ngoài ra, xã còn lấy mẫu nước bùn tại các ống xả của Công ty CP Đạt Phương và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô để kiểm tra, báo cáo Phòng TN&MT huyện Phú Lộc có biện pháp xử lý.
Điểm cảnh báo hố bùn sâu nguy hiểm tại bãi tập kết cát, bùn của dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây. |
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Tôn Thất Viễn Điểm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây được Bộ GTVT phê duyệt nên đã có đánh giá tác động môi trường đầy đủ. Trong đó, tại 2 bãi tập kết cát, bùn hút từ biển lên để phục vụ dự án đã có hệ thống tầng lọc và kể từ khi dự án bắt đầu triển khai thực hiện, các cơ quan chức năng chuyên môn thường xuyên tiến hành quan trắc, kiểm tra cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị thi công hạn chế gây ô nhiễm môi trường tối thiểu, tuy nhiên quá trình thực hiện dự án không thể nào tránh được thiếu sót. Và sắp tới sẽ cho xây dựng hệ thống mương thu gom, lắng học hoàn thiện để đảm bảo vấn đề về môi trường. Riêng sự cố thủy sản của ngư dân Lộc Vĩnh nuôi trồng gần khu vực dự án bị chết thì có thể do nhiều lý do, cần cơ quan chuyên môn lấy mẫu kiểm tra để xác định nguyên nhân rõ ràng nhằm có biện pháp khắc phục kịp thời”, ông Điểm cho hay.