Ai hưởng lợi từ việc "cấp nhầm" gần 160ha đất rừng tại Quảng Nam?

08:30 07/12/2021

Dù không canh tác trên thực tế, không đảm bảo các điều kiện để được giao đất rừng sản xuất theo quy định, nhưng 7 hộ dân đã được UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) giao hơn 159,5ha đất rừng tại tiểu khu 204, xã Đại Hồng. Trong số này có hàng chục hecta được xác định là rừng tự nhiên phục hồi không được phép cấp cho người dân nhằm mục đích sản xuất...

Và chỉ một thời gian ngắn sau khi được giao đất, tất cả các hộ dân này đều bán diện tích rừng được giao với số tiền hàng chục tỷ đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đang tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm và động cơ của một số cán bộ liên quan đến việc cấp đất rừng trái quy định này.

Theo hồ sơ của cơ quan Công an, tháng 3/2016, nhóm hộ dân gồm Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Đức Thành, Nguyễn Lương, Nguyễn Thành Hiếu, Nguyễn Văn Đối, Lê Viết Tính và Nguyễn Ngọc Vinh (cùng trú thôn Ngọc Kinh Tây, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) có đơn gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các khoảnh đất rừng có tổng diện tích hơn 159,5ha mà họ tự nhận là đang canh tác tại tiểu khu 204, xã Đại Hồng. Trên cơ sở tham mưu, thẩm định của các cơ quan chuyên môn, đến tháng 3/2017, UBND huyện Đại Lộc đã cấp 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn 50 năm (đến năm 2067) cho các hộ dân nói trên.

Sau khi có "sổ đỏ", năm 2018, các hộ dân này đã chuyển nhượng các khu đất rừng nói trên cho bên thứ 3. Trong số đó, 4 hộ dân là Lê Đức Thành, Nguyễn Ngọc Vũ, Nguyễn Lương, Nguyễn Văn Đối đã chuyển nhượng tổng cộng 95 ha cho ông Nguyễn Công Tấn (trú TP Đà Nẵng) với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Đất rừng tái sinh tại tiểu khu 204 xã Đại Hồng.

Ông Nguyễn Công Tấn cho biết mục đích mua diện tích đất rừng nói trên là để thực hiện dự án  trồng sâm Hàn Quốc kết hợp trồng rừng gỗ lớn. Tháng 8/2018, ông Tấn đã thực hiện các thủ tục về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc. Tuy nhiên sau đó, Văn phòng này chỉ "sang tên" 2 giấy chứng nhận từ ông Nguyễn Lương và Nguyễn Văn Đối sang cho ông Tấn. Còn lại 2 sổ đỏ mang tên Lê Đức Thành và Nguyễn Ngọc Vũ, cơ quan này giữ lại và đề nghị ông Tấn chờ.

Được biết, việc Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc giữ 2 sổ đỏ và không giao cho ông Tấn là thực hiện chỉ đạo của ông Trần Văn Mai (thời điểm đấy là Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc) vì ông Mai đã phát hiện các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó được "cấp nhầm", không đúng với quy định.

Không phát hiện việc "mua nhầm" diện tích rừng nói trên, đầu năm 2019, ông Tấn thuê người đến các khu vực đất rừng đã nhận chuyển nhượng để phát cây, đốt thực bì, chuẩn bị mặt bằng để thực hiện dự án. Trong quá trình phát quang tại khu vực này, hàng tuần Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đại Lộc đều cử người cùng cán bộ địa chính xã Đại Hồng đến thực địa hướng dẫn ranh giới để công nhân phát dọn. Đến tháng 7/2019, Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam và các lực lượng chức năng phát hiện một phần diện tích đất rừng mà ông Tấn đang đốt dọn là rừng tái sinh phục hồi.

Theo biên bản kiểm tra ngày 11/7/2019, có gần 55ha rừng tự nhiên phục hồi chưa có trữ lượng tại khoảnh 4 và 5, tiểu khu 204 đã bị chặt phá. Qua kiểm tra, đo đạc cho thấy trong 7 khoảnh rừng đã cấp cho các hộ dân thì 3 khoảnh chồng lấn với diện tích rừng tái sinh phục hồi. Cụ thể, hộ ông Lê Đức Thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 21,5ha; đối chiếu theo bản đồ quy hoạch 3 loại rừng thì có đất trồng rừng là 5,15ha, đất trống là 2,8ha và 13,55ha đất thuộc quy hoạch rừng tái sinh phục hồi. Hộ ông Nguyễn Văn Đối được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 28,2ha, gồm 20,67ha thuộc quy hoạch rừng trồng và 7,53ha thuộc rừng tái sinh phục hồi. Hộ ông Nguyễn Ngọc Vũ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 20,6ha thì toàn bộ diện tích này thuộc rừng tái sinh phục hồi…

Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc điều tra những khuất tất đằng sau vụ cấp gần 160ha đất rừng trái phép, trong có hơn 66ha đất rừng tự nhiên tái sinh phục hồi đã được chính quyền huyện Đại Lộc cấp cho người dân dưới tên gọi "đất rừng sản xuất". Kết quả điều tra xác định, sau khi tiếp nhận đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 7 hộ dân nêu trên, Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc đã tiến hành đo đạc, sau đó chuyển hồ sơ và đề nghị UBND xã Đại Hồng kiểm tra, xác nhận theo quy định. UBND xã Đại Hồng không liên hệ với cơ quan kiểm lâm để kiểm tra hiện trạng, cũng không tổ chức lấy ý kiến tại địa bàn dân cư để xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân, không đối chiếu với quy hoạch bảo vệ-phát triển rừng và xác nhận không đúng thực tế. Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc cũng bỏ qua những trình tự thủ tục thẩm định trước khi tham mưu để Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc quyết định cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Theo thẩm định của các cơ quan chức năng, thiệt hại về kinh tế từ việc giao gần 160ha đất rừng trái quy định là gần 6,5 tỷ đồng. Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lương Đức Diệp (cán bộ địa chính xã Đại Hồng), Nguyễn Đăng May (chuyên viên Văn phòng Đăng ký đất đai Đại Lộc) và Lê Chí Hội (cán sự Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc) về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo Điều 229 Bộ luật hình sự.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 6/12/2021, Thượng tá Hà Thế Xuyên, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đang tiếp tục đề nghị VKSND tỉnh khởi tố bị can đối với một cá nhân khác về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy, quy trình cấp đất rừng sản xuất tại các địa phương thông thường trải qua nhiều bước, từ họp dân, bình xét, lên xã xác nhận, kiểm tra diện tích trên thực địa, đối chiếu quy hoạch, hồ sơ địa chính lưu giữ tại UBND xã, rồi đến các phòng, ban chuyên môn của huyện, tham gia ý kiến của ngành kiểm lâm…

Việc cấp gần 160ha đất rừng cho 7 hộ dân ở thôn Ngọc Kinh Tây, xã Đại Hồng quá dễ dàng, thể hiện nhiều khuất tất cần làm sáng tỏ. Dư luận yêu cầu làm rõ động cơ, mục đích của những cán bộ thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái trong việc thẩm định và cấp đất cũng như ai là người hưởng lợi thật sự trong việc cấp đất rừng trái quy định, sau đó chuyển nhượng để thu về số tiền hàng chục tỷ đồng. Trên cơ sở đó có hướng giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền lợi của những người đã trót "mua nhầm" số diện tích đất rừng nói trên.

Thân Lai

Ngày 8/1, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, từ 23 - 27/12/2024, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị hàng không bắt 3 đối tượng người nước ngoài trộm cắp tài sản của hành khách trên tàu bay của hãng hàng không Việt Nam, trị giá tài sản lên đến 113 triệu đồng; trục xuất 1 đối tượng nghi vấn.

Từ ngày 1/1 vừa qua, Luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có hiệu lực thực thi trong cuộc sống, cùng ngày, Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng có hiệu lực với mức phạt tăng khá cao so với mức phạt cũ được quy định tại Nghị định 100 và Nghị định 123.

Sáng 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử hai cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân cùng đồng phạm. Bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, đã bị buộc thôi việc từ ngày 19/9/2024) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Tới đây, mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng theo bà Nguyễn Minh Phương, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) vẫn sẽ giữ vững vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong thời đại 4.0, việc lưu giữ những khoảnh khắc riêng tư của các cặp tình nhân bằng hình ảnh hay video không còn xa lạ. Tuy nhiên, việc quay clip nhạy cảm, ban đầu xuất phát từ sự tin tưởng và tình cảm, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là khi mối quan hệ kết thúc trong căng thẳng hoặc thù hận. Ngày càng nhiều vụ việc sử dụng clip nhạy cảm để tống tình, tống tiền đã xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho cả nạn nhân lẫn xã hội.

Ít nhất 13 binh sĩ Cuba đã mất tích sau vụ nổ xảy ra tại một kho vũ khí và đạn ở tỉnh Holguin, miền Đông nước này, lực lượng vũ trang Cuba thông tin cho biết vào cuối ngày 7/1 (giờ địa phương).

Gần đây, các trò chơi mang tính may rủi như "xé túi mù" (ám chỉ hình thức mở hộp ngẫu nhiên mua trên mạng) đang trở thành xu hướng nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, và YouTube.

Ngày 7/1, mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài khoảng 47 giây, ghi lại hình ảnh một người đàn ông chạy xe máy chặn trước đầu xe tải đang lưu thông, tay cầm cục gạch, có thái độ hung hăng, chửi bới người xung quanh, thách thức tài xế đánh nhau. Người đàn ông cầm cục gạch hô lớn "đường này của tao, mày xuống đây...", rồi lấy gạch đập vào xe tải và buông lời đe dọa, thách thức đánh nhau với tài xế xe tải, sau đó ném cục gạch về phía xe tải và bỏ đi.

Chỉ trong thời gian ngắn của những ngày cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文