Thổi phồng nước muối, thực phẩm chức năng thành “thần dược”

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng (Bài cuối)

22:52 19/06/2023

Nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hiện nay đã bị thổi phồng công dụng bằng các chiêu quảng cáo, hoặc lợi dụng những người nổi tiếng, bác sĩ rởm quảng cáo để lôi kéo người tiêu dùng, người bệnh. Họ quảng cáo phương pháp “tự chữa lành” - có bệnh không cần đến bệnh viện, không uống kháng sinh mà uống nước “thần thánh”, ăn thực dưỡng để tự chữa lành…

Điều này gây ra hậu quả rất đáng tiếc cho nhiều người bệnh mù quáng tin theo. Vấn đề nhức nhối này cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Tin theo quảng cáo một cách mù quáng, ốm không đến viện…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm sản phẩm Smart A do Công ty TNHH Ứng dụng Khoa học Công nghệ Quốc tế sản xuất. Công ty do ông Hà Văn Nam làm đại diện pháp luật, thành lập năm 2018. Trên bao bì sản phẩm Smart A được ghi công dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang; zona thần kinh, giời leo; đau dạ dày, virus HP đường ruột; viêm tai giữa; đau mắt đỏ, viêm bờ mi; đau mắt trẻ sơ sinh; viêm nấm, tổ đỉa, hắc lào; tay chân miệng; đuổi kiến ba khoang; mụn mủ trứng cá, mụn mủ, mụn nhọt; viêm nhiễm phụ khoa…

Bệnh viện 108 khẳng định người mặc quân phục trong clip không phải là bác sĩ của bệnh viện.

Tuy nhiên, qua lời tuyên truyền và quảng cáo của các nhà phân phối, đại lý, nhóm sản phẩm Smart A trở thành loại nước có thể trị được nhiều loại bệnh, là “tủ thuốc di động - bác sĩ gia đình - nhà nhà cần có”. Thậm chí, có người tin theo quảng cáo một cách mù quáng, ốm không đến viện, mua nước A về sử dụng và nhất quyết từ chối kháng sinh vì chỉ cần uống nước A là cơ thể “tự chữa lành”. “Tôi mới chỉ thải độc đại tràng và uống nước Smart A truyền thống, mà giờ không đau bụng đi ngoài như trước. Gọi điện hỏi anh chủ tài khoản rao bán nước này, anh ấy bảo đó là cơ thể tôi tự chữa lành, tự khoẻ lên do uống nước mang tính kiềm này”, một người dân ở Hà Nội cho biết.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cơ bản các chỉ định như trên bao bì sản phẩm Smart A tương đối là đúng. Smart A chỉ là dung dịch sát trùng để hỗ trợ điều trị, giống như xà phòng sát khuẩn ngoài da hay các dung dịch súc họng thông thường. Nếu sản phẩm này quảng cáo chữa bách bệnh như trên các trang mạng xã hội là thổi phồng công dụng.

Cách đây 2 năm, trên các trạng mạng xã hội rất nhiều nhóm quảng bá về công dụng của nước Anolyte để chữa các bệnh như viêm xoang, viêm da, bệnh về đường hô hấp, thậm chí cả COVID-19. Trong một nhóm có tên “Nước A – Nước diệt khuẩn - Nói không với kháng sinh” với gần 1.000 thành viên, mọi người đều chia sẻ và coi Anolyte như thuốc điều trị nhiều bệnh khác nhau với hướng dẫn sử dụng chi tiết. Theo một số chuyên gia, Anolyte cũng tương tự như Smart A.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, Anolyte bản chất là axít loãng có khả năng oxy hóa, vì vậy có tác dụng diệt khuẩn. Anolyte có hiệu quả rõ rệt trong rửa vết thương, viêm xoang, súc miệng… Nước này có thể có tác dụng diệt khuẩn ở đường tiêu hóa nhưng lợi ích lâm sàng trên đường tiêu hóa chưa được chứng minh. Theo BS Dũng, cho mục đích điều trị ung thư hay các bệnh lý toàn thân khác thì nước này hoàn toàn không có tác dụng mà còn gây nguy hiểm vì làm chậm trễ tiếp cận với điều trị có hiệu quả.

Như vậy, câu chuyện nước Smart A đang thu hút sự quan tâm của người dân, nhưng nước này có tác dụng như quảng cáo hay không có tác dụng thì chưa có cơ quan chức năng nào kết luận. Do đó, người dân đòi hỏi bức thiết, các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cần phải vào cuộc sớm để có một kết luận chính xác giúp người dân phân biệt đâu là sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh, đâu là sản phẩm uống vào chỉ “tiền mất tật mang”.

Cần xử lý nghiêm hành vi trục lợi

Trong khi câu chuyện Smart A chưa có hồi kết, trên các trang mạng xã hội lại bùng nổ tình trạng mạo danh lãnh đạo các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… để quảng cáo chữa bệnh và thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng nhằm bán sản phẩm, khiến người dân lầm tưởng là thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để quảng cáo cho thuyết “tự chữa lành”, trên facebook của tài khoản có tên H.V.N (nhân vật chúng tôi đã nêu ở bài 1) còn chia sẻ đoạn clip mà ông này cho là bác sĩ Bệnh viện 108 nói về liệu pháp “chữa lành tự nhiên” là “chữa tất cả” và dẫn dắt người dân mua sản phẩm. Ngay sau đó, Bệnh viện 108 lên tiếng cho biết, “bác sĩ” trong clip trên không phải là bác sĩ của Bệnh viện 108.

Trong clip, nhân vật tự xưng là “bác sĩ” của Bệnh viện 108 chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông". Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại. Không những vậy, một số cá nhân đã chia sẻ đoạn clip trên lên trang facebook cá nhân nhằm tạo niềm tin rằng: "Bác sĩ Quân y 108" đã khẳng định, chỉ cần áp dụng "liệu pháp chữa lành tự nhiên" là "chữa tất cả" và dẫn dắt người dân mua thực phẩm chức năng mà người đó bán.

“Việc mạo danh, lấy thương hiệu "Bác sĩ Bệnh viện 108" để trục lợi cá nhân, mua bán các thực phẩm chức năng, thuốc, sách… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, tạo những tư tưởng sai sự thật, lệch lạc”, Bệnh viện 108 khẳng định. Sau khi Bệnh viện 108 lên tiếng, trên trang facebook này, đoạn clip trên đã không còn nữa.

Nhiều website, fanpage, trang mạng xã hội còn mạo danh sử dụng trái phép logo, hình ảnh thương hiệu và đội ngũ chuyên gia (nhân viên y tế) của Bệnh viện Nội tiết Trung ương để quảng cáo thông tin lừa đảo tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc… nhằm trục lợi từ bệnh nhân. Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhiều trang facebook quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh; sử dụng bác sĩ, chuyên gia y tế để quảng cáo lừa đảo bán thuốc… có tên miền ở nước ngoài, nên việc xử lý khó khăn và mất thời gian. Cục An toàn thực phẩm cũng cảnh báo về việc trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện lớn, lương y, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.

Người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh. Việc tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật khiến người bệnh không đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh kịp thời là bỏ qua giai đoạn điều trị khỏi bệnh, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe. 

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã liên tục cảnh báo người dân cần lưu ý các điểm sau đây trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Một là, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Hai là, tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm.

Ba là, đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Bốn là, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng.

Năm là, mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Bùi Trần

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Khoảng 16h ngày 18/11, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh đều sinh năm 2011, học sinh trường THCS xã Hiền Quang mất tích, hiện mới tìm thấy 1 thi thể.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文