Dự án xây dựng nhà tang lễ tại Vũng Tàu:

Dân chưa đồng tình, vẫn cắt điện nước để giải phóng mặt bằng

07:48 04/07/2023

Ngày 5/5/2023, Báo CAND nhận đơn kêu cứu của ông Phạm Văn Thà, ngụ tại 34/4 Bắc Sơn, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện 95 hộ dân (có danh sách và chữ ký kèm theo) có đất trong diện bị thu hồi để thực hiện xây dựng nhà tang lễ TP Vũng Tàu.

Trong đơn kêu cứu, các hộ dân nêu, do hoàn cảnh khó khăn nên vào năm 1990, họ có mua lại đất trồng cây lâu năm của một chủ canh tác tại đường Bắc Sơn, phường 11, TP Vũng Tàu để vừa trồng trọt, vừa làm nhà ở. Đa số đất đai của các hộ dân đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010.

Ngày 22/6/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án Nhà tang lễ TP Vũng Tàu và đến ngày 29/10/2018 dự án đầu tư xây dựng được duyệt tại quyết định số 4048/QĐ-UBND. Việc thu hồi đất của dân để xây dựng dự án này được tất cả các hộ gia đình ủng hộ, tuy nhiên khi chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời để thực hiện dự án được công bố thì người dân mới “ngã ngửa”.

Theo các hộ dân, khu đất mà các hộ gia đình bị thu hồi thực tế nằm bám mặt đường Rạch Bà 1 thuộc diện đất nông nghiệp vị trí 1, nhưng trong quyết định bồi thường lại xác định là đất nông nghiệp vị trí 5 (đường loại 2) để áp đơn giá 3.103.000 đồng/m2 nên người dân không đồng tình. Ngoài ra, một số hộ gia đình có đất bám mặt tiền đường Rạch Bà 1, nhưng trong hồ sơ dự kiến bồi thường lại thể hiện ở một địa chỉ thuộc đường hẻm nhỏ ở gần đó.

Một người dân chỉ khu đất nhà mình trong diện bị thu hồi.

Về chính sách hỗ trợ tái định cư cũng không được TP Vũng Tàu quan tâm bởi thực tế khi được các cơ quan, ban ngành dẫn xuống xem nền tái định cư tại đường Bình Gã, phường 10, TP Vũng Tàu, bà con thất vọng vì toàn bộ khu vực còn chưa được bồi thường xong, chưa được xây dựng hạ tầng cơ sở và hiện chỉ là một bãi cỏ hoang. Trong khi đó, thực tế giá đất ở tại khu vực xung quanh dao động từ 30-32 triệu đồng/m2 và người dân có 100m2 đất với số tiền đền bù là 310 triệu đồng thì chỉ mua được 10m2, không thể làm nhà ở và cũng không có đất canh tác.

UBND TP Vũng Tàu nhiều lần tổ chức họp với dân, nhưng nguyện vọng của bà con vẫn chưa giải quyết vì lý do đường Rạch Bà 1 chưa đưa vào sử dụng nên chưa có tên trong danh mục đường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Như vậy sẽ chưa có cơ sở áp giá đất trong diện giải tỏa của bà con theo vị trí đường Rạch Bà 1.

Mặc dù chưa đạt thỏa thuận đền bù, giải tỏa, chưa hỗ trợ tái định cư, nhưng UBND TP Vũng Tàu đã nhiều lần đưa các bộ phận chức năng xuống thực hiện việc cưỡng chế buộc dân phải giao đất, thậm chí cho cắt điện, nước.

Cũng trong đơn kêu cứu, người dân đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thẩm định thực tế để xác định lại giá đất làm cơ sở thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của người dân theo đúng quy định. Ngoài ra cần phải chuẩn bị nền đất tái định cư đủ điều kiện, thông báo giá đất nền tái định cư trước khi yêu cầu người dân bàn giao mặt bằng thi công xây dựng dự án. Có như vậy thì người dân mới có nơi an cư để yên tâm đi làm thuê kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.

Ngày 30/5/2023, PV Báo CAND liên hệ với UBND TP Vũng Tàu làm việc nhưng do các bộ phận chức năng bận họp nên ông Đỗ Quốc Đạt – Phó Chánh Văn phòng UBND TP đề nghị chuyển đơn thư của bà con qua zalo để báo cáo lãnh đạo. Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều lần PV liên hệ với ông Trần Quốc Đạt về nội dung đơn kêu cứu của bà con nêu trên, nhưng vẫn không nhận được hồi âm.

Ngày 19/6/2023, ông Hoàng Vũ Thảnh – Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu tiếp tục ký văn bản đề nghị Công ty điện lực TP cắt điện của các hộ dân để thực hiện cưỡng chế, thu hồi đất, khiến người dân hết sức bức xúc. Thiết nghĩ, UBND TP Vũng Tàu và các cơ quan chức năng địa phương cần sớm giải quyết vụ việc dứt điểm, tránh để khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng ANTT địa phương.

Đức Cương

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文