Dấu hiệu bất thường từ hợp đồng đo đạc đất rừng ở Phú Yên
Nguồn tin từ cơ quan chức năng ngày 18/4 cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa (Phú Yên) vừa có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ rừng và triển khai các dự án trồng rừng giai đoạn 2010-2020 đối với Đảng ủy xã Sơn Hội.
Liên quan đến những nội dung nêu trên, đầu tháng 5/2023, Báo CAND từng có bài viết: "Xã tái nghèo, nhiều người dân không được hưởng lợi từ rừng, vì sao?". Sau bài viết đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa đã vào cuộc kiểm tra, thi hành kỷ luật ông Trần Ngọc Tây - Phó Bí thư Đảng ủy, bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã; Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa ra quyết định xử lý kỷ luật cách chức Chủ tịch UBND xã Sơn Hội đối với ông Trần Ngọc Tây.
Tiếp đó, Đoàn Thanh tra huyện Sơn Hòa thanh tra việc đo đạc, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã được thu hồi từ Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRRPH) huyện Sơn Hòa để UBND xã Sơn Hội giao cho người dân bảo vệ, phát triển rừng theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 của UBND tỉnh Phú Yên.
Do kết quả kiểm tra vi phạm của đảng viên Trần Ngọc Tây có một số nội dung liên quan ông Phạm Anh Tân, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Sơn Hòa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội nhiệm kỳ 2010-2015, nên cuối tháng 7/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa thành lập Đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của đảng viên đối với vị cán bộ này, hiện nay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đang xem xét thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.
Giữa tháng 4/2024, chúng tôi trở lại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa và được biết, 5 tháng sau khi UBND huyện Sơn Hòa có kết luận thanh tra nội dung nêu trên, chính quyền địa phương chỉ mới giao được 13ha đất lâm nghiệp cho 13 hộ gia đình nghèo ở thôn Tân Thành, trong tổng diện tích 1.791ha mà UBND xã Sơn Hội phải có trách nhiệm giao cho người dân bảo vệ, phát triển rừng theo Quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 2/1/2013 của UBND tỉnh Phú Yên, bao gồm 1.596,6ha đất rừng sản xuất và 194,9ha đất rừng phòng hộ. Theo đó, sau hơn 11 năm kể từ khi có quyết định nêu trên, người dân ở xã Sơn Hội chỉ mới nhận được 0,72% diện tích đất rừng, mà lẽ ra họ phải được hưởng lợi từ lâu để có điều kiện vượt khó, thoát nghèo.
Cũng do thiếu đất sản xuất, nên đến nay trong số 1.416 hộ gia đình ở xã Sơn Hội, vẫn còn 25,9% hộ nghèo và 7,76% hộ cận nghèo; tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép phát sinh; trong các năm 2021-2022 nhiều vụ phá rừng lấy đất làm nương rẫy phát sinh, trong số những vụ đã được xử lý hình sự, hành chính, có vụ phá rừng nổi cộm nhất tại tiểu khu 262 gây thiệt hại hơn 746 triệu đồng, 10 đối tượng đã bị truy tố, xét xử...
Lý giải nguyên nhân khiến cho việc giao đất kéo dài ì ạch nhiều năm, kết luận thanh tra của UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Trong 4 năm trước đó (2018-2021) có 266 hộ dân lấn chiếm trái phép hơn 458ha; UBND xã Sơn Hội tiếp nhận đất rừng trên bản đồ mà không quản lý được trên thực địa; không xác định được diện tích đất đã có người sử dụng; phương án giao đất được UBND xã Sơn Hội xác lập từ đầu tháng 5/2018 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vì kết quả đo đạc có sự thay đổi lớn…
Tìm hiểu về kết quả đo đạc đất rừng, chúng tôi phát hiện dấu hiệu bất thường cần phải được làm rõ. Cụ thể ngày 28/11/2018, UBND xã Sơn Hội ký kết Hợp đồng số 17/2018/HĐ-TV với Trung tâm Quy hoạch thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn (QHTK NN&PTNT) Phú Yên, đo vẽ bản đồ địa chính khu đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/5000, thuộc công trình giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ hộ gia đình, cá nhân sử dụng mục đích lâm nghiệp ở xã Sơn Hội. Đến ngày 27/12/2018, hai bên nghiệm thu, thanh toán 918 triệu đồng từ nguồn ngân sách.
Thế nhưng điều lạ lùng là cùng ngày hôm đó hai bên ký bản cam kết có nội dung cho biết, kết quả đo đạc chỉ mới đạt 50% nhưng vì Kho bạc Nhà nước huyện Sơn Hòa chốt sổ ngân sách ngày 31/12/2018, nên UBND xã Sơn Hội thanh toán cho Trung tâm QHTK NN&PTNT Phú Yên 100% giá trị hợp đồng, sau đó Trung tâm QHTK NN&PTNT Phú Yên phải chuyển trả lại cho UBND xã Sơn Hội 50% giá trị hợp đồng, đến khi nào kết quả đo đạc hoàn thành thì mới sử dụng 50% chuyển trả lại để thanh toán.
Trả lời câu hỏi của PV, ông Trần Minh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết, năm 2018 ông là kế toán ngân sách xã, đã lập thủ tục thanh toán 918 triệu đồng cho Trung tâm QHTK NN&PTNT Phú Yên ngay sau khi có biên bản nghiệm thu. Từ đó đến nay, đơn vị này cũng không chuyển trả lại 50% giá trị hợp đồng như cam kết và cũng không thực hiện đo đạc gì thêm. Bản cam kết do lãnh đạo hai bên ký kết, ông không tham gia nên… không biết (!?).
Với thông tin vừa nêu cho thấy có dấu hiệu hai bên nghiệm thu khống 50% giá trị hợp đồng để kịp rút tiền từ Kho bạc Nhà nước huyện Sơn Hòa trong niên độ tài chính, nhưng sau đó Trung tâm QHTK NN&PTNT Phú Yên không chuyển trả lại 459 triệu đồng (50%) như cam kết và cũng không đo đạc tiếp tục. Do đó các cơ quan chức trách cần phải tiến hành điều tra làm rõ sự thật bản cam kết nêu trên để thu hồi ngân sách Nhà nước có dấu hiệu thất thoát.
Được biết, ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Trung tâm QHTK NN&PTNT Phú Yên lúc đó, sau này là Giám đốc Ban QLRPH Sông Cầu đã bị Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sông Cầu khởi tố bị can cùng 6 đồng phạm về tội danh "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" vào ngày 1/3/2024.