Đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây trường học rồi bỏ hoang

08:25 09/12/2021

Đó là công trình Trường THPT Võ Chí Công tại xã A Xan, huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam). Mùa mưa lũ cuối năm 2020, đã xảy ra hiện tượng sạt lở phần taluy phía đằng sau trường nên để đảm bảo an toàn cho học sinh và các thầy cô giáo, tiếp tục việc dạy và học trong năm học 2020-2021, UBND huyện Tây Giang đã cho di dời 177 em học sinh cùng các trang thiết bị về trung tâm huyện, cách trường 40km.

Cán bộ và người dân huyện Tây Giang rất bức xúc, vì ngôi trường đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng dành cho con em đồng bào dân tộc nơi biên giới, song khánh thành đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm đã phải bỏ hoang gây sự lãng phí ngân sách Nhà nước, các em học sinh không có nơi để học tập.

Qua tìm hiểu được biết, công trình Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với số vốn đầu tư xây dựng ban đầu 24 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Việc thi công xây dựng trường được triển khai từ đầu năm 2017. Khi công trình đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng thì phát sinh nhiều vấn đề, như nguy cơ sạt lở, trượt đất ở thành taluy dương do địa chất yếu và mạch nước ngầm lớn. Do đó, ngày 7/9/2018, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có chuyến khảo sát tiến độ thi công Trường THPT Võ Chí Công, đã thống nhất chủ trương bổ sung thiết kế cho xây bờ kè để chống sạt lở.

Trường THPT Võ Chí Công bị bỏ hoang sau sự cố sạt lở đất.

Ngày 19/9/2018, đoàn công tác của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, do ông Nguyễn Công Thành, Phó Giám đốc Sở, dẫn đầu cùng lãnh đạo huyện Tây Giang và đơn vị thiết kế là Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Quảng Nam, đơn vị thi công (Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tiến) đã tiến hành khảo sát lần cuối để triển khai các phương án chống trượt lở đất ảnh hưởng đến công trình.

Theo ông Đinh Minh Trí, Giám đốc Công ty Thanh Tiến, trong quá trình thi công, do cấu trúc địa chất yếu, có mạch nước ngầm chạy qua nên dẫn đến nguy cơ rất lớn việc sạt lở đất từ taluy dương. Trên taluy dương đã xuất hiện vết nứt dài hơn 20m, sâu 1m, rộng khoảng 40cm. Muốn khắc phục sự cố này, bắt buộc đơn vị thi công phải múc thêm khoảng 30m đất để giật cấp và tiến hành kè bê tông, xây hệ thống thoát nước… Qua khảo sát thực tế các bên đã thảo luận và đi đến thống nhất phương án chung là triển khai xây kè bê tông và giật cấp thành taluy dương, xây dựng mương thoát nước. Tuy nhiên, đến năm học 2019-2020, khi dự án cơ bản hoàn thành đưa thầy cô giáo và học sinh vào giảng dạy và học tập, hạng mục xây kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được xây dựng. Trong mùa mưa lũ  đầu năm học 2020-2021, đã xảy ra hiện tượng sạt lở như đã nói trên.

Ông BLing Mia, Bí thư  Huyện  ủy Tây Giang trao đổi sự việc với chúng tôi, bức xúc nói rằng, dự án xây dựng Trường THPT Võ Chí Công ở A Xan là do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, cho đến khi đưa vào sử dụng, kinh phí dự án đã "đội lên" đến hơn 60 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình triển khai dự án, địa phương không nắm rõ và cũng không quản lý một vấn đề  gì của dự án. Địa phương chỉ giải quyết công tác mặt bằng bàn giao cho Ban Quản lý dự án.

Như trên đã nói, tại dự án này cùng phần xây dựng công trình gồm các phòng học tập, phòng làm việc, nơi nghỉ ngơi của thầy cô giáo và học sinh, qua khảo sát đánh giá đã xác định cần có thêm hạng mục xây dựng kè bê tông và hệ thống thoát nước. Đáng lẽ khi đưa vào bàn giao sử dụng, công trình phải hoàn tất 100% các hạng mục, vậy nhưng không hiểu sao sau gần 2 năm công trình đưa vào sử dụng, hạng mục kè bê tông và hệ thống thoát nước vẫn chưa được tiến hành hoàn thiện. Khi taluy đằng sau Trường THPT Võ Chí Công xảy ra hiện trường xói lở, UBND huyện và địa phương đã phải triển khai di dời gấp các em học sinh và trang thiết bị. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT là đơn vị chủ đầu tư dự án này cũng không có mặt tại địa phương để kiểm tra, hay có hướng giải quyết xử lý, mặc dù địa phương đã có báo cáo về tỉnh và đơn vị chủ đầu tư dự án.

Đến cuối năm 2021, sau khi huyện Tây Giang có nhiều kiến nghị về vấn đề khắc phục sự cố sạt lở ở Trường THPT Võ Chí Công, dự án được chuyển cho Ban Quản lý các dự án của tỉnh Quảng Nam quản lý, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo mời các chuyên gia để nghiên cứu về địa chất nền móng của ngôi trường này. Kết quả hội thảo chưa rõ thế nào, nhưng mới đây ngày 3/12/2021, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh khảo sát, lựa chọn một địa điểm khác an toàn, phù hợp hơn để xây dựng mới lại Trường THPT Võ Chí Công. Còn ngôi trường đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng xây dựng thì cho rằng sẽ được xem xét chuyển mục đích sử dụng nhằm tránh lãnh phí(?!).  

Cán bộ và nhân dân huyện biên giới Tây Giang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam và các ngành chức năng của tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam là đơn vị chủ đầu tư dự án Trường THPT Võ Chí Công ở A Xan, đặc biệt cá nhân Giám đốc Sở này là ông Hà Thanh Quốc, khi  hàng chục tỷ đồng đầu tư không  hiệu quả, không đúng ý nghĩa, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước; nhất là ở một huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Tây Giang.

Hồng Thanh

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Cựu Giám đốc và thuộc cấp Công ty 878 đã lập khống hồ sơ một công trình ở TP Hồ Chí Minh với số tiền gần 32 tỷ đồng và lập khống hồ sơ đối với công trình ở tỉnh Quảng Ngãi với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cựu Giám đốc Công ty 878 còn sử dụng 15 hóa đơn giá trị gia tăng không hợp pháp (hóa đơn khống) đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền thuế hơn 7,6 tỷ đồng…

Trước những vụ TNGT thương tâm mà các nạn nhân rơi vào “điểm mù” của xe tải, xe đầu kéo, các đội, trạm thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tuyên truyền vận động chủ doanh nghiệp vận tải, tài xế của các phương tiện lắp đặt camera quan sát để hạn chế những tai nạn đáng tiếc…

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Các đối tượng đặt mua nhiều nhẫn và mặt tượng vàng kém chất lượng nhưng được chế tác rất tinh xảo có giá trị tương đối cao. Điều đáng nói, số hàng này có khắc thương hiệu của các Công ty vàng bạc đá quý có tiếng ở TP Hồ Chí Minh khiến nhiều chủ tiệm vàng ở Huế tin tưởng...

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文