Dự án khí sinh học ngành Chăn nuôi: Hàng nghìn tỷ đồng thu, chi không minh bạch

09:01 13/04/2016
Dự án có số tiền hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc quản lý lại thiếu minh bạch, nhập nhèm. Đáng nói, sau khi phát hiện, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm.


Sau gần 13 năm triển khai, Dự án chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam được Chính phủ Hà Lan viện trợ không hoàn lại với số tiền xấp xỉ 12 triệu euro, cùng với vốn đối ứng của Việt Nam, vốn đóng góp từ các địa phương, người dân lên tới 46 triệu euro đã được 58 tỉnh, TP tham gia.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều sai phạm trong việc quản lý tài chính. Số tiền hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc quản lý lại thiếu minh bạch, nhập nhèm. Đáng nói, sau khi phát hiện, việc xử lý chỉ dừng lại ở mức kiểm điểm.

Lập 9 tài khoản giữ tiền sai nguyên tắc

Là một dự án có ý nghĩa rất lớn đến đời sống của người nông dân, Dự án chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam là dự án tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hà Lan, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan chủ quản của dự án.

Nhiều sai phạm hệ thống và liên tục nhiều năm trong quản lý Chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi.

Sau đó, Bộ NN&PTNT giao cho Cục Chăn nuôi làm chủ dự án từ năm 2003 đến nay. Suốt trong thời gian từ 2003 đến 2012, Ban Quản lý Dự án (QLDA) khí sinh học không sử dụng con dấu riêng, mà sử dụng con dấu của Cục Chăn nuôi, và từ năm 2013 trở đi mới có con dấu riêng.

Trên thực tế, dự án đã cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Việt Nam, giúp các nông hộ xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi, đồng thời sử dụng hiệu quả khí sinh học như một nguồn năng lượng rẻ tiền, dễ tiếp cận.

Cụ thể, dự án này hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng hầm biogas quy mô gia đình từ chất thải chăn nuôi và đã được nhân rộng ở 58 tỉnh, TP. Tổng số kinh phí thực hiện chương trình là gần 46 triệu euro. Dự án đã hỗ trợ xây dựng hơn 146.000 công trình khí sinh học (hầm biogas)…

Ngoài ra, dự án đã cung cấp năng lượng sạch cho nông thôn, hằng năm nhiệt năng của các công trình khí sinh học có thể thay thế khoảng 200.000 tấn củi, hoặc phế thải nông nghiệp, cải thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Mặc dù Dự án được đánh giá là mang lại hiệu quả cho người dân nông thôn, giúp giảm phát thải khí nhà kính ngành Chăn nuôi, nhưng việc quản lý, sử dụng số kinh phí hàng nghìn tỷ đồng của dự án được phát hiện có nhiều vi phạm. Báo cáo từ Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, từ năm 2003 đến 2008, Ban QLDA không sử dụng hệ thống tài khoản và mở sổ sách kế  toán theo quy định của chế độ kiểm toán Việt Nam, không thực hiện gửi báo cáo tài chính hằng năm cho Bộ NN&PTNT.

Vì vậy, số liệu trên sổ sách kế toán của dự án không khớp và không thống nhất, việc xét duyệt quyết toán kinh phí hằng năm với Bộ NN&PTNT không kịp thời,  phải đến tháng 6-2014 Vụ Tài chính của Bộ NN&PTNT mới xét duyệt quyết toán giai đoạn 2003-2006 và giai đoạn 2007-2012.

Đáng nói, dù Ban QLDA chịu trách nhiệm toàn bộ, nhưng dự án lại lập đến 9 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để nhận và giữ tiền. Tại 9 tài khoản này, từ năm 2003-2015 đã phát sinh hơn 2,168 tỷ đồng tiền lãi, được Ban QLDA tự quyết định chi cho các hoạt động của dự án.

Lãnh đạo Ban QLDA chương trình khí sinh học cho ngành Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, do dự án có nhiều nguồn tài trợ khác nhau, như nguồn tài trợ của Chính phủ Hà Lan, của người dân đóng góp, của ngân sách các  tỉnh, thành phố, của một số tổ chức phi Chính phủ… nên phải mở nhiều tài khoản để sử dụng. Đáng nói, từ tháng 7-2007 đến hết năm 2015, Ban QLDA không báo cáo, trình Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định việc sử dụng tiền lãi gửi ngân hàng nguồn viện trợ của dự án, để chi cho các hoạt động của dự án, khi chưa được phê duyệt của Bộ NN&PTNT.

Tự ý bán tín chỉ, thu 44 tỷ đồng

Ngoài chuyện sử dụng tiền tài trợ không minh bạch, thanh tra Bộ NN&PTNT đã chỉ rõ, Ban QLDA đã bắt đầu bán tín chỉ carbon (quy đổi từ việc sử dụng hầm biogas vào đun nấu, giảm sử dụng than, củi, giảm phát thải khí carbon ra môi trường) ra thị trường tự do khi chưa được phép.

Cụ thể, từ 2013 đến 2015, Ban QLDA thông qua Tổ chức Nexus đã bán gần 660.000 tín chỉ carbon ra thị trường tự do, ước tính đã thu về hơn 44 tỷ đồng. Tuy nhiên Ban QLDA đã không báo cáo với cơ quan chủ quản (Bộ NN&PTNT) việc thực hiện bán và sử dụng nguồn thu từ bán tín  chỉ. Mặc dù  thu số tiền lớn từ bán tín chỉ carbon, nhưng việc sử dụng số tiền này lại không phát huy hiệu quả. Số tiền dành để hỗ trợ hoạt động tại cấp tỉnh chỉ khoảng 6 tỷ đồng.

Còn lại trong 2 năm 2013 và 2014, Ban QLDA đã sử dụng nguồn thu từ bán tín chỉ để chi trả một số chi phí như môi giới cho Tổ chức Nexus, hỗ trợ kỹ thuật từ Nexus, phí thành viên…, và việc chi trả này được kết luận không đúng với quy định của Nhà nước. Việc sử dụng nguồn thu này cũng không có phê duyệt và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ rõ, trách nhiệm này thuộc về ông Hoàng Kim Giao, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Từ năm 2006 đến nay, Ban QLDA còn tiếp nhận tiền viện trợ từ nhiều tổ chức với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng, nhưng không báo cáo và xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Đáng nói, việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ khác là không có trong Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan, và điều này là sai quy định. Dự án cũng tự ý chi thưởng xấp xỉ 200 triệu đồng cho 8 cán bộ của dự án với lý do “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Trách nhiệm này ngoài ông Hoàng Kim Giao còn thuộc về ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (hiện là Viện trưởng Viện Chăn nuôi).

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Ban QLDA phải thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 560 triệu đồng, trong đó yêu cầu thu hồi gần 200 triệu đồng đã chi thưởng sai cho 8 cán bộ. Đồng thời, Cục Chăn nuôi phải tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể và cá nhân thuộc quản lý của Cục liên quan đến các tồn tại, vi phạm. Tuy nhiên, với những sai phạm nghiêm trọng này, dư luận đang băn khoăn, mức xử lý theo đề xuất của Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ là thu hồi tiền và kiểm điểm cá nhân sai phạm có quá “nương tay”?

Ngọc Yến

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文