Giải mã hiện tượng “sốt” đất ở Vũng Áng
Trong nhiều tháng trở lại đây, tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, đất nền được đẩy lên với giá cao bất thường. Mỗi ngày, có rất nhiều người từ các tỉnh lân cận nườm nượp đổ về đây để thăm dò, tìm mua khiến giá đất ở đây “sốt cao” theo ngày. Nguyên nhân của hiện tượng này, theo lý giải của các chuyên gia, ngoài việc do nhiều dự án lớn được đầu tư kéo theo cơn “sốt” đất, một phần sốt ảo do "cò đất" thổi giá.
Bỗng dưng… giàu vì đất, mất tiền tỷ cũng từ đất
Tháng 4/2021, ông Nguyễn Hữu Tùng (SN 1955), trú tại phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tiếp một nhóm người từ Nghệ An vào, đặt vấn đề muốn mua lại mảnh đất ông đang là chủ sở hữu. Mảnh đất này có diện tích 1.400m2, với 35m chiều dài bám quốc lộ 1A. Quá bất ngờ khi nhóm người này đưa ra mức giá 7 tỷ đồng (200 triệu đồng mỗi mét ngang, không kể chiều sâu), ông Tùng đã đồng ý bán mà không cần suy nghĩ. Bởi từ trước đến nay, mảnh đất của ông Tùng nói riêng và đất ở khu vực này nói chung, được ví như “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, bán không ai mua, mà kinh doanh thì ế ẩm, sản xuất lại càng không có hiệu quả, hầu như bao năm qua chỉ hoang hóa.
Ngay sau đó, đối tác đặt cọc 1 tỷ đồng và mấy tháng sau, khi thủ tục chuyển nhượng hoàn tất, người dân bản địa còn kháo nhau rằng, gia đình ông Tùng tiền rơi trúng đầu khi nhận đủ số tiền 7 tỷ đồng. Bẵng đi một thời gian, đến đầu tháng 12 vừa rồi, ông Tùng tiếc ngơ ngẩn khi được biết, chủ mới đã rao bán mảnh đất trên với giá 14 tỷ đồng, gấp đôi số tiền mà ông đã bán trước đó mấy tháng. Dù chưa giao dịch thành công, nhưng có rất nhiều người đã đặt vấn đề, trong đó có một số người đã mạnh dạn trả đến 12 tỷ đồng nhưng chủ mới chưa đồng ý chuyển nhượng.
Cùng chung tâm trạng tiếc rẻ tương tự, bà Nguyễn Thị Thương (SN 1968), trú tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh bán mảnh đất 1.300m2 tại phường Kỳ Thịnh vào khoảng tháng 5/2020 với giá 1,3 tỷ đồng. Sau hơn một năm, mảnh đất nói trên được mua đi bán lại cho 5 người khác, mỗi lần giao dịch tăng thêm một mức giá kỷ lục. Đến hiện tại, chủ mới đã rao bán, chào giá mảnh đất này với số tiền là 5 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, tình trạng sốt đất đã và đang diễn ra tại nhiều phường, xã quanh khu vực Khu Kinh tế Vũng Áng. Trong đó, “nóng” nhất vẫn là các địa bàn có nhiều dự án, nhà máy đứng chân như các phường Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên… Hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản cũng mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Nhiều công ty trong lĩnh vực này từ Nghệ An, Hà Nội vào mở chi nhánh để môi giới, tư vấn cho khách hàng và người dân có nhu cầu. Thậm chí, một số người dân trên địa bàn cũng bỏ cả công ăn việc làm hằng ngày để “ăn theo” khi nhiệt tình nghe ngóng, săn đón và giới thiệu cho khách có nhu cầu về các lô đất đang được rao bán.
“Nếu giới thiệu thành công một lô đất, tùy diện tích và số tiền mà khách hàng bỏ ra, “cò” đất sẽ được nhận khoản hoa hồng từ 20 – 50 triệu đồng. Thời buổi dịch dã khó khăn như thế này, chẳng có nghề nào nhanh kiếm tiền như nghề này, nên chúng tôi nhiệt tình tư vấn cho khách”, anh Lê Công Duẩn (SN 1981), một người dân trên địa bàn chuyên nghề “cò” đất vui vẻ cho biết.
Cũng theo anh này, khách hàng mua đất ở Vũng Áng thời gian vừa qua chủ yếu là người ngoại tỉnh, nên họ cần đội ngũ tư vấn “chân chất” như thế này để tiếp cận với người cần bán chứ không muốn qua các doanh nghiệp môi giới bất động sản, ngoài việc bị thổi giá bất thường, còn phải mất khoản chi phí 5%.
Đất sốt ăn theo dự án, bị thổi giá
Được biết, tình trạng “sốt” đất ở Vũng Áng bắt đầu từ khoảng giữa năm 2020 và chạm đỉnh từ tháng 8/2021 đến nay, khi thông tin về việc một số dự án lớn sắp đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng được công bố. Đặc biệt là kể từ khi báo chí công bố 4 dự án nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ôtô và cảng biển kết hợp logistics, du lịch nghỉ dưỡng tại Khu kinh tế Vũng Áng sẽ được Tập đoàn Vingroup đầu tư, giới bất động sản cũng bắt đầu mở các công ty, sàn giao dịch ký gửi, mua, bán, tư vấn bất động sản. Cùng với đó, trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản chuyên về tư vấn, mua bán đất tại Vũng Áng cũng được lập nên để chào mời, rao bán đất nền, đất dự án. Thậm chí, gần đây còn xuất hiện tình trạng một số khu vực người dân tỉnh khác đến mua đất với số lượng lớn, sau đó tự xây hạ tầng, phân lô đất nền rồi rao bán.
Số liệu từ Văn phòng đăng ký đất đai Kỳ Anh cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị xã Kỳ Anh đã xử lý khoảng 9.000 giao dịch liên quan đất ở Vũng Áng, trong đó khoảng 5.000 hồ sơ chuyển nhượng làm bìa đỏ mới và hơn 4.000 hồ sơ đăng ký biến động, cho tặng. Con số này gấp 5 đến 6 lần so với năm 2020 và chủ yếu được giao dịch trong khoảng thời gian từ tháng 4/2021 đến nay. Tuy nhiên, theo một cán bộ chuyên trách địa chính của văn phòng, thì phần lớn các lô đất trên địa bàn được mua bán kiểu “lướt sóng”, qua tay chứ không có ai mua để làm nhà ở thực sự. Trong đó, có những lô đất đã mua đi, bán lại rất nhiều lần chỉ trong thời gian rất ngắn.
Ngoài ra, những người tham gia giao dịch cũng đa phần là người ngoại tỉnh, trong đó phần lớn là từ Nghệ An vào. Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, đất ở bám quốc lộ 1 đoạn qua Khu Kinh tế Vũng Áng (được rao bán theo mét ngang bám mặt đường, chiều dài từ 20m trở lên) có giá khoảng 500 triệu đồng/m, ở các trục đường khác giá dao động từ 200 đến 300 triệu đồng/m.
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, nguyên nhân sốt đất, giá tăng cao so với thực tế do gần đây địa bàn có nhiều dự án đầu tư lớn được phê duyệt. Cùng với đó, khi thấy có nhiều người quan tâm, đầu tư, các đơn vị kinh doanh bất động sản lẫn “cò đất” vào cuộc, đẩy giá lên cao hơn rất nhiều lần so với giá trị thực. Được biết, đây là lần thứ 2 giá đất tại Vũng Áng đột ngột tăng cao. Giá đất tăng cao giúp một số người dân bán đất có thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, mặt trái của nó là giá đất quá cao nên người thật sự cần đất để làm nhà ở gặp rất nhiều khó khăn.
Để người dân không bị cuốn theo hoạt động mua bán đất, UBND thị xã Kỳ Anh cũng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, cảnh báo người dân thận trọng, không nên chạy theo đồn thổi, tránh gây thiệt hại cho bản thân trong đầu tư bất động sản. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chấn chỉnh việc lợi dụng dự án nhằm gom đất đầu tư, sau đó xin làm hạ tầng giao thông để phân lô bán nền, nâng giá một cách tùy tiện. Trong khi đó, một lãnh đạo Công an thị xã Kỳ Anh cho biết thêm, có tình trạng sốt đất ở Vũng Áng khiến thời gian vừa qua, người dân từ các địa phương khác đến để mua bán, giao dịch tương đối nhiều song tình trạng an ninh, trật tự vẫn được giữ vững.
Công an thị xã Kỳ Anh luôn cắt cử lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ lượng người đến địa bàn để vừa đảm bảo ANTT, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.