Giám sát đặc biệt các dự án xây dựng trên “đất vàng” chậm tiến độ

09:05 29/04/2023

Sau thời gian dài khởi công, hiện có nhiều dự án tọa lạc tại các vị trí “đất vàng” ở trung tâm TP Huế xây dựng ì ạch, ngừng thi công. Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án vẽ trên giấy và đưa vào diện giám sát đặc biệt các dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ hoàn thành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, từ đầu năm 2023 đến nay, địa bàn tỉnh có 9 dự án được phê duyệt và đủ điều kiện bố trí vốn, trong đó có 4 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tỉnh đã tổ chức khởi công các dự án trọng điểm đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex, dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây giai đoạn 2.

Để đảm bảo quá trình thực hiện các dự án, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa 79 dự án chậm tiến độ vào diện rà soát, giám sát, kiểm tra. Cụ thể, có 5 dự án cần đôn đốc tiến độ thực hiện, 21 dự án cần giám sát đặc biệt, 1 dự án tiếp tục rà soát thu hồi.

Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế tọa lạc trên khu “đất vàng” trung tâm TP Huế chậm tiến độ.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành thu hồi 35 dự án/79 dự án chậm tiến độ nói trên, trong đó có 4 dự án không kêu gọi đầu đầu tư, 21 dự án đang được các đơn vị liên quan xây dựng thông tin, tiêu chí kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên_Huế đã đưa vào danh sách nhiều dự án chậm tiến độ cần được giám sát đặc biệt như: Dự án đầu tư xây dựng tại khu đất số 4 đường Hà Nội, TP Huế; dự án xây dựng các công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp 14 - 20 Lý Thường Kiệt; dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế….

Ghi nhận của PV Báo CAND tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế tọa lạc trên khu “đất vàng” (tại địa chỉ số 2 Nguyễn Tri Phương, phường Phú Nhuận, TP Huế), trong ngày 27/4, dự án này vắng bóng công nhân thi công. Tìm hiểu được biết, dự án do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Huế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng khoảng 400 tỷ đồng, được cấp quyết định đầu tư vào cuối tháng 6/2017. Chủ đầu tư dự án đã thi công 4.000m2 sàn, hoàn thiện phần xây dựng thô, ngoại thất toàn bộ tòa nhà; kết cấu sàn thép mở rộng 1.800m2; tiến hành lắp đặt thang máy và đang trong giai đoạn hoàn thiện phần nội thất tòa nhà. Do dự án chậm tiến độ kéo dài nên cuối tháng 11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã gia hạn tiến độ thực hiện dự án trên thêm 24 tháng; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ cam kết, chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật và giám sát của các cơ quan có thẩm quyền; khi hết thời hạn được gia hạn mà vẫn chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa dự án vào hoạt động thì Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định.

Một dự án khác tọa lạc tại “đất vàng” ở trung tâm TP Huế chậm tiến độ là dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất 14-20 Lý Thường Kiệt, TP Huế. Dự án do Công ty CP ĐTXD du lịch và phát triển Đất Vàng làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt kết quả bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ năm 2009 với diện tích sử dụng đất 6.835m2, vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã thi công hoàn thành giai đoạn 1, phần khối tầng hầm, 5 tầng nổi và chưa thể đưa vào hoạt động. Tháng 11/2019, chủ đầu tư đề xuất thay đổi chiều cao tầng của dự án từ 17 lên 25 tầng. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên_Huế có công văn về việc chưa xem xét thay đổi chỉ tiêu quy hoạch các công trình trục đường Lý Thường Kiệt, TP Huế. Từ đó đến nay, dự án ngưng xây dựng trong thời gian dài.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao Sở TN&MT nghiên cứu hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai để tham mưu phương án giải quyết và tổ chức giám sát, đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án theo quy định.

Tương tự, dự án khu văn hóa đa năng công viên Kim Đồng nằm trên đường Hà Nội, TP Huế cũng bị chậm tiến độ kéo dài nhiều năm qua. Dự án này do Công ty CP Đầu tư Sunrise làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư vào cuối tháng 12/2015. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu vui chơi giải trí kết hợp bãi đỗ xe và tổ chức nhiều loại hình văn hóa, dịch vụ văn hóa thể thao, thương mại, du lịch, vui chơi giải trí công nghệ cao với tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng. Sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư triển khai xây dựng các khối nhà. Tuy nhiên, qua 2 lần UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định điều chỉnh quy mô đầu tư, đến nay dự án chỉ mới đưa vào hoạt động một số khu vực nhưng hiệu quả không cao khi khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 85% so với kế hoạch, chậm tiến độ so với cam kết.

Liên quan đến các dự án tọa lạc ở vị trí “đất vàng” trung tâm TP Huế chậm tiến độ, tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2023 do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức vào sáng 27/4, ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, phần lớn các dự án trên địa bàn bị chậm tiến độ là do một số nhà đầu tư chưa đủ kinh nghiệm, năng lực triển khai so với dự án đề xuất; một số chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, công tác thẩm định, phê duyệt các thủ tục chưa chặt chẽ, chưa kịp thời.

“Hiện UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tăng cường công tác rà soát, giám sát các dự án chậm tiến độ nằm trong danh sách. Đồng thời kiên quyết xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, sử dụng đất đối với các nhà đầu tư không thực hiện dự án theo đúng nội dung cam kết đầu tư, làm căn cứ xử lý ở những giai đoạn tiếp theo”, ông Nguyễn Quang Cường thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế còn cho hay, trong giai đoạn vừa qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án du lịch bị tác động rất lớn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các nguồn lực đầu tư đều bị ảnh hưởng dẫn đến chậm tiến độ hoặc chậm triển khai xây dựng. Vì thế, đối với các nhà đầu tư không đủ khả năng triển khai dự án, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi dự án và thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Anh Khoa

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 đối tượng và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm, thu giữ nhiều tài liệu, tang vật gồm 129,3 tấn nguyên liệu khí N2O ("khí cười"); 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…; tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội. 

Ít nhất 120 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza trong hai ngày qua, theo các quan chức y tế Palestine, trong bối cảnh Israel tăng cường các cuộc ném bom trên khắp vùng lãnh thổ bị bao vây này.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, xyanua và các hợp chất nằm trong nhóm hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文