Hoạt động từ thiện - căn chỉnh đạo đức và pháp lý (bài 2)

10:04 26/12/2021

Vài năm nay, hiện tượng nghệ sỹ làm từ thiện tạo dấu ấn lớn trong dư luận, đặc biệt dịp bão lũ tại các tỉnh miền Trung năm 2020. Điển hình, theo các nghệ sỹ tự công bố, MC Trấn Thành kêu gọi được 9,6 tỷ đồng; danh hài Hoài Linh kêu gọi được 14 tỷ đồng; ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được hơn 178 tỷ đồng… Cùng với số tiền lớn, các nghệ sỹ cũng vướng vào hàng loạt lùm xùm trong năm 2020, 2021...

Bài 2: Nghệ sỹ làm từ thiện - dấu ấn và những lùm xùm

Nguồn tiền từ thiện khổng lồ

Trước hết, phải thấy rằng, việc các nghệ sỹ kêu gọi từ thiện đạt con số tiền tỷ là nhờ uy tín, sự nổi tiếng của chính họ, từ đó thu hút người hâm mộ gửi gắm tình cảm cho nghệ sỹ để chuyển tới đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ là hành động đẹp, thiết thực, đáng ghi nhận. Mỗi nghệ sỹ đều có lượng "fan" nhất định, các nghệ sỹ nổi tiếng còn có lượng "fan" hùng hậu, đông đảo hơn, nên khi họ kêu gọi thì hàng ngàn người sẵn sàng "mở hầu bao" chuyển khoản.

Khi số tiền kêu gọi càng lớn thì nghệ sỹ càng nổi tiếng hơn. Trong khi đó, nhiều Mạnh Thường Quân khác có thể có nguồn tiền huy động lớn hơn nhiều nhưng ít được biết đến, không tạo thành hiện tượng do không tạo ra hình ảnh thu hút dư luận như nghệ sỹ.

Một số địa bàn ca sỹ Thủy Tiên hỗ trợ người dân số tiền “tùy tâm” nên việc thống kê gặp nhiều khó khăn.

Công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển, cách thức làm từ thiện và quảng bá hoạt động của các nghệ sỹ cũng thay đổi. Họ không cần đợi chuyến từ thiện kết thúc, các phóng viên đi cùng chụp ảnh, viết bài để đăng trên các trang báo mà chính facebook, fanpage - tài khoản, trang mạng xã hội của các nghệ sỹ sẽ được ê kíp đăng tải, cập nhật thường xuyên về thông tin số tiền ủng hộ, diễn biến, quá trình trao quà. Thậm chí, họ "lives tream" (phát sóng trực tiếp) cảnh trao quà tại thời điểm, địa điểm cụ thể, với hàng ngàn người có thể theo dõi cùng lúc càng củng cố niềm tin của công chúng về việc làm đầy ý nghĩa của mình.

Nổi bật là hình ảnh ca sỹ Thủy Tiên tất tưởi đội mưa, xắn quần lội nước vào các điểm ngập sâu trực tiếp trao tiền, quà ủng hộ bà con các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế... giữa lúc các cơn bão vừa đi qua, mưa lũ vẫn đang hoành hành đã gây xúc động mạnh, lay chạm tình cảm của công chúng cả nước. Các clip trao quà được phát trực tiếp tại hiện trường, vừa tạo niềm tin về "người thật, việc thật" và việc nữ ca sỹ đã thu được nguồn tiền lớn, tiến hành cấp phát ngay trong thời điểm mà người dân cần nhất càng được chia sẻ rộng rãi. Thủy Tiên đã trở thành một hiện tượng từ thiện hiếm có, gây hiệu ứng mạnh trong cộng đồng.

Hàng vạn người dân biết ơn nữ ca sỹ, cùng với đó là báo chí và mạng xã hội ngợi ca, tung hô. Bởi, trong vòng chưa đầy một tháng, Thủy Tiên kêu gọi được hơn 178 tỷ đồng - số tiền "khổng lồ", chưa từng có đối với một cá nhân kêu gọi được trong thời gian ngắn. Có người gọi cô là "cô tiên" giữa đời thực, có nhạc sỹ sáng tác bài hát "Em là cô tiên" về hành trình từ thiện đầy ý nghĩa của nữ ca sỹ. So với cách làm truyền thống của các cơ quan, tổ chức mất nhiều thời gian chờ đợi do còn phải theo quy trình, thủ tục xét duyệt thì việc người dân đang trong lũ dữ được nhận tiền "nóng hổi" và số tiền khá lớn (5-10 triệu đồng), thủ tục nhanh chóng, ngay tại chỗ là điều tạo dấu ấn đậm nét về Thủy Tiên trong lòng công chúng thời điểm đó.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt được, cách làm của Thủy Tiên cũng xuất hiện những hạn chế. Đó là, việc trao tiền ngay và trực tiếp chỉ giải quyết cho một nhóm người tại một số địa bàn cụ thể, không rộng khắp, nhất là người dân ở vùng khó khăn, khó đi lại. Việc chi trả, minh bạch cũng là vấn đề dư luận đặt ra, khi mà đã xuất hiện những nghi vấn, lùm xùm từ hoạt động này.

"Sao kê" chiếu, cơ quan điều tra vào cuộc

Lùm xùm đầu tiên, phải kể đến việc nghệ sỹ Hoài Linh bị tố "ỉm" 14 tỷ đồng tiền từ thiện của Mạnh Thường Quân, người hâm mộ ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung thiệt hại do bão lũ năm 2020 (vào cuối tháng 5/2021). Nam danh hài sau đó lên tiếng thừa nhận, xin lỗi và giải thích với công chúng vì nhiều lý do khách quan nên chậm trễ giải ngân tiền từ thiện, đồng thời nhờ một ê kíp tức tốc đi trao tiền cho đồng bào miền Trung. Sau Hoài Linh, từ tháng 8/2021 và kéo dài sau đó, mạng xã hội xuất hiện tranh cãi xung quanh việc sao kê tiền từ thiện của ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, MC Trấn Thành... với các tin đồn số tiền mà các nghệ sỹ này kêu gọi ủng hộ được lớn hơn nhiều con số công bố.

Quá trình "soi" sao kê tài khoản, những giấy tờ xác nhận số tiền giải ngân ủng hộ từ thiện của nghệ sỹ, dư luận đã hoài nghi về việc số tiền ủng hộ có được trao toàn bộ đến tay người dân hay không, có hay không việc nghệ sỹ dùng tiền ủng hộ từ thiện vào mục đích khác... Đồng thời, một lỗ hổng trong việc kiểm soát nguồn tiền từ thiện xuất hiện, khi một lượng tiền lớn chảy vào tài khoản cá nhân của nghệ sỹ mà việc sòng phẳng tiền nong chỉ được bảo đảm bằng... niềm tin của người hâm mộ.

Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS), Bộ Công an đã chủ động nắm bắt các thông tin trên không gian mạng và phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động kêu gọi từ thiện của một số cá nhân, xác minh các thông tin tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại Điều 144, Bộ luật Tố tụng hình sự. Cục CSHS đã chủ động báo cáo và tham mưu lãnh đạo Bộ Công an giải quyết các thông tin này. Và ngày 15/9/2021, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định phân công Cục CSHS tiến hành thụ lý, kiểm tra, xác minh các nguồn tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động quyên góp tiền từ thiện, cứu trợ trong đợt bão lũ xảy ra tại khu vực miền Trung năm 2020 của một số ca sỹ, nghệ sỹ để làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thực hiện kế hoạch kiểm tra, xác minh, Cục CSHS đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng của Việt Nam và nước ngoài đặt tại Việt Nam để xác định những tài khoản đã nhận tiền huy động từ thiện nhằm làm rõ việc vận động, tiếp nhận, quyên góp và quá trình giải ngân; phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp… thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi xác minh, làm rõ số tiền, hàng các ca sỹ, nghệ sỹ đã tiến hành cứu trợ, từ thiện tại địa phương; đồng thời tiến hành mời làm việc với một số cá nhân, tổ chức, đề nghị cung cấp các thông tin có liên quan.

Ngoài ra, Cục CSHS cũng chỉ đạo lực lượng CSHS toàn quốc rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên địa bàn cả nước, kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chính quyền các tỉnh miền Trung cũng đã vào cuộc rà soát, thống kê, báo cáo Bộ Công an về tình hình hoạt động từ thiện của các nghệ sỹ tại địa phương mình. Riêng vụ việc của ca sỹ Thủy Tiên, chính quyền một số tỉnh miền Trung cho biết, khó xác định được chính xác số tiền vì việc trao tiền cho người dân do đoàn chủ động triển khai, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không can thiệp vào số tiền trao. Khi đến các xã, Thủy Tiên hỗ trợ người dân số tiền tùy tâm, tùy đối tượng, không cố định mức cụ thể nên việc thống kê gặp nhiều khó khăn. Có nơi, đoàn phát tiền không có sự ký nhận của bà con, không có sự giám sát trực tiếp của bên thứ ba và không lập biên bản khi kết thúc mỗi đợt cứu trợ...

Đến nay, cơ quan điều tra cơ bản đã làm rõ các tài khoản ngân hàng được sử dụng vào việc huy động quyên góp và tổng số tiền các nghệ sỹ đã quyên góp được, việc giải ngân số tiền đã quyên góp của họ tại các tỉnh miền Trung. Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá các tài liệu đã xác minh, thu thập một cách khách quan và sẽ kết luận vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Song có một điều chắc chắn là những lùm xùm thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng và cuộc sống của Thủy Tiên cũng như một số nghệ sỹ. Làm từ thiện đúng cách và có cơ chế kiểm soát, giám sát nguồn tiền là việc làm cần thiết để mỗi nghệ sỹ dù chung tay trong hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa vẫn thanh thản, không bị vướng vào những lùm xùm.

Theo chúng tôi, trong sự lùm xùm này, có những con số có thể thống kê, xác định được, song cũng rất nhiều con số, sự việc không thể thống kê, không thể xác định, đo đếm do việc thu nhận và cấp phát mang tính tự phát, không khoa học, diễn ra trong thời gian dài, tại nhiều địa bàn. Điều đó sẽ tạo ra khoảng trống, mà khi khoảng trống còn thì sự ngờ vực còn, ngờ vực còn thì lòng tin trong dân chúng mai một!

Đại diện Cục CSHS khẳng định, qua công tác điều tra, xác minh giải quyết vụ việc nêu trên, Cục cũng sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể một số vấn đề để hoạt động từ thiện được chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Chẳng hạn như, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận thì phối hợp với chính quyền địa phương như thế nào trong quá trình phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; vấn đề quản lý tài chính, theo dõi và xác nhận hoạt động phân phối nguồn đóng góp ra sao… Ngoài ra, phải có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động từ thiện...

(Còn nữa)

Bổ sung quy định để hoạt động từ thiện đảm bảo công khai, minh bạch

Trả lời trước Quốc hội về "lùm xùm" nghi vấn thất thoát tiền từ thiện liên quan một số nghệ sỹ chiều 10/11, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện Bộ Công an đang giao Cục CSHS tiến hành thụ lý, kiểm tra xác minh các nguồn tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin của người dân về hoạt động quyên góp, nhận từ thiện, cứu trợ trong đợt mưa lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020 của một số nghệ sỹ. "Qua rà soát, Bộ Công an sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp nhận, phân bổ, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn, khắc phục thiên tai, hoả hoạn, các sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… theo hướng bổ sung các quy định để hoạt động này đảm bảo công khai, minh bạch" - Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Quỳnh Vinh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文