Kéo dài thi hành án, ảnh hưởng quyền lợi người dân: Mỏi mòn chờ thực thi công lý

08:59 17/07/2024

Bản án do Toà án nhân dân TP Hà Nội tuyên đã có hiệu lực nhiều năm, thế nhưng đến nay nhiều bị hại liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (Công ty IG) vẫn đang dài cổ chờ được bồi thường dân sự.

Dù đã từng trực tiếp làm việc với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, cũng như thường xuyên có trao đổi với chấp hành viên nhưng suốt một thời gian dài các bị hại vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đến thời điểm này, sau gần 6 năm, kể từ phiên tòa sơ thẩm, họ thêm lo lắng, không biết liệu quyền lợi của mình có được đảm bảo hay không?

Gần 6 năm chưa được thi hành án

Đại diện cho nhiều bị hại trong vụ án Công ty IG, phán ánh đến Báo CAND, bà Hoàng Thị Thúy Hằng, trú tại tổ 10, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2012, Công ty IG mở chi nhánh tại Thái Nguyên. Được bạn bè giới thiệu, cũng như tin vào lời quảng cáo của đại diện công ty rằng đây là công ty làm ăn uy tín, đã được các cơ quan chức năng cấp phép cho hoạt động nên bà Hằng và nhiều người khác đã tin tưởng nộp tiền tham gia vào Công ty IG để kinh doanh.

Các bị hại trong vụ án Công ty IG phản ánh đến Báo CAND về việc chưa được thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

“Vậy nhưng, trong quá trình kinh doanh, công ty liên tục thông báo sập mạng, không khớp lệnh, thay đổi lệnh chúng tôi đã đặt. Cùng với đó, đại diện công ty luôn khuyến khích, dụ dỗ khách hàng tiếp tục nạp thêm tiền vào tài khoản để giữ tài khoản khỏi bị “cháy”. Tiếp tục tin tưởng và đầu tư nên chúng tôi lại vay mượn để nạp tiền tiếp tục tham gia kinh doanh. Tuy nhiên, tiền cứ nạp đến đâu là lại “bốc hơi” đến đó”, bà Hằng cho hay.

Theo thông tin bà Hằng cung cấp, tổng số tiền đã mất vào công ty này là 850 triệu đồng. Cũng là bị hại như bà Hằng liên quan đến công ty này còn không ít người khác cũng bị mất những số tiền lớn như: bà Nguyễn Thị Dung (trú tại tổ 4, phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) mất 1,7 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Kim Luyến (trú tại Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội) mất 752 triệu đồng; bà Quách Thị Trang (An Bình, Lạc Thuỷ, Hoà Bình) bị mất 520 triệu đồng…

Sự việc vỡ lở khi tháng 2/2015, nhóm nhà đầu tư này biết thông tin công ty hoạt động vi phạm pháp luật và một số người của công ty bị bắt. Công ty và nhiều cá nhân liên quan đã bị cơ quan Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội điều tra về hành vi kinh doanh trái phép và sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhóm bị hại này sau đó đã làm đơn trình báo cơ quan Công an, quá trình điều tra cho đến xét xử vụ án liên quan đến Công ty IG sau đó, bà Hằng đều có mặt. Sau hai phiên toà sơ thẩm ngày 8/12/2018 và phúc thẩm ngày 11/9/2019 và có bản án, nhóm bị hại đã trực tiếp xuống làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội và làm đơn yêu cầu thi hành án.

“Bản án của toà án quyết định, về trách nhiệm dân sự các bị cáo phải bồi thường cho cả trăm bị hại bằng tiền và có số tiền phải bồi thường cụ thể. Chẳng hạn như chị Hoàng Thị Thúy Hằng được bồi thường số tiền 850 triệu đồng, chia theo kỷ phần mỗi bị cáo phải nộp 425 triệu đồng, tôi được bồi thường số tiền 1,7 tỷ đồng, chia theo kỷ phần mỗi bị cáo phải nộp 850 triệu đồng. Tuy vậy, từ đó đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ quyền lợi gì dù vụ án này có nhiều vật chứng và tài sản được toà án quyết định làm tài sản để đảm bảo thi hành án”, bà Dung buồn rầu nói.

Vấn đề đáng nói, theo bà Dung là ngay khi bản án có hiệu lực, các bị hại đã làm đơn yêu cầu thi hành án theo đúng quy định, nhưng suốt thời gian dài vừa qua dù không được thi hành án nhưng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cũng không trả lời thoả đáng. Thậm chí việc mỗi lần cơ quan này thay đổi chấp hành viên cũng không có thông báo cho các đương sự.

“Cơ quan thi hành án không có bất cứ văn bản nào trả lời chúng tôi. Khi được hỏi về số tiền, vàng và sổ đỏ nhà đất Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã thu được sao chưa trả cho người dân thì chúng tôi chỉ được nghe qua chấp hành viên là ưu tiên chi trả cho Nhà nước trước rồi mới đến các bị hại, rồi thiếu căn cứ xử lý hiện vật, bản án tuyên thiếu… Việc đi đòi lại quyền lợi dù đã có quyết định của toà án rồi mà cũng khiến chúng tôi rất mệt mỏi”, bà Dung nói.

Lấy nhiều lý do để không trả lời

Hành vi phạm tội của các bị can trong hoạt động của Công ty IG là hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức lừa đảo thương mại điện tử thông qua hoạt động kinh doanh trên phần mềm MT4 (vàng tài khoản).

Theo bản án, vật chứng mà cơ quan điều tra thu giữ gồm nhiều tài sản như 341 loại mẫu vật là đồ trang sức của Công ty IG (nhẫn, bông tai, dây chuyền, vòng tay), két sắt, máy tính, điện thoại. Cùng với đó, nhiều tài sản là hiện vật, các hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sở dụng đất của các bị can cũng được toà án quyết định tạm giữ làm tài sản đảm bảo để thi hành án. Các tài khoản của Công ty IG và một số bị cáo cũng được phong toả để đảm bảo thi hành án… Cũng theo bản án, về vật chứng tịch thu xung quỹ Nhà nước gồm 6 case máy tính, 3 màn hình máy tính, 17 máy tính, 2 máy tính bảng, 1 ipad cùng một số điện thoại di động, 1 xe máy Vespa…

Rõ ràng, vụ việc này có tài sản để thi hành án nhưng tại sao quá trình kéo dài nhiều năm mà Cục Thi hành án dân sự Hà Nội chưa thi hành án được để trả lại tài sản cho các bị hại?

Sau khi nhận được phản ánh của nhóm bị hại trong vụ án này, PV Báo CAND đã liên hệ với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về lý do vì sao có sự chậm trễ thi hành án, vướng mắc là gì, quyền lợi của các bị hại trong vụ án sẽ được đảm bảo ra sao? Từ ngày 28/5, PV Báo CAND đã liên lạc với lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội để xác minh sự việc, đảm bảo sự việc được thông tin khách quan. Sau đó, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự Hà Nội đã phản hồi và cho biết sẽ cho các đơn vị chức năng chuẩn bị tài liệu rồi liên lạc lại.

Sau nhiều ngày, phía Văn phòng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội liên lạc lại và đặt lịch làm việc. Thế nhưng khi PV đến Cục Thi hành án dân sự Hà Nội làm việc theo lịch hẹn và xuất trình Thẻ Nhà báo để làm việc theo đúng quy định trong Điều 25, Luật Báo chí thì được phía văn phòng trao đổi chỉ tiếp nhận thông tin, đồng thời yêu cầu phải về chuẩn bị giấy giới thiệu công tác cùng những nội dung cần xác minh để gửi lại cho Cục theo quy định.

Thuận theo yêu cầu và mong muốn sớm có được thông tin từ phía Cục, PV đã gửi giấy giới thiệu công tác cùng nội dung cần xác minh thông tin. Vậy nhưng, sau khi gửi giấy tờ sang, phía văn phòng Cục lại đưa lý do là Cục không chấp nhận giấy giấy thiệu mà phía Báo CAND phải làm... công văn. Cho đến nay, sau hơn một tháng rưỡi, nhóm PV Báo CAND vẫn chưa nhận được những thông tin cần thiết về vụ việc này từ phía Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.  

Theo luật sư Trương Anh Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi bản án đã có hiệu lực mà 6 năm chưa thi hành án được thì đây là khoảng thời gian rất dài cho một vụ có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, nguyên nhân nào dẫn đến không thi hành án được là vấn đề cần phải được xem xét.

“Quá lâu, mà không thi hành án được, người dân cần có ý kiến, có thắc mắc bằng lời nói hoặc bằng văn bản, cơ quan thi hành án cần có trách nhiệm ra văn bản trả lời, giải thích cho người được thi hành án. Các trường hợp quá lâu, người được thi hành án cần có văn bản trả lời về việc đã quá hạn tại sao vẫn không được đảm bảo quyền lợi. Cơ quan thi hành án phải trả lời về việc vướng mắc ở đây là gì? Khó khăn ở đâu?”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

P.Hoạt - N.Hương

Sáng 28/8, vaccine mới ngừa 23 chủng phế cầu với tên gọi Pneumovax 23 do MSD (Mỹ) sản xuất đã chính thức triển khai tiêm tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC. Vaccine dành cho trẻ từ 2 tháng, người cao tuổi có bệnh nền phòng bệnh lý nguy hiểm do phế cầu gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết…

Liên quan đến vụ án "đưa, nhận hối lộ" xảy ra tại Sở Công thương tỉnh Lai Châu, ngày 28/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Trọng Thức (SN 1981, ĐKTT: tổ 10, phường Tân Phong, TP Lai Châu) là Phó giám đốc Sở Công thương về hành vi nhận hối lộ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả học bạ 3 năm phổ thông lên 50% ( trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) trong xét tốt nghiệp THPT 2025 nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh.

Ngày 28/8, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè đã có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi giấy phép thành lập Trường Tiểu học, THCS và THPT quốc tế Mỹ - AISVN (Trường Quốc tế Mỹ).

Do Công ty Xuyên Việt Oil không đủ điều kiện để được cấp giấy phép nên Mai Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil đã đưa hối lộ cho Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (TTTN), Bộ Công thương 400 triệu đồng và 1 đồng hồ Patek Philippe.

Ngày 28/8, thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với khách sạn Diamond Hotel (khu đô thị Phương Đông, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) về các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên chiều 28/8 cho biết, chỉ trong vòng một tuần (21-28/8), đã có 4 người dân ở tỉnh này trình báo bị sập bẫy lừa trên không gian mạng từ chiêu trò kêu gọi đầu tư tài chính vào các hoạt động kinh doanh dịch vụ thu lợi nhuận cao, nhưng kết cục cả 4 nạn nhân đã mất trắng gần 7 tỷ đồng.

Mặc dù là Chủ tịch và là chủ tài khoản của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Hải Dương nhưng Mai Xuân Anh đã thiếu trách nhiệm, không tiến hành kiểm tra, đối chiếu với các quy định về công tác tài chính của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam… đã ký duyệt ban hành các văn bản sai phạm, gây thất thoát cho LĐLĐ tỉnh Hải Dương hơn 20 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp, chủ đầu tư; xử lý các hành vi "thổi giá", "làm giá", đầu cơ và hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có).

Nhận lại chiếc ĐTDĐ chứa nhiều dữ liệu quan trọng, ông Teo Hwee Beng cảm kích trước hành động nhanh, gọn lẹ trong công tác phá án của Công an TP Hồ Chí Minh, giúp du khách an tâm khi tham quan, làm việc tại thành phố này…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文