Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

08:30 05/06/2024

Điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình. Điều này gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh...

Thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tiếp giáp với núi rừng, phong cảnh làng quê thật yên bình. Nhiều gia đình ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh miền Trung vào đây mua đất, xây nhà để an dưỡng tuổi già. Cùng với nỗ lực của bà con địa phương, một bộ phận từ nơi khác tới đây sinh sống cũng đã góp phần xây dựng vùng đất Đông Thanh ngày càng khang trang, khởi sắc.

Trại chăn nuôi heo của gia đình anh N.H.C ở xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà gây ô nhiễm môi trường.

Thế nhưng, điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình. Điều này gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh. Đã có không ít trường hợp, vì chất thải từ chuồng trại chăn nuôi heo tự phát ảnh hưởng tới môi trường mà đã gây ra chuyện xích mích, “cơm không lành, canh chẳng ngọt” giữa các gia đình với chủ chuồng trại chăn nuôi heo.

Một người ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà cho biết, vì muốn tình làng nghĩa xóm thuận hòa, nhiều năm qua gia đình ông cố gắng chịu đựng mùi hôi từ chuồng heo của gia đình anh N.H.C. Mỗi khi mưa xuống nắng lên, thời tiết thay đổi, nhất là hôm đúng luồng gió, những gia đình gần chuồng nuôi heo của gia đình anh C phải “hứng” trọn mùi hôi. “Những ngày như thế, tôi chỉ biết đóng kín cửa để hạn chế mùi hôi từ khu vực chuồng heo bốc lên!...”, người đàn ông có nhà gần chuồng heo nói.

Cách đây hơn 1 năm, ông N.V.L, từ tỉnh Bình Dương lên mua đất ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà xây cất nhà để nghỉ dưỡng tuổi già. Gần đây, các cháu được nghỉ hè, ông L đưa con cháu lên xã Đông Thanh nghỉ dưỡng, tránh nắng nóng. Căn nhà của gia đình ông L mùa này đúng luồng gió từ chuồng heo của anh C thổi lên. Con cháu của ông L chẳng biết mùi hôi này bắt nguồn từ đâu, chỉ than phiền rằng “mùi gì thối vậy ông?...” rồi vào nhà đóng kín cửa lại.

Trong khi đó, người nhà anh C cho biết, chuồng heo trên chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép về chăn nuôi vì “quy mô nhỏ lẻ” theo hộ gia đình. Gia đình anh C cũng thừa nhận, việc chuồng heo có mùi là không thể tránh khỏi. Vợ anh C cho biết, số lượng heo thịt ở trong chuồng hiện không nhiều. Khi chị nói 50 con, lúc 60 con, khi nói chưa tới 100 con. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, gia đình anh C không cho ai vào khu vực chuồng trại nên số lượng heo chính xác gia đình anh C đang nuôi người ngoài không ai hay biết. Chất thải từ chuồng heo của gia đình anh C được đưa ra một hố lộ thiên kề đó đã đầy, không có biện pháp che chắn. Cách chuồng trại và hố chứa phân heo này khoảng 20m là một suối nước chảy qua.

Tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, cách gia đình anh C khoảng 500m là trại chăn nuôi heo được cơ quan chức năng cấp phép của gia đình ông Ngô Văn Giang. Đây là trại heo lớn nhất khu vực, được gia đình ông Giang liên kết với một doanh nghiệp để chăn nuôi. Con gái ông Giang cho biết, toàn bộ khu chuồng trại được căng lưới chống ruồi, phun thuốc sát trùng cũng như các chế phẩm chống mùi hôi thối, xây dựng bể chứa phân nhiều lớp… mới ngăn được mùi hôi từ chuồng trại. Tuy nhiên, trại heo này cũng đã hai lần vi phạm các quy định, để chất thải chảy ra môi trường và bị UBND xã Đông Thanh phạt vi phạm hành chính.

Ông Đào Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết, hiện trên địa bàn còn rất ít gia đình chăn nuôi heo tự phát. Địa phương có hai trang trại nuôi heo được cơ quan chức năng cấp phép. Trại heo của gia đình ông Ngô Văn Giang, ngay khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã cử lực lượng xuống kiểm tra, phát hiện có vi phạm đã lập biên bản xử lý và phạt hành chính 2 lần. Riêng chuồng trại chăn nuôi heo tự phát của gia đình anh N.H.C, ông Tám cho biết sẽ cho lực lượng chức năng tới kiểm tra, vận động người dân chấp hành đúng quy định của pháp luật về chăn nuôi. “Nếu phát hiện có vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý ngay để tránh làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh và các gia đình khác!...”, ông Tám nói.

Tình trạng chuồng trại chăn nuôi heo ảnh hưởng tới môi trường tại Lâm Đồng xảy ra rất phổ biến. Mới đây, nhiều gia đình ở tổ dân phố 19, phường 2, TP Bảo Lộc, đã bức xúc phản ánh tới cơ quan chức năng về trại heo của gia đình bà N.T.L. Ngay trong khu dân cư ở thành phố nhưng trại heo của gia đình bà L vẫn tồn tại suốt 5 năm qua. Chất thải của trại heo này đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của khoảng 50 hộ dân.

Ông Lê Đức Anh, có nhà gần trại heo của bà L phản ánh: “Nhiều năm qua, gia đình tôi cùng hàng chục hộ dân trong khu vực khốn khổ chịu đựng cảnh hôi thối của phân heo, nước thải bốc ra từ trại chăn nuôi của bà L. Càng ngày tình trạng hôi thối càng trầm trọng khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn!...”.

Tương tự, người dân gần trại chăn nuôi heo của Trường Thịnh Farm (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh) cũng đang sống trong cảnh quanh năm suốt tháng chịu đựng mùi hôi phát ra từ trại heo này. Trước những phản ánh của người dân, mới đây cơ quan chức năng đã thu thập các mẫu để phân tích mức độ ô nhiễm tại khu vực quanh chuồng trại chăn nuôi heo Trường Thịnh Farm. Đối với gia đình bà L ở phường 2, TP Bảo Lộc, cơ quan chức năng đã yêu cầu bà L di chuyển đàn heo ra khỏi chuồng trại gây ô nhiễm môi trường, không được tái đàn và di dời chuồng trại ra khỏi khu vực trên trước ngày 31/12/2024.

Khắc Lịch

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文