Kiến nghị xử lý liên quan đến sai phạm tại hồ chứa nước Yên Ngựa

08:19 04/11/2022

Ngày 2/11, thông tin từ HĐND tỉnh Đắk Lắk cho hay, Đảng đoàn HĐND tỉnh đã có báo cáo kết quả khảo sát đánh giá hiệu quả, tính khả thi của việc triển khai dự án hồ chứa nước Yên Ngựa (nằm trên địa bàn xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, xã Yang Tao và xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo kết quả khảo sát, năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành công văn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Yên Ngựa. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn (BQLDA) tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 305,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 207 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) 27,5 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 4,174 tỷ đồng; chi phí tư vấn 12,58 tỷ đồng; chi phí khác 13,703 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 40 tỷ đồng.

Dự án có tổng diện tích thu hồi hơn 115ha, thời gian thực hiện từ 2018-2022. Mục tiêu của dự án hồ chứa nước Yên Ngựa nhằm cung cấp nước tưới cho 350ha lúa nước tại huyện Lắk, 400ha cây trồng các loại tại huyện Cư Kuin. Đồng thời, ổn định nguồn nước cho hệ thống kênh, giếng phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi. Mặt khác, góp phần làm giảm tác động biến đổi khí hậu, cắt lũ cho khu vực hạ lưu; tạo cảnh quan môi trường, khai thác tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư... góp phần thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân trong khu vực.

Cũng theo kết quả khảo sát, đến nay có 6 phương án GPMB đã được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng (tăng hơn 32,2 tỷ đồng so với kế hoạch đã được phê duyệt). Tuy nhiên, theo báo cáo của chủ đầu tư, nếu lập và phê duyệt tất cả các phương án bồi thường, GPMB cho toàn bộ diện tích hơn 115,2ha thì kinh phí có thể lên đến hơn 180 tỷ đồng (tăng hơn 142 tỷ đồng so với phương án cũ). Đến nay, dự án hồ chứa nước Yên Ngựa triển khai chậm tiến độ so với quyết định chủ trương đầu tư là do chưa thực hiện xong công tác bồi thường GPMB. Đến ngày 19/8, tổng giá trị hoàn thành của dự án trên tổng giá trị hợp đồng xây lắp đã ký 13,83 tỷ đồng/198,3 tỷ đồng (đạt 6,97%).

Khung cảnh hoang tàn tại dự án hồ chứa nước Yên Ngựa.

Liên quan đến những tồn tại, bất cập của dự án, theo báo cáo của chủ đầu tư, thời điểm khái toán chi phí bồi thường GPMB, lập hồ sơ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, việc xác định kinh phí bồi thường GPMB áp dụng đơn giá đất theo Quyết định 43 ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện bồi thường GPMB lại áp dụng đơn giá đất theo Quyết định 22 ngày 3/7/2020. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí bồi thường, GPMB so với phê duyệt nhưng chưa được báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vốn kịp thời để thực hiện. Từ đó dẫn đến chậm tiến độ thi công, gây ra tình trạng bức xúc, khiếu kiện trong nhân dân. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của trung ương có sẵn nhưng không được dùng làm chi phí bồi thường GPMB”, báo cáo chủ đầu tư lý giải.

Cũng theo chủ đầu tư, đến nay đơn vị đã ký hợp đồng xây lắp tổng giá trị 198,3 tỷ đồng, vượt 36,1 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 theo chủ trương của HĐND tỉnh phê duyệt và kế hoạch bố trí vốn của UBND tỉnh (162,192 tỷ đồng). Bên cạnh đó, triển khai việc thi công xây dựng khi chưa hoàn thành công tác đền bù GPMB cho đơn vị thi công; tỷ lệ tạm ứng vốn cao nhưng tỷ lệ hoàn ứng rất thấp…

Đánh giá hiệu quả, tính khả thi của việc triển khai dự án hồ chứa nước Yên Ngựa, Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc triển khai dự án có những tồn tại, bất cập và chưa hoàn thiện đưa vào khai thác. Đến thời điểm hiện tại, dự án chỉ mới thực hiện được một phần công tác đền bù, GPMB và khối lượng xây lắp rất thấp. Bên cạnh đó, việc khảo sát thực tế mang tính trực quan của Thường trực HĐND tỉnh và các số liệu, thông tin chủ yếu dựa vào báo cáo, hồ sơ của các cơ quan, đơn vị cung cấp nên chỉ có thể đánh giá khái quát thực trạng triển khai dự án, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Không chỉ vậy, chưa đủ cơ sở khoa học chuyên môn và thực tiễn để đánh giá đầy đủ tính hiệu quả, tính khả thi, mức độ tác động của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk nhận định, nếu dừng triển khai dự án, áp lực bố trí vốn đầu tư công của tỉnh sẽ giảm. Tuy nhiên, Trung ương sẽ rút vốn, trong khi đó nguồn vốn Trung ương phân bổ đã được tạm ứng trên 88%; khối lượng đang xây lắp dang dở sẽ gây ra tình trạng lãng phí và dư luận không tốt trong nhân dân.

Mặt khác, chủ trương, mục tiêu của dự án không đạt được, người dân không được thụ hưởng lợi ích từ dự án và tỉnh phải giải quyết hậu quả phát sinh từ việc dừng triển khai dự án. Trường hợp tiếp tục triển khai dự án đảm bảo tiến độ, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, địa phương và nhân dân trong vùng dự án ít nhiều sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh vốn đầu tư công trung hạn, kể cả nguồn dự phòng giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã được phân bổ hết... sẽ tạo áp lực về cân đối vốn đầu tư công của tỉnh.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị triển khai rà soát tổng thể, đánh giá khả năng sinh thủy của hạng mục hồ chứa nước Yên Ngựa. Đồng thời, cân nhắc xem việc giảm diện tích đền bù GPMB, điều chỉnh quy mô có ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án, dung tích chứa nước và tác động đến dân sinh hay không. Mặt khác, rà soát, xác định chính xác diện tích đất cần phải thu hồi và toàn bộ kinh phí bồi thường GPMB tương ứng, chi phí xây dựng, tránh việc phát sinh nhu cầu vốn. Ngoài ra, Đảng đoàn HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đến tồn tại, bất cập trong việc triển khai dự án...

Văn Thành

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文