Kỳ cuối: “Tôi sẽ chủ trì họp ngay!”
Tại buổi làm việc với PV Báo CAND ngay khi chúng tôi đề cập đến nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật tại dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh, ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng) đã cho biết như thế. “Với tư cách là Bí thư Huyện ủy, tôi sẽ chủ trì họp ngay để kiểm tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị theo kết luận thanh tra, mời lãnh đạo và Thanh tra Sở TN&MT, UBND huyện cùng cơ quan chức năng để tiếp tục thống nhất giải pháp trước những việc còn tồn đọng. Khó mấy cũng phải làm; quyền lợi chính đáng của người dân thì phải đảm bảo”, ông Hùng bộc bạch quan điểm khi đề cập đến việc khắc phục hậu quả do sai phạm khi thực hiện dự án vừa kể.
Mở đầu cuộc làm việc, ông Tô Văn Hùng cho biết khi ký ban hành kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này, ông chưa được phân công về huyện Hòa Vang mà còn là Giám đốc Sở TN&MT. “Vì vậy, tôi nhớ rất kỹ. Mấy anh bên Ủy ban chưa chắc hiểu vụ này bằng tôi”, ông Hùng khẳng định và cho biết thêm, do tính chất phức tạp của vụ việc, dù đã 4 năm trôi qua nhưng đến giờ, khối lượng việc khắc phục hậu quả do sai phạm mới chỉ hơn 60%; phần việc còn lại là những việc khó, thậm chí… rất khó.
Xử lý trách nhiệm: Giơ cao đánh khẽ (?)
Khi đánh giá về những tồn tại, hạn chế, sai sót, khuyết điểm vi phạm của UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan, đơn vị, cá nhân khi triển khai thực hiện dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh, Kết luận thanh tra số 13/KL-STNMT do Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng ký ban hành 4 năm trước (ngày 8/12/2020) cho rằng “do việc nhận thức về pháp luật đất đai tại thời điểm đó còn hạn chế, một phần do áp lực về việc phải nhanh chóng chuyển nhượng được đất để có nguồn thu đầu tư cơ sở hạ tầng đưa dự án đi vào hoạt động…”.
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan hàng loạt sai phạm khi thực hiện dự án, trong nội dung kiến nghị tại kết luận thanh tra, tuy có nội dung phụ lục chỉ ra cụ thể Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện và các phòng chuyên môn khi đó (BQL dự án, Phòng Kế hoạch Tài chính, Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hòa Vang - nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại huyện Hòa Vang) và các tổ chức, cá nhân, nhưng theo Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng, sau khi kiểm điểm, hình thức kỷ luật nặng nhất chỉ là khiển trách, chủ yếu là phê bình rút kinh nghiệm. Khi chúng tôi hỏi cụ thể “Những ai bị khiển trách?”, ông Hùng không nhớ và xin “nợ” nội dung làm việc này, để ông cho… kiểm tra lại.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, trong số hàng chục cá nhân có liên quan đến sai phạm tại dự án này, có nhiều người đã nghỉ hưu nhưng cũng có không ít người đương chức, đã về vị trí công việc mới (đều thuộc huyện Hòa Vang). Chẳng hạn như số cán bộ tại Phòng TN&MT, có ông Lê Đức Toại hiện là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Liên; Lê Thị Phước Oanh hiện là Trưởng BQL chợ trung tâm huyện; Trần Văn Tấn giờ là chuyên viên Ban giải phóng mặt bằng huyện…
Riêng đối với ông Phan Văn Tôn, hiện là Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thời điểm thực hiện dự án trải qua nhiều vị trí, lúc là cán bộ, lúc là lãnh đạo Ban QLDA và Phòng Tài chính Kế hoạch. Chính vì vậy, ông này cũng là người liên quan đến hàng trăm hồ sơ… có vấn đề. Cụ thể, theo tài liệu chúng tôi có được, ông Tôn liên quan trực tiếp đến việc cấp sai đối tượng 55 hồ sơ (người ngoài địa phương); tách thửa không đúng quy hoạch 51 hồ sơ; hợp thửa không đúng quy hoạch 17 hồ sơ; tự điều chỉnh quy hoạch 27 hồ sơ; chuyển mục đích từ khu đất công cộng 8 hồ sơ; giảm 10% đơn giá cho 3 hồ sơ; thiếu tên người sử dụng đất trên sổ hồng so với quyết định giao đất 36 hồ sơ. “Anh Tôn cũng bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, ông Tô Văn Hùng cho biết.
Khi chúng tôi nêu vấn đề mà dư luận thời gian qua râm ran cho rằng có biểu hiện “giơ cao đánh khẽ” đối với những cán bộ liên quan sai phạm này, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng cho biết, đây là dự án rất đặc biệt, trong đó có việc huyện được giao làm chủ đầu tư dự án. “Dự án được triển khai lại kéo dài cả chục năm, Hòa Ninh thời điểm đó còn khá heo hút. Kết thúc thanh tra, khi đặt vấn đề xử lý trách nhiệm cán bộ, chúng tôi có sự cân nhắc, đặt những tồn tại, thiếu sót trong bối cảnh chung của Đà Nẵng khi đó có thể là phù hợp, nhưng đem tham chiếu theo quy định pháp luật thì thấy sai nhiều…”, ông Tô Văn Hùng nói thêm.
Có những việc rất khó có thể khắc phục
Có tất cả 7 nội dung mà Sở TN&MT yêu cầu huyện Hòa Vang khắc phục hậu quả, sau khi có ý kiến của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng. Ngoài nội dung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm như chúng tôi vừa kể, huyện Hòa Vang được yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý quy hoạch. “Sau vụ việc này, tôi tin chắc không còn kiểu làm như dự án này”, ông Hùng cho biết.
Nhắc lại một số sai phạm liên quan đến dự án, trong đó có sự tùy tiện phân lô, tách thửa không tuân theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt của cấp thẩm quyền, ông Hùng cho biết việc khắc phục hậu quả đang gặp khó khăn. “Một số người ở ngoài địa phương là người mua lại, họ là nhà đầu tư thứ cấp, họ ngay tình; mời họ phối hợp thôi đã là việc khó. Tách hay nhập thửa lại đều đụng quyền lợi của người ta. Qua theo dõi tôi thấy huyện còn rất lúng túng. Việc điều chỉnh rất khó; điều chỉnh như thế nào đây?”, ông Hùng băn khoăn.
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang cho biết trong số 55 trường hợp giao đất từ dự án này không đúng đối tượng so với chủ trương phê duyệt ban đầu, có 39 trường hợp nhận chuyển nhượng lại (thứ cấp); 16 trường hợp còn lại, huyện liên hệ rất nhiều lần nhưng họ không hợp tác. “Sắp tới tôi sẽ kiến nghị Sở TN&MT để tập trung xử lý các trường hợp này. Nguyên tắc cấp sai đối tượng là phải thu hồi”, ông Hùng cho biết. Tuy nhiên, ông Hùng cũng đồng quan điểm với chúng tôi, “đây cũng là việc không hề đơn giản”.
Đối với phần việc kiểm tra, rà soát lại các trường hợp thu tiền sử dụng đất không phù hợp với thời điểm quyết định giao đất để truy thu, nộp bổ sung vào ngân sách theo quy định, theo ông Hùng đây cũng là nội dung vướng mắc nhất mà huyện cũng đang rất lúng túng. “Theo phê duyệt, dự án chỉ thực hiện trong hai năm 2004 đến 2005 nhưng thực tế dự án này lại kéo dài đến nhiều năm sau đó, thậm chí đến 2013 vẫn còn ký giao đất nhưng huyện vẫn áp dụng giá cũ. Trong khi thời điểm đầu không có bảng giá đất cho khu vực dự án mà cũng không có cái gì khác để căn cứ. Nguyên tắc là giao đất khi nào thì áp dụng giá đất lúc đó. Nhưng cũng theo nguyên tắc, nếu giao đất không đúng giá, thì phải truy thu để tránh thất thoát ngân sách”, ông Hùng nói.
Trong nội dung cuối yêu cầu khắc phục hậu quả có liên quan đến phần việc xác định chính xác mốc giới, ông Hùng khẳng định đây cũng là việc không đơn giản, rất cần thêm thời gian. Nhìn nhận việc này càng chậm được tiến hành dứt dạt thì người dân vẫn còn bức xúc nhất là khi quyền làm nhà, quyền chuyển nhượng,… bị “neo”, ông Hùng nói ông có nghĩ đến phương án cho người dân làm… cam kết. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận có nhiều khi cam kết chẳng có ý nghĩa gì; người dân không chịu cam kết thì cũng không thể bắt buộc họ…
Đánh giá khối lượng khắc phục theo kết luận thanh tra sau 4 năm kể từ ngày do chính mình ký nội dung ban hành, ông Hùng nhận định có thể đã đạt trên 60%. “Nhưng 40% còn lại là những việc khó, thậm chí… rất khó. Kết luận đã chỉ ra thì phải làm và huyện cũng muốn làm dứt điểm nhưng do khó quá nên đến nay chưa xong”, ông Hùng nhìn nhận và cho rằng, muốn làm được thì lãnh đạo các sở, ngành phải ủng hộ giải pháp linh hoạt của huyện đưa ra. Bởi nếu nặng suy nghĩ sợ sai, không dám làm thì không biết đến khi nào hậu quả mới được khắc phục, tháo gỡ xong.
“Tôi đặc biệt quan tâm đến câu chuyện này. Với tư cách là Bí thư Huyện ủy, tôi sẽ sớm chủ trì cuộc họp kiểm tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị theo kết luận thanh tra, mời lãnh đạo và Thanh tra Sở TN&MT, UBND huyện cùng cơ quan chức năng để tiếp tục thống nhất giải pháp trước những việc còn tồn đọng. Khó mấy cũng phải làm; quyền lợi chính đáng của người dân phải đảm bảo. Mình cứ đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên trên, mọi việc phải minh bạch, đặt ra mọi tình huống - nếu theo tình huống này, làm được/không được, đối diện cái gì, tôi có niềm tin là sẽ làm được”, ông Tô Văn Hùng bộc bạch quan điểm khi đề cập đến việc khắc phục hậu quả do sai phạm khi thực hiện dự án Khu kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh.
Dư luận và người dân đang rất quan tâm, dõi theo sự… khẩn trương tiếp theo của Hoà Vang sau 4 năm ì ạch thực hiện kết luận thanh tra. Đây cũng là một câu chuyện về lãng phí đất đai. Chưa biết khi nào mới đến hồi kết?