Lộ diện nhiều sai phạm tại Bệnh viện Nam Thăng Long và GTVT TP Hồ Chí Minh
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT TP Hồ Chí Minh.
Kết quả vừa được công bố cho thấy, còn hàng loạt tồn tại trong việc đấu thầu, lựa chọn nhà thầu chưa rõ ràng và mua vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm với giá cao hơn so với giá nhập khẩu…
Mua test nhanh giá cao
Theo báo cáo của hai bệnh viện, năm 2020 cả hai bệnh viện đều không mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm… phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2021, Bệnh viện Nam Thăng Long sử dụng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để thực hiện mua sắm nhỏ lẻ vật tư y tế với giá trị 40,25 triệu đồng, tổ chức đấu thầu 3 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm với giá trị là 4,901 tỷ đồng; giá trị thực tế đơn vị đã nhận hàng, trả tiền cho nhà cung cấp là 1,662 tỷ đồng.
Cùng thời gian này, Bệnh viện GTVT TP Hồ Chí Minh sử dụng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để thực hiện mua sắm sinh phẩm xét nghiệm nhỏ lẻ với giá trị là 0,165 tỷ đồng; tổ chức đấu thầu 28 gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm với giá trị là 14,509 tỷ đồng; giá trị thực tế đơn vị đã nhận, trả tiền cho nhà cung cấp là 12,978 tỷ đồng.
Các đơn vị báo cáo là vậy, song khi đi vào thanh kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện cả hai bệnh viện chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Liên quan đến trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu, Thanh tra Bộ GTVT cũng chỉ rõ, cả hai bệnh viện chậm công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống đấu thầu quốc gia (tổ chức đấu thầu từ tháng 7,8,9/2021, đến tháng 12/2021 và tháng 3/2022 mới công khai trên hệ thống đấu thầu quốc gia).
Đối với Bệnh viện Nam Thăng Long, đoàn thanh tra cũng nhận thấy, Giám đốc Bệnh viện phân công nhiệm vụ thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu cho các phòng, ban chức năng chưa rõ ràng. Với gói thầu mua test nhanh định tính kháng nguyên SARS-CoV-2, bệnh viên đã tiến hành lựa chọn xong nhà thầu Công ty TNHH Dịch vụ thiết bi y tế Nam Hoàng và ký hợp đồng với giá trị trúng thầu là 3,192 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2022) hợp đồng chưa được thực hiện. Tương tự, với Bệnh viện GTVT Hồ Chí Minh, ngày 7/7/2021, bệnh viện mua sắm khay thử xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 (Test Trueline COVID-19) với giá trị 135 triệu đồng (đơn giá là 135.000đ/test) không qua tổ chức đấu thầu là chưa phù hợp với quy định về đấu thầu.
Bên cạnh đó, thanh tra của Bộ GTVT cũng chỉ rõ, các bệnh viện mua vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm (test nhanh) với giá cao hơn so với giá nhập khẩu, giá đơn vị sản xuất bán, dẫn đến chưa tiết kiệm kinh phí của đơn vị. Một số nhà thầu thiếu hồ sơ tài liệu để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng các vật tư y tế, sinh phẩm xét nhiệm như hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng, hoá đơn tài chính, một số tờ khai hải quan không có số liệu về đơn giá nhập khẩu sinh phẩm; 1 đơn vị, chưa cung cấp tờ khai hải quan. Liên quan đến cấu hình kỹ thuật, nhãn mác, xuất xứ, chất lượng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, theo báo cáo của bệnh viện, tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2022) các loại vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm được mua sắm trong năm 2021 đã được sử dụng hết, không còn mẫu lưu tại bệnh viện. Do đó, không đủ căn cứ kiểm tra, đánh giá về cấu hình kỹ thuật, nhãn mác, xuất xử, chất lượng vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm.
Trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc hai bệnh viện
Thanh tra Bộ GTVT khẳng định, trách nhiệm liên quan đến các tồn tại, hạn chế nêu trên thuộc giám đốc, lãnh đạo hai bệnh viện, trưởng khoa dược và các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Về xử lý trách nhiệm, Thanh tra kiến nghị Giám đốc Bệnh viện Nam Thăng Long và Bệnh viện GTVT TP Hồ Chí Minh kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan; tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý theo phân cấp đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại nêu trên; tuyệt đối không để xảy ra các tồn tại, sai sót tương tự khi tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá; đăng tải công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu; cần khảo sát thị trường, mua trực tiếp từ nhà nhập khẩu, nhà sản xuất, hạn chế mua sắm qua nhiều nhà cung ứng dẫn đén giá mua cao hơn so với giá nhập khẩu, giá nhà sản xuất bán ra để tiết kiệm kinh phí của đơn vị.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa vi phạm, Bộ GTVT cũng kiến nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm, trong đó có một số đơn vị như: Công ty cổ phần Meditronic; Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp Medaz Việt Nam; Công ty cổ phần Á Châu; Công ty TNHH Medicon; Công ty TNHH Humasis Việt Nam; Công ty TNHH Sáu ngôi sao Việt Nam. Đây là những nhà thầu cung cấp sản phẩm nhưng thiếu hoá đơn tài chính hay tờ khai hải quan không có số liệu về đơn giá nhập khẩu sinh phẩm thậm chí có đơn vị chưa cung cấp tờ khai hải quan.