Ngang nhiên xây dựng nhà máy chế biến lâm sản trái phép

10:19 07/08/2022

Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, song một hộ gia đình ở xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã tự ý san lấp mặt bằng hàng ngàn mét vuông đất, xây dựng nhà máy chế biến lâm sản (bóc ván ép, băm dăm) khá hiện đại ngay trong khu dân cư, khiến người dân bất bình.

Mới đây, Báo CAND nhận được thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn thôn Phi Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa về việc: Từ tháng 2/2022 gia đình ông Lê Văn Ân và vợ là bà Trương Thị Lý đã tự ý chuyển đổi khoảng 1,5ha đất nông nghiệp sang xây dựng nhà nhà máy chế biến lâm sản (bóc ván ép, băm dăm) khi chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư...

Quá trình hoạt động, nhà máy này còn gây ồn ào ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh, ngoài ra, mỗi khi trời mưa nước thải còn chảy tràn xuống ruộng lúa xung quanh khi chưa được xử lý...

Chưa có đủ hồ sơ pháp lý nhưng nhà máy này vẫn hoạt động từ đầu năm đến nay.

Để xác minh, làm rõ các nội dung trên, chúng tôi đã vượt quãng đường gần 100km từ thành phố Thanh Hóa đến thôn Phi Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy để tìm hiểu.Thời điểm phóng viên có mặt (ngày 2/8), qua quan sát xung quanh cho thấy, trên bãi đất rộng gần 2ha ở thôn Phi Long, xã Cẩm Long có một tổ hợp nhà máy chế biến lâm sản đang hoạt động rầm rộ, tiếng máy bóc ván, máy băm dăm rền vang cả một vùng. Tại đây có hai khu độc lập, một bên dùng để bóc ván ép, bên kia là hoạt động băm dăm với 2 băng chuyền, khi phóng viên có mặt nhiều công nhân đang làm việc ở đây, trên bãi nhiều xe ôtô ra vào, xe cẩu liên tục đưa gỗ vào máy băm dăm... Trên bãi đất rộng, nhiều sạp ván ép đang được công nhân trải ra phơi nắng, cạnh đó có rất nhiều gỗ keo đang được tập kết chờ cho vào máy...

Trao đổi với phóng viên, một người dân địa phương (xin giấu tên) cho hay, trước đây bãi đất này chỉ là nơi tập kết gỗ keo của gia đình ông Ân, bà Lý. Từ đầu năm 2022, thì xây dựng thành nhà máy chế biến gỗ keo. Từ ngày xây dựng nhà máy, hoạt động của máy móc gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh, nhất là việc học hành của trẻ nhỏ và thời gian nghỉ ngơi của người già, bởi có nhiều hôm nhà máy hoạt động từ sáng sớm tới khuya... Ngoài ra, những hôm trái gió trở trời, mùi hăng của bãi gỗ bốc lên nồng nặc rất khó chịu.

Ông Trần Thái Hòa - Trưởng thôn Phi Long xác nhận, thời gian đầu nhà máy mới đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn có phản ánh việc nhà máy hoạt động quá giờ, ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Sau đó thôn đã có ý kiến với chủ nhà máy và xã về những phản ánh của người dân về thời gian hoạt động của nhà máy, nay đã điều chỉnh lại giờ hoạt động từ 5h sáng đến trước 22h.

Trao đổi với phóng viên về hồ sơ, thủ tục pháp lý hoạt động của nhà máy chế biến lâm sản, ông Lê Văn Ân chủ nhà máy này nói rằng, nhà máy đã được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau xác định lại chưa đúng vị trí nên đang làm lại hồ sơ. Làm việc với ông Bùi Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Long và ông Hàn Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND xã được biết, khu đất ông Ân xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có nguồn gốc là đất do UBND xã Cẩm Long quản lý.

Trước đây, khu vực đó là bãi vàng thổ phỉ, có nhiều mạch đùn nên người dân không sản xuất lúa được, sau đó xã thu hồi và giao thầu cho gia đình ông Ân theo nhiệm kỳ hội đồng (5 năm). Trong hợp đồng cho thuê là 1,7ha nhưng ông Ân đã mua thêm đất ruộng của người dân. Từ khi ông Ân xây dựng nhà máy xã đã xử phạt 2 lần về vi phạm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau đó hộ gia đình này vẫn không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt.

Ông Bùi Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Long cho biết thêm, khu đất xã cho ông Ân thuê vừa mới được xã đưa vào quy hoạch đất thương mại, dịch vụ; hiện chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cẩm Long là xã nghèo, hàng chục năm nay mới có một học sinh đậu đại học, đa phần các em nghỉ học đi làm sớm, xã cũng mong muốn trên địa bàn có hoạt động sản xuất, kinh doanh thúc đẩy kinh tế địa phương nhưng phải đảm bảo quy định của pháp luật.

Từ thông tin phản ánh của người dân, qua xác minh cụ thể của phóng viên có thể khẳng định, những phản ánh của người dân về nhà máy chế biến lâm sản của gia đình ông Lê Văn Ân ở thôn Phi Long, xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy xây dựng, hoạt động trái phép là có cơ sở.

Ông Nguyễn Đình Hùng - Chánh Văn phòng UBND huyện Cẩm Thủy cho hay, UBND huyện Cẩm Thủy sẽ thành lập đoàn liên ngành vào kiểm tra thực tế tại xã Cẩm Long. Khi nào có kết quả sẽ thông tin lại cho phóng viên biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc quy hoạch các nhà máy bóc ván ép và đặc biệt là băm dăm được UBND tỉnh tính toán rất kỹ, đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Nếu nhà máy tự ý lắp đặt máy băm dăm không đúng quy hoạch là không đúng với quy định của pháp luật, ngoài ra dễ xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy đã được quy hoạch và xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình hoạt động.

Trần Thắng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文