Người dân tái định cư thuộc dự án thủy điện A Lưới “khát” đất sản xuất

08:01 18/10/2023

Sau hơn 12 năm đến sinh sống tại Khu tái định cư (TĐC) ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) do phải nhường đất cho dự án (DA) thủy điện A Lưới, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn do đất đai cằn cỗi, thiếu nước nên không thể sản xuất, canh tác.

Thủy điện A Lưới chính thức phát điện vào tháng 6/2012 với công suất lắp đặt máy 170 MW, có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.234 tỷ đồng. Công trình đền bù, hỗ trợ cho 1.318 hộ dân với tổng kinh phí hơn 203 tỷ đồng. Trong vùng lòng hồ có 106 hộ dân thuộc các xã: Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng được TĐC để xây dựng công trình.

Để giải tỏa, di dời các hộ dân nằm trong lòng hồ phục vụ cho DA, năm 2011, Công ty CP Thủy điện miền Trung - chủ đầu tư DA đã xây dựng 2 khu TĐC, định canh tập trung cho các hộ dân. Đến nay, riêng Khu TĐC xã Hồng Thượng được chia thành 2 thôn: A Đên và A Sáp với 174 hộ dân hơn 600 nhân khẩu, trong đó có khoảng 130 hộ nghèo và cận nghèo. Sau nhiều năm xây dựng, đa số các hộ dân ở đây vẫn còn nhiều khó khăn do đất cấp đổi đến vùng TĐC lẫn nhiều đá sỏi, thiếu nước tưới nên không thể sản xuất được. Theo phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại 2 thôn A Đên và A Sáp, sau hơn 12 năm được chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Trác bên hệ thống kênh thủy lợi không phát huy tác dụng.

Anh Nguyễn Văn Trác (36 tuổi, Trưởng thôn A Sáp) cho biết, năm 2011, gia đình anh bỏ nơi ở cũ để lên sinh sống ở khu TĐC Hồng Thượng để nhường đất xây dựng thủy điện A Lưới. Khi lên khu TĐC mới, gia đình anh được cấp đổi một ngôi nhà cấp 4 (do phía chủ đầu tư dự án thủy điện đã xây dựng sẵn) và 5 sào ruộng để canh tác. Tuy nhiên, từ đó đến nay ruộng vẫn bỏ hoang do nằm gần nhánh sông A Sáp lẫn nhiều đá, sỏi; không cày cấy được. Thủy điện A Lưới đã đầu tư hệ thống mương nước dẫn về ruộng nhưng nhiều năm nay người dân chưa nhìn thấy nước theo mương chảy về. Không có đất để sản xuất, canh tác, số tiền hỗ trợ ban đầu khi đến tái định cư, người dân cũng ăn hết dần nên các hộ dân ở khu TĐC phải đi làm thuê, làm mướn sinh sống qua ngày.

“Ở nơi cũ, đất phù sa bồi lắng quanh năm nên người dân bản trồng sắn, trồng ngô rất có hiệu quả. Khi chúng tôi giao lại đất cho dự án thủy điện thì họ có hứa nơi mới sẽ tốt hơn, khi lên là bắt tay vào làm thôi. Tuy nhiên, khi lên đến khu TĐC mới sinh sống một thời gian, mới biết là đất không thể sản xuất được. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được gì, rất mong cấp trên có phương án giúp người dân ổn định lâu dài”, anh Trác buồn bã nói.

Chung cảnh ngộ với anh Trác, gia đình chị Hồ Thị Trang ở thôn A Đên, khi chuyển về khu TĐC Hồng Thượng, ngoài ngôi nhà cấp 4, còn được cấp 3 sào ruộng và 200m2 đất vườn. Thế nhưng, đất ruộng vườn toàn sỏi đá nên không thể canh tác sản xuất. Trên mảnh vườn khô cằn, gia đình chị Trang chỉ trồng được mấy luống rau khoai và mấy chục cây keo tràm làm bóng mát.

“Đất đá cằn cỗi lại bạc màu nên rất khó trồng trọt, còn mảnh ruộng nằm sát sông A Sáp thì toàn đá sỏi, không thể cày bừa để gieo giống được. Người dân trong thôn chúng tôi phải làm đủ thứ nghề, từ trồng rừng thuê, bốc vác gỗ keo tràm, làm phụ hồ, thợ xây… để mưu sinh”, chị Trang nói.

Người dân cho biết thêm, không chỉ đất đai khô cằn, lẫn sỏi đá mà nơi đây còn thường xuyên chịu ảnh hưởng mưa lũ. Thời gian đầu, đây là vùng đất cao ráo, không ngập lụt. Nhưng từ năm 2013 đến nay, cứ gặp mưa lớn, nước sông A Sáp chảy về mạnh cộng với nhiều khe suối cắt ngang từ trên đồi cao chảy xuống khu TĐC khiến nước sông dâng lên nhanh, ngập hết thôn làng. Người dân trồng được ít hoa màu, vật nuôi để cải thiện đời sống đều bị nước lũ cuốn trôi…

Việc cấp đổi đất để sản xuất lúa nước cho người dân khu TĐC Hồng Thượng đến nay mới chỉ thực hiện được 9/24ha, diện tích 15ha còn lại không sản xuất được do có nhiều sỏi đá, tầng canh tác không đảm bảo, lượng nước tưới thủy lợi không đủ. Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng Hồ Văn Nhi cho biết, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, các đoàn thể đã nhiều lần huy động các lực lượng giúp người dân cải tạo đất, loại bỏ bớt đá để canh tác. Tuy nhiên lượng đá lớn và hệ thống thủy lợi chưa chủ động được nên người dân không thể sản xuất. Xã cũng đã đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm khảo sát, bố trí khu đất sản xuất mới có diện tích tương ứng 15ha ruộng nước; hoặc nghiên cứu, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diện tích có nhiều đá sỏi hiện nay để phát triển kinh tế có hiệu quả. Nếu không thực hiện được cả 2 phương án trên thì đề nghị Nhà nước đền bù bằng tiền mặt cho người dân để tự chuyển đổi ngành nghề và ban đầu có một ít vốn để phát triển kinh tế gia đình tùy theo điều kiện của mỗi hộ.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất phương án đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu đối với diện tích có khả năng cải tạo sản xuất được lúa nước; đối với diện tích không thể cải tạo, thực hiện đền bù bằng tiền để người dân nhận chuyển nhượng đất lúa nước ở các địa phương liền kề. UBND tỉnh cũng giao UBND huyện A Lưới tham mưu đề xuất chủ đầu tư DA thủy điện A Lưới xem xét, hỗ trợ đền bù cho người dân. UBND huyện A Lưới đã kiến nghị, hỗ trợ chủ đầu tư đền bù phần diện tích không canh tác được, nhưng chủ đầu tư không đồng ý vì cho rằng đơn vị đã đền bù xong.

Về giải pháp hỗ trợ người dân do đất nông nghiệp không sản xuất, canh tác được, theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, huyện đang lập quy hoạch tận dụng quỹ đất này để xây dựng cụm công nghiệp. Sau khi cụm công nghiệp được phê duyệt, UBND huyện sẽ thu hồi đất và đền bù để người dân có kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, giúp ổn định cuộc sống.

Hải Lan

Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu về nội dung cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã vinh danh 100 tập thể, cá nhân đoạt giải.

Sau quá trình tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh bảo lưu quan điểm đề nghị án tử hình như bản án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về tội “Tham ô tài sản”.

Đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo xuất hiện trên mạng xã hội vừa được Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cảnh báo tới người dân.

Sau một tuần miệt mài tăng giá, kim loại quý bất ngờ quay đầu ngay khi mở cửa phiên giao dịch tuần mới, mất tới 50 USD/ounce.

Vụ sạt lở đất trong đêm khiến nhà ông Trần Văn Khưa bị sập một phần công trình nhà ở. May mắn 6 người trong nhà chạy ra ngoài kịp thời, riêng ông Khưa và vợ bị các đòn gỗ trên mái nhà rơi xuống gây chấn thương, sau đó được lực lượng chức năng hỗ trợ đưa đến Trạm Y tế sơ cứu.

Cảnh sát Thái Lan đang tiến hành điều tra vụ việc 41 thi thể được phát hiện bên trong một tu viện ở tỉnh Phichit nước này, được cho là có liên quan đến hoạt động thiền định.

Một nhóm người hoạt động khai thác vàng từ 6h sáng hôm trước đến sáng ngày hôm sau trong vườn điều của một người dân tại xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Sau khi sàng lọc quặng vàng được bỏ vào bao tải rồi vận chuyển đi nơi khác.

Sáng 25/11, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Lê Văn Điền (SN 1972, HKTT: tổ 14, ấp Tân Thành, xã Tân Lập, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang); Lê Thị Ngọc Nhan (SN 1971, vợ Điền); Lê Phước Sang (SN 1991) và Lê Phước Hoàng (SN 1999, con Điền); Lê Công Triết (SN 1983) và Nguyễn Văn Lộc (SN 1982, cháu Điền) để điều tra về tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 25/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Leo Minh Hiếu, SN 1999, thường trú thôn 6, xã Long Bình, huyện Phú Riềng; nơi ở thôn Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng. Leo Minh Hiếu bị khởi tố về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”.

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文