Nhận diện những kiểu lừa tiền, lừa chiếm đoạt số điện thoại

08:29 21/03/2022

Thời gian qua, mặc dù cơ quan Công an và báo chí liên tục thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan Cảnh sát điều tra, tòa án, viện kiểm sát nhân dân… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy, mất tiền.

Ông K.T.L (SN 1949, ở Phường 7, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cho biết, cách nay khoảng một tháng, ông nhận được một cuộc điện thoại của người đàn ông xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an ở Hà Nội gọi đến nói ông có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông chết người đang được cơ quan Công an điều tra. Ông L cũng cảnh giác việc lừa đảo, nhưng đối tượng đọc đúng họ tên, số chứng minh nhân dân của ông và cách nói chuyện dồn dập của đối tượng làm ông hoang mang. Bởi, vào năm 2013, ông làm mất giấy chứng minh nhân dân nên rất có thể có người nhặt được và sử dụng.

Đối tượng cho biết, ông là người có liên quan nên cơ quan điều tra triệu tập ông đến cơ quan Công an ở Hà Nội để giải quyết.

Điều ông L thắc mắc là không biết làm sao mà đối tượng lại có số chứng minh nhân dân của ông và số điện thoại để gọi cho ông. Người này nói ông gửi 22 triệu đồng để lo lót chạy án thì ông sẽ không bị liên lụy. Ông L đã chuyển cho đối tượng số tiền trên.

Nhưng ngày 15/3, ông lại nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là đại tá Công an của Bộ Công an nói ông L test COVID-19 dương tính nhưng bỏ trốn nên sẽ khởi tố ông. Nếu muốn không bị truy tố thì trong ngày ông phải chuyển cho người này 100 triệu đồng.

"Tôi thì không có số tiền lớn như vậy và sợ liên lụy đến gia đình nên tôi đã điện thoại cho người em rể vay được 50 triệu đồng với lý do là cần tiền để xử lý việc gấp của gia đình và đã chuyển cho đối tượng. Sau đó tôi tiếp tục hỏi vay tiền một số người quen. Người xưng là đại tá Công an nói tôi phải chuyển số tiền 50 triệu đồng, còn lại trước 16h cùng ngày (15/3)", ông L cho biết.

Sau khi người em rể cho ông L vay tiền thì điện thoại cho vợ ông hỏi xem có chuyện gì mà ông vay nhiều tiền. Khi người nhà hỏi thì ông L đã chuyển cho đối tượng 50 triệu đồng, còn hẹn trước 16h chiều cùng ngày phải chuyển nốt 50 triệu còn lại mới lo cho ông thoát tội.

Anh K.H.N - người nhà ông L cho biết, có thể đối tượng thấy hù dọa và ông đã chuyển số tiền 22 triệu đồng một cách dễ dàng nên sau đó tiếp tục dùng chiêu test COVID-19 để lừa đảo. Chiều 15/3, khi đối tượng điện thoại đến hối chuyển số tiền còn lại, người nhà bị hại mắng "tụi mày là loại lừa đảo", thì đối tượng thách thức "lừa đảo thì làm sao? Đi báo Công an đi"… 

Chiều 15/3, người nhà ông L đã đưa ông đến Công an phường 7, quận Gò Vấp trình báo sự việc.  Mới đây, anh N.Đ.S ở TP Thủ Đức cho biết, đồng nghiệp anh nhận được cuộc gọi của một người xưng là nhân viên y tế hỏi là anh đã được tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 chưa? Nếu đã tiêm phòng thì nhấn phím 1, nếu chưa được tiêm phòng thì nhấn phím 2. Do đã được tiêm phòng nên anh bạn này đã nhấn phím 1, sau đó điện thoại bị chặn, thông tin ngân hàng trực tuyến và thanh toán thường xuyên của anh bạn này đều được chuyển nên đã mất hết tiền trong tài khoản.

Theo các chuyên gia về công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ cần bấm theo hướng dẫn của đối tượng là trong 3 giây nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng của chủ tài khoản; vô hiệu hóa điện thoại của chủ tài khoản và điều khiển máy chủ. Khi đối tượng rút tiền ngân hàng, máy nhắn mã OTP vào số điện thoại của chủ tài khoản nhưng nó nhận được, còn điện thoại của mình bị vô hiệu hóa.

Ngoài các hình thức lừa đảo trên, thời gian gần đây nhiều người dân bất ngờ nhận tin nhắn điện thoại với nội dung thông báo "lệnh truy nã" của cơ quan Công an và yêu cầu người nhận tin nhắn tự giác ra trình diện…

Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân cảnh giác, để bảo vệ tài sản của chính mình, không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ngân hàng cho bất kỳ ai. Người dân không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); không làm theo yêu cầu của kẻ xấu từ các cuộc điện thoại gọi đến báo vi phạm pháp luật; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân (CCCD) hay chứng minh nhân dân (CMND) trên mạng xã hội; không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, các dịch vụ không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Trường hợp các thông tin cá nhân bị đánh cắp và bị các đối tượng sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần trình báo ngay cho cơ quan Công an để được giải quyết, xử lý kịp thời.

Nguyễn Cảnh

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文