Nhiều nhà máy ở Cụm công nghiệp Thủy Phương xả thải gây ô nhiễm môi trường

08:00 31/12/2022

Đã nhiều năm, người dân ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) liên tục “kêu cứu” về việc một số nhà máy, cơ sở sản xuất tại Cụm công nghiệp (CCN) Thủy Phương xả nước thải, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp dù đã bị xử phạt nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Những ngày qua, người dân ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) phản ánh về tình trạng các nhà máy sản xuất giấy ở CCN Thủy Phương tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu, các doanh nghiệp sản xuất bột giấy, giấy, bìa giấy… hoạt động cả ngày lẫn đêm, thường xuyên xả khói, nước thải đen xì ra môi trường, nước bẩn xuôi theo khe suối Cầu Đôi qua vùng dân cư rồi chạy thẳng ra hồ Châu Sơn khiến cho cuộc sống của người dân cả một vùng bị ảnh hưởng kéo dài. Anh T.H. S. (trú phường Thủy Phương) bức xúc nói: “Chúng tôi đã nhiều lần trình bày tình trạng ô nhiễm môi trường do các nhà máy giấy gây ra đến chính quyền địa phương. Các cơ sở sản xuất giấy cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt rất nặng, nhưng rồi đâu cũng vẫn vào đó, chủ các cơ sở vẫn tiếp tục xả thải ra môi trường”.

Nước thải có màu đen ngòm, hôi thối từ các nhà máy giấy trong cụm công nghiệp Thủy Phương chảy ra khu vực Cầu Đôi, hòa vào hồ chứa nước Châu Sơn.

Theo ghi nhận tại hiện trường, nước thải có màu đen ngòm chảy từ các nhà máy trong CCN Thủy Phương ra ngoài, rồi qua 2 cống nước và chảy theo khe suối dọc đường tránh Huế tới khu vực Cầu Đôi và hòa vào hồ chứa nước Châu Sơn (Hương Thủy). Theo người dân địa phương, hồ chứa nước Châu Sơn có nhiệm vụ điều tiết nước, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân ở 2 phường Thuỷ Phương và Thuỷ Châu.

Ông Nguyễn Văn H. (trú tổ 9, phường Thủy Phương) sống gần hồ chứa nước Châu Sơn cho hay: “Trước đây khe Cầu Đôi và hồ Châu Sơn có rất nhiều tôm cá nhưng mấy năm trở lại đây đã bị tận diệt ít nhiều do nước thải ô nhiễm. Những con cá bắt được trong khe Cầu Đôi người dân không dám ăn vì sợ rước độc vào người”.

Ông Ngô Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Phương nói rằng, nhiều năm nay, người dân trong phường đã nhiều lần kiến nghị vấn đề ô nhiễm môi trường tại các nhà máy sản xuất giấy ở CCN Thủy Phương, chính quyền địa phương đã tổng hợp ý kiến của người dân phản ánh lên cấp trên. Các cơ sở sản xuất tái chế các loại giấy không có hệ thống xử lý môi trường mà các cơ sở tự cam kết bảo vệ môi trường. Qua các lần kiểm tra, địa phương cũng đã có ý kiến, đề xuất các cơ quan liên quan xử lý vấn đề này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, CCN Thủy Phương có diện tích 74,8ha đi vào hoạt động từ tháng 12/2004 do Phòng Kinh tế và Hạ tầng thị xã Hương Thủy quản lý kiêm nhiệm. Đến nay, đã thu hút 45 dự án đầu tư và đang có 26 cơ sở đang hoạt động nhưng hạ tầng kỹ thuật tại CCN chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung bảo vệ môi trường và chỉ giao cho các doanh nghiệp tự xây dựng các công trình xử lý môi trường của từng đơn vị.

Đáng chú ý, các cơ sở sản xuất giấy liên tục gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến người dân xung quanh và bị cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tổng cục Môi trường xử phạt vi phạm, đình chỉ hoạt động nhiều lần nhưng vấn đề gây ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất giấy vẫn không thuyên giảm.

Theo cơ quan chức năng, trong quá trình hoạt động các cơ sở sản xuất giấy tự ý chuyển nhượng, thay đổi mà không thông báo cho cơ quan chức năng. Sau đó, các công ty xảy ra sự việc tố cáo khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai và đến nay chưa được giải quyết nên dẫn đến tình trạng các cơ sở sản xuất giấy hoạt động hiện nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường do vướng vấn đề đất đai.

Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VIII diễn ra vào tháng 12/2022, cử tri thị xã Hương Thủy cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra và có phương án xử lý đối với các công ty sản xuất tại CCN Thủy Phương về việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, là việc xả khói bụi mù mịt và ô nhiễm tiếng ồn của Công ty CP Xi măng Long Thọ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt đời sống của nhân dân. Trả lời kiến nghị cử tri, lãnh đạo UBND tỉnh cho rằng, thực trạng về ô nhiễm môi trường tại cụm CCN Thủy Phương trong thời gian qua đã được lãnh đạo các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm chỉ đạo giải quyết.

Hải Lan

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文