Nhồi đất sét, bột đá vào phân bón

10:10 03/05/2022

Giá phân bón trong nước liên tục tăng cao trong thời gian qua đã khiến việc nhập lậu và gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón diễn biến phức tạp. Theo đó, lượng phân bón nhập lậu lớn đã gây nên sự bất ổn thị trường phân bón trong nước, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón, vừa có tác hại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường.

Gia tăng phân bón lậu, hàng giả

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Mới đây nhất, ngày 19/4, Tổ liên ngành chống buôn lậu An Giang phát hiện, tạm giữ gần chục tấn hàng không hóa đơn, chứng từ tại Công ty TNHH TM-DV-SX Trang Điền, trên đường Nguyễn Văn Cừ, khóm 1, thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất phân bón.

Trước đó, cuối tháng 3/2022, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và thu giữ 10 tấn phân bón NPK 16-16-8 nhãn hiệu MACROFARM FERTILIZER nhập lậu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam tại cở sở kinh doanh phân bón Gia Bảo, địa chỉ thôn 8 xã Nhân Cơ, huyện Đắk RLấp. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đoàn Văn Yên - chủ cơ sở kinh doanh cho biết đã mua lô phân bón trên từ một đơn vị tại TP Hồ Chí Minh về bán, số phân bón trên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chủ cơ sở chưa cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tại tỉnh Đồng Nai, quý I/2022, các cơ quan chức năng bắt giữ 10 vụ phân bón không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, ngày 4/3, cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Trọng Dần (SN 1974, ngụ tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino), Nguyễn Văn Tuấn (SN 1989) và Trần Văn Học (SN 1982), cùng ở TP Hồ Chí Minh về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công Thương) phối hợp với Bộ Công an kiểm tra nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, phát hiện 8,5 tấn thành phẩm phân bón 111 HLS Super Lân canxi, 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế, khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì, 25m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại. Kết quả điều tra ban đầu xác định, Dần, Tuấn, Học đã cùng nhau góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino, thuê đất làm xưởng sản xuất phân bón giả bán ra thị trường kiếm lời.

Về thủ đoạn buôn lậu phân bón, theo các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu phân bón sử dụng nhiều thủ đoạn, như vận chuyển nhỏ lẻ rồi tập kết tại một điểm gần biên giới để chuyển vào nội địa tiêu thụ; lợi dụng địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép phân bón qua biên giới; lợi dụng việc kiểm tra chất lượng ở các cửa khẩu để nhập khẩu phân bón không đảm bảo chất lượng, khai sai số lượng hàng nhập khẩu…

Trong khi đó, ở trong nội địa, theo lực lượng chức năng tỉnh An Giang, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp của địa phương thời gian qua đã xuất hiện tình trạng của hàng, cơ sở sản xuất, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái thương hiệu thường lợi dụng quy định của pháp luật để sản xuất phân bón kém chất lượng. Thậm chí, trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hoá có thông tin không đúng bản chất, sự thật, hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Đắk Nông, thời điểm này người dân đang chuẩn bị có nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều để chăm sóc cho các loại cây trồng. Kết hợp với việc giá cả tăng mạnh, rất dễ xuất hiện các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào thị trường để kiếm lợi nhuận bất chính.

Hiện, Cục QLTT Đắk Nông đang tích cực bám sát địa bàn nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên trên địa bàn. Qua đó, từng bước bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

Lực lượng Hải quan phối hợp Công an tăng cường kiểm tra phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép phân bón qua biên giới.

Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm; nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, trong thời gian tới, các lực lượng sẽ phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm.

Đại diện sẽ tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; tập trung thanh tra, kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với mặt hàng phân bón, nhằm phát hiện kịp thời các lô hàng nhập khẩu kém chất lượng, không đảm bảo điều kiện nhập khẩu. Cụ thể, các đơn vị chú ý về xuất xứ hàng hóa, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng hàng hóa, tem, nhãn, mác…

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tiến hành thống kê, lập danh sách toàn bộ doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu qua địa bàn, số lượng, chủng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuất khẩu, nhập khẩu. Từ việc rà soát, sàng lọc, cơ quan hải quan xác định các doanh nghiệp trọng điểm, mặt hàng trọng điểm để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, ngành Hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn quản lý như Công an, biên phòng, cảnh sát biển, QLTT,… chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép phân bón qua biên giới.

Trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón

Theo Bộ Tài chính, thời gian gần đây nhận được kiến nghị của nhiều cơ quan đề nghị rà soát, xem xét chính sách thuế xuất khẩu với phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ về tổng quan thị trường phân bón. Theo đó, giá các loại phân bón thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao do hầu hết nguyên liệu phải nhập khẩu và tăng giá mạnh thời gian qua. Thêm vào đó, việc khan hiếm container rỗng và thiếu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất (như thiếu quặng apatit tuyển để sản xuất phân bón NPK) khiến giá phân bón tăng cao. Để góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% với mặt hàng phân bón, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong phân bón.

Lưu Hiệp

Báo CAND đã đưa tin ban đầu về đường dây sản xuất, buôn bán, kinh doanh tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn do Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường chủ mưu cầm đầu vừa bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp Văn phòng CSĐT triệt phá. Ngoài làm rõ cơ chế sở hữu chéo phức tạp với lợi ích chi phối rộng khắp của hệ sinh thái này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng phanh phui những khuất tất trong hoạt động tài chính kế toán của Công ty Rance Pharma và Hacofood, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước ước tính hơn 28 tỷ đồng.

Ngày 13/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Đinh Hồng Hải (SN 1996, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; hiện ở tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) về hành vi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm rõ một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với quy mô lớn liên quan đến Hải và đồng bọn.

Chiều 13/4, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tiếp nhận 21 công dân cư trú bất hợp pháp tại Campuchia. Các đối tượng này bị lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, đưa về Việt Nam qua cửa khẩu.

Trong lúc đang nằm ngủ với các con tại nhà riêng thì anh Q. bất ngờ bị vợ dùng dao cứa vào cổ. Thấy vậy, anh Q. chạy ra ngoài kêu cứu thì bị vợ đuổi theo chém nhiều nhát vào vùng đầu khiến anh Q. phải nhập viện cấp cứu.

Tối 12/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Ngọc Uyên Lan (SN 1995, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文