Những kiểu cấp phép tuyến gây rối loạn trật tự vận tải (bài 3)
Trong khi vấn nạn xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định và tình trạng đón khách dọc đường tại TP Hồ Chí Minh chưa được giải quyết thì tình trạng rối loạn trong hoạt động vận tải khách liên tỉnh còn do cách làm việc tắc trách của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này...
Cho phép xe chạy vào vùng cấm
Mặc dù ngày 22/12/2023, ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới đã kiến nghị Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về việc đánh giá nhu cầu thực tế khi cho phép mở mới các tuyến đường trong phạm vi các tuyến xe buýt tỉnh liền kề có khả năng phục vụ. Trong đó ông Hải khẳng định các tuyến xe buýt không trợ giá từ thành phố đi Bình Dương đã dư đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, bởi tuyến xe buýt Bến xe An Sương - Bến xe Thủ Dầu Một mỗi ngày chạy 16 chuyến, bình quân chỉ có 6 khách/chuyến; tuyến bến đò Bình Mỹ - Bến xe Bình Dương với 160 chuyến/ngày, bình quân là 4 khách/chuyến và tuyến BXMĐ - Thủ Dầu Một chạy 80 chuyến/ngày, bình quân có 3 khách/chuyến.
Thế nhưng gần đây, đơn vị vận tải vẫn đăng ký chạy trên nhiều tuyến liên tỉnh có cự ly ngắn từ TP Hồ Chí Minh về các bến xe của Bình Dương và ngược lại nhưng vẫn được Sở GTVT ở đầu bến chấp thuận. Điển hình của tình trạng này là HTX vận tải Tấn Phát, tuy đang có 33 xe khách chủ yếu mang biển số của tỉnh Phú Yên và Bình Định nhưng chỉ đăng ký chạy từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Dương, sau đó đưa khách chạy thẳng về các tỉnh Phú Yên, Bình Định.
Gần đây nhất, ngày 24/5 vừa qua, ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương đã có thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công đối với Chi nhánh HTX vận tải Tấn Phát. Theo đó, HTX vận tải này được hoạt động trên tuyến Bình Dương - Phú Yên và ngược lại với cự ly 535km, mỗi ngày có 3 chuyến xe xuất bến ở Bình Dương và 3 chuyến xuất bến ở Phú Yên. Điều bất thường là cấp phép cho Chi nhánh HTX này chạy xe từ Bình Dương đi Phú Yên nhưng lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương đã chấp thuận cho đơn vị vận tải này chạy một vòng hình “móc câu” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với hành trình: Bến xe khách An Phú (Bình Dương) - quốc lộ 13 - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí - quốc lộ 13 - quốc lộ 1 - quốc lộ 51 - cao tốc TP Hồ Chí Minh Long Thành Dầu Giây - cao tốc Dầu Giây Phan Thiết - cao tốc Phan Thiết Vĩnh Hảo - cao tốc Vĩnh Hảo Cam Lâm - quốc lộ 1- Bến xe khách Nam Tuy Hòa và ngược lại.
Nhìn vào hành trình chủ yếu chạy trên cao tốc của tuyến vận tải này, ai cũng thấy việc lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cấp phép cho chi nhánh HTX vận tại Tấn Phát được chạy vòng lên TP Hồ Chí Minh không nằm ngoài mục đích gom khách dọc đường và khách ở các bến “cóc”. Chưa hết, hành trình của tuyến vận tải khách trên qua địa bàn TP Hồ Chí Minh đi vào vùng được thành phố cắm biển cấm xe giường nằm vào nội đô từ 6h đến 22h. Như vậy, Sở GTVT Bình Dương đã cấp phép một cách bất chấp pháp luật khi cho phép giờ lên tài của các chuyến xuất bến từ Bình Dương là 17h đến 18h và ở bến xe về là từ 16h30 đến 18h30.
Phản ứng trước quyết định trên, ngày 12/6 vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Sở GTVT Bình Dương phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh từ BXMĐ cũ sang BXMĐ mới. Do đó ngày 19/6 Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương đã có văn bản đề nghị các đơn vị vận tải khách theo tuyến cố định từ Bình Dương đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại nghiên cứu, đăng ký khai thác tuyến cho phù hợp trước ngày 1/8. Đối với các tuyến cố định liên tỉnh của Chi nhánh HTX Tấn Phát đã được Sở GTVT Bình Dương thông báo khai thác tuyến thành công có lộ trình từ các bến xe của Bình Dương đến các tỉnh Phú Yên, Bình Định... và ngược lại nhưng có hành trình chạy xe vào khu vực TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT Bình Dương yêu cầu ngừng khai thác từ ngày 1/7.
Được nối dài tuyến để tránh di dời
Thời điểm có cả nghìn đầu xe khách chạy các tuyến đường dài phải di dời hoạt động từ BXMĐ cũ ra BXMĐ mới thì ngày 15/7/2022, Bộ GTVT đã công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó, Bộ GTVT đã cho phép Bến xe Miền Tây (BXMT) được bổ sung thêm các tuyến đường mới về khu vực miền Trung, Tây Nguyên như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum… bất chấp việc những tuyến liên tỉnh này đều là những tuyến đang nằm trong danh sách phải di dời từ BXMĐ cũ ra BXMĐ mới để hoạt động.
Việc cho phép nối dài tuyến như vậy đã tạo cơ hội cho hàng trăm đầu xe không chấp hành việc di dời mà chạy về BXMT, Bến xe Ngã tư Ga và Bến xe An Sương hoạt động. Đã vậy, xe khách từ BXMT về các tỉnh trên và ngược lại còn được phép chạy trên các tuyến đường xuyên tâm của TP Hồ Chí Minh như đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, quốc lộ 1 mà không bị buộc phải lưu thông vào tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Điều này đã tạo cơ hội để các nhà xe đón trả khách, giao nhận hàng hóa ở các bến "cóc" ven đường; làm phát sinh thêm một loạt tụ điểm xe "dù", bến "cóc" trên quốc lộ 1, rồi khu vực TP Thủ Đức, khu du lịch Suối Tiên và thậm chí là ngay trước BXMĐ mới.
Trước thực trạng trên, 7/9/2022, đại diện Samco, đơn vị chủ quản các bến xe khách liên tỉnh của TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Sở GTVT thành phố đề nghị Bộ GTVT và Cục Đường bộ điều chỉnh danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc. Việc điều chỉnh cần thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên bố trí luồng tuyến đi đến từ các tỉnh, thành phố vào các bến xe liên tỉnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đối với các tuyến xe khách từ các tỉnh có hành trình đi ngang TP Hồ Chí Minh để đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần bố trí đi theo hành trình cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh - đường dẫn cao tốc Trung Lương. Xe khách từ các tỉnh có hành trình đi ngang qua TP Hồ Chí Minh để đến các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, khu vực Tây Nguyên cần nắn tuyến theo hành trình quốc lộ 1 - đường ĐT 743 - cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - địa phận Bình Dương. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị này vẫn không được xem xét.
Góp phần gây ra tình trạng rối loạn trật tự vận tải khách liên tỉnh tại TP Hồ Chí Minh còn do tình trạng tắc trách của Sở GTVT khi không chịu “dẹp” các điểm đón, trả khách không còn phù hợp sau khi BXMĐ mới đã đi vào hoạt động. Trong thông báo kết quả cuộc họp liên ngành vào ngày 4/11/2022 về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực BXMĐ cũ và BXMĐ mới sau khi di dời, Phòng CSGT đường bộ Công an TP Hồ Chí Minh đã nêu rõ trách nhiệm rằng: Phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT) đề nghị bỏ điểm đón, trả khách dành cho xe chạy tuyến cố định trước khu chế xuất Linh Trung.
Đồng thời rà soát, đề xuất phương án tổ chức điểm đón, trả khách trên địa bàn; tham mưu việc rà soát các bến bãi, vị trí có tổ chức đón, trả khách không đúng quy định để xử lý. Ngoài ra, đơn vị này còn được giao trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ quản bến rà soát các tuyến, các đơn vị vận tải không chấp hành di dời để đề xuất phương án phối hợp xử lý nhưng đến nay, việc này đã không được thực hiện một cách triệt để.
Riêng đối với 2 điểm đón, trả khách trên đường Mai Chí Thọ, mặc dù từ ngày 30/11/2017, Sở GTVT đã thông báo rõ với Công ty CP xe khách Phương Trang Futabuslines cùng 2 doanh nghiệp vận tải khác là vị trí đón, trả khách trên chỉ phục vụ hành khách tuyến cố định có điểm đầu, điểm cuối tại BXMT và mang tính chất tạm thời, sẽ chấm dứt khi BXMĐ mới hoàn thành, đưa vào khai thác. Khi đó các tuyến vận tải khách đi và đến Bến xe Miền Tây có hành trình chạy xe qua các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ sẽ được điều chỉnh để hạn chế việc xe khách đi vào nội đô thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Sở GTVT cũng đề nghị nhà xe Phương Trang và các doanh nghiệp cam kết tự tháo dỡ, tái lập mặt bằng không điều kiện khi việc điều chỉnh hành trình chạy xe có hiệu lực. Nhưng đến nay khi BXMĐ mới đã được đưa vào khai thác, 2 địa điểm đón trả khách trên vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc BXMĐ mới cho biết, các doanh nghiệp bến phải chấp hành quy định về tiêu chuẩn bến xe, chất lượng bến xe được phân loại và được công bố. Khách vào bến đi xe được đảm bảo an toàn hơn do không phải đứng trên vỉa hè, lòng đường để đón xe. Các quyền lợi khác của hành khách cũng được đảm bảo, phương tiện, người lái được kiểm soát.
Trong khi đó người dân đi xe hợp đồng trá hình thường nhầm tưởng rằng được phục vụ tận nơi, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng dịch vụ không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng; không được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi mà pháp luật quy định đối với loại hình kinh doanh có điều kiện. Do đó, “dẹp” xe hợp đồng trá hình để tạo cho người dân thói quen ra bến đi xe, từ đó góp phần thúc đẩy vận tải khách công cộng phát triển và hình thành các đầu mối giao thông khu vực.