Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương bị tàn phá

15:40 31/08/2021

Nhiều khoảnh rừng phòng hộ bị đốn hạ, phát dọn trên diện rộng và đã biến thành nơi trồng keo lá tràm, thế nhưng cơ quan quản lý rừng phòng hộ ở địa phương không hề hay biết

 

Đến xã Sơn Hội, huyện miền núi Sơn Hòa (Phú Yên) trong buổi sáng cuối tháng 8/2021, chúng tôi vượt qua những chặng đường đồi dốc chông chênh và nhiều cung đoạn sình lầy sau cơn mưa “giải hạn”, mới tìm thấy vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương, khiến cho nhiều người dân địa phương bức xúc.

Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ là những triền núi trải rộng hai bên suối Dĩ, suối Sổ, suối Cheo Reo, dốc Cốc thuộc địa phận thôn Tân Thành, xã Sơn Hội. Sau khi hợp lưu dưới chân triền đồi, những con suối nêu trên đổ ra đầu nguồn con sông Trà Bương dẫn nước về hồ thủy lợi Phú Xuân ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Những khoảnh rừng già ở nơi này đã bị đốn hạ, phát dọn tạo thành nhiều “vùng trắng” mở ra trên diện rộng, trong đó có nhiều hec-ta mới bị đốn hạ, đốt dọn.

Những khoảnh rừng phòng hộ bị "cạo trọc"

Cây rừng lớn nhỏ đều bị đốn sạch bằng máy cưa với dấu tích để lại trên bề mặt những gốc cây trơ trụi, có nơi bị đốt dọn nham nhở vết cháy đen nhẻm, có nơi vẫn còn những thân cây gỗ đã bị đổ ngã chưa kịp cẩu kéo ra khỏi hiện trường và cũng có nơi những kẻ phá rừng sử dụng máy cưa cắt đứt hơn nửa mặt gốc để cho cây chết khô dần rồi mới đốn hạ. Trong số hàng trăm cây rừng mới bị đốn hạ tại các khoảnh rừng ở đây có rất nhiều cây gỗ bằng lăng, ké, lim, giẻ…với đường kính chân gốc từ 0,5 đến 1m. Tại hiện trường vẫn còn ngổn ngang nhiều cây gỗ dài 5-15m cùng nhiều gốc cây còn thơm mùi nhựa sống và những cành lá vừa mới khô héo. Đối tượng phá rừng không chỉ lấy gỗ mà còn chiếm đất để trồng keo lá tràm, nên những khoảnh rừng tự nhiên bị đốn hạ, đốt dọn đến đâu, thì cây keo được trồng đến đó.

Nhiều cây rừng có đường kính lớn và dài bị đốn hạ, đốt cháy gốc nham nhở

Một người dân ở địa phương cho biết, tình trạng phá rừng đầu nguồn sông Trà Bương tái diễn nhiều năm theo phương án “vết dầu loang”. Thủ đoạn của những kẻ phá rừng rất tinh ma, họ đi vào bên trong rừng già đốn hạ những cây gỗ nhỏ trước, đến mùa mưa mới sử dụng cưa lốc cắt ngã những cây gỗ lớn có hàng chục năm tuổi. Sau khi “xẻ thịt” những cây lớn để lấy gỗ hộp vận chuyển đến nơi cất giấu, họ tranh thủ những ngày khô ráo tiến hành đốt dọn cành lá, rồi trồng keo lá tràm. Cứ thế hàng chục hec-ta rừng phòng hộ ở nơi này đã bị tàn phá, lấn chiếm trong những năm gần đây.

Cũng theo người dân địa phương, chủ mưu những vụ phá rừng phòng hộ nêu trên là một số đối tượng có tiền và người thân của cán bộ có liên quan đến nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng. Họ thuê người dân đốn hạ, phát dọn, "cạo trọc" những khoảnh rừng ở đây để lấy cây gỗ lớn và đất rừng để trồng keo lá tràm (?).

Tại hiện trường có nhiều cây rừng vừa mới bị đốn hạ

Lạ lùng thay, những khoảnh rừng bị “cạo trọc” giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên không hề hay biết. Khi làm việc với nhiều phóng viên trong chiều ngày 30/8, ông Đặng Việt Dũng - Phó Giám đốc, phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa cho biết, lâm phần đơn vị này quản lý gồm 14.372 ha rừng phòng hộ ở 5 xã Phước Tân, Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Sơn Hội, trong đó có 9.860 ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương. Đây là nơi đang diễn ra tình trạng phá rừng, nhưng ông Dũng vẫn khẳng định đã tăng cường các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt và chưa phát hiện vụ phá rừng nào.

Ông Sô Minh Hội – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thành cho biết : “Tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương khiến cho người dân ở đây rất bức xúc. Rừng tự nhiên bị phá dần để biến thành rừng trồng của những kẻ ở nơi khác đến. Nguồn nước ở các con suối trong khu vực này rồi sẽ cạn kiệt làm ảnh hưởng đời sống và sản xuất đồng thời có nguy cơ gây ra hiểm họa vùng hạ du trong mùa mưa lũ”

Rất nhiều người dân ở xã Sơn Hội mong muốn các cơ quan chức trách sớm vào cuộc, điều tra làm rõ hành tung những đối tượng phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Hữu Toàn

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Cao (SN 1962), Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng 767 (địa chỉ tại số 670 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh) và 2 nhân viên công ty này về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文