Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng đã được giao khoán
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao hàng chục nghìn héc ta rừng tự nhiên cho người dân và các nhóm hộ cộng đồng ở địa phương quản lý, bảo vệ, hưởng lợi theo quy định Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt Nghị định 75).
Tuy nhiên bên cạnh những hiệu quả đạt được thì việc giao khoán bảo vệ rừng vẫn đang tồn tại nhiều bất cập cần sớm được khắc phục.
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến năm 2021, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng trên địa bàn là 288.401ha, trong đó có 211.243ha rừng tự nhiên; 77.158ha rừng trồng; phân theo chức năng có 93.153ha rừng đặc dụng; 77.011ha rừng phòng hộ; 99.607ha rừng sản xuất và 18.628ha rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,38%.
Diện tích rừng tự nhiên hiện do các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, các Công ty TNHH NN MTV lâm nghiệp đang quản lý 160.984ha (chiếm 76,21%); các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình (gọi tắt nhóm hộ cộng đồng) được giao quản lý 31.626ha (chiếm 14,97%); diện tích do UBND cấp xã tạm thời quản lý là 17.305ha (chiếm 8,19%) và các diện tích rừng tự nhiên còn lại hiện đang do các nhóm chủ rừng khác quản lý.
Qua tìm hiểu được biết, các nhóm hộ cộng đồng được tỉnh Thừa Thiên-Huế thí điểm giao rừng từ năm 2.000, nhưng đến năm 2014 mới bắt đầu được hỗ trợ chính thức kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Theo đánh giá, rừng tự nhiên sau khi giao cho nhóm hộ cộng đồng đã được quản lý, bảo vệ tốt. Công tác quản lý rừng của cộng đồng thiết lập được hệ thống tổ chức quản lý, có quy chế hoạt động nên hiệu quả quản lý bảo vệ rừng cao hơn trước. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng tự nhiên giảm đáng kể, một số nơi có trữ lượng rừng tăng lên.
Nhiều vụ việc phá rừng được các nhóm hộ chủ động ngăn chặn, hoặc báo cho chính quyền địa phương, Kiểm lâm địa bàn xử lý. Đặc biệt, mùa hè năm 2021 là mùa vụ khai thác hạt ươi, các cộng đồng đã tích cực triển khai công tác ngăn chặn, phân công từng nhóm vào rừng để canh giữ và đảm bảo việc người dân thu hái hạt ươi đúng quy định, không chặt hạ cây ươi để khai thác bền vững nguồn tài nguyên rừng.
Nhưng thực tế, việc giao rừng cho các nhóm hộ, hộ gia đình, nhóm cộng đồng quản lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới cho biết, hiện toàn huyện có hơn 20.000ha rừng được ngành kiểm lâm giao cho hơn 190 nhóm hộ, 26 hộ gia đình và 39 cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ.
Theo ông Phước, việc giao rừng tự nhiên tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng để vừa khoanh nuôi, tái sinh rừng vừa hưởng lợi từ rừng. Tuy nhiên, do địa bàn huyện A Lưới trải dài với 12 xã biên giới có địa hình phức tạp, diện tích rừng quản lý lớn nên công tác bảo vệ rừng giao khoán cho các hộ dân, nhóm cộng đồng gặp nhiều hạn chế, bất cập. Một số nhóm hộ chưa xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng hàng tháng, hàng quý theo kế hoạch, không thường xuyên tuần tra rừng. Nhiều cánh rừng nằm cách xa khu dân cư gây khó khăn cho việc tuần tra, giám sát, bảo vệ.
Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ của các nhóm cộng đồng hạn chế nên khi xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng, các nhóm hộ không thể ngăn chặn, hoặc chưa thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm để được xử lý. Trong đó, chỉ tính riêng ở xã Hồng Thủy có đến 5.000ha rừng được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng là người ở địa phương bảo vệ.
Theo Nghị định 75 của Chính phủ, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng 400 nghìn đồng/ha/năm. Song, có nhiều nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở xã Hồng Thủy không được nhận đủ số tiền giao khoán bảo vệ rừng năm 2020 theo quy định của Nghị định 75. Tình trạng để mất rừng tự nhiên vẫn tái diễn. Điển hình như vừa qua, rừng phục hồi tại tiểu khu 256 thuộc địa bàn xã Hồng Thủy do UBND xã Hồng Thủy quản lý và hợp đồng với nhóm các hộ dân ở thôn Pa Ây, xã Hồng Thủy để bảo vệ rừng và hưởng lợi theo Nghị định số 75 bị “lâm tặc” đốn hạ lấy gỗ.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, trưởng nhóm bảo vệ rừng thôn Pa Ây cho rằng, địa bàn Hồng Thủy nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Trị nên nhiều năm qua, các đối tượng “lâm tặc” ở ngoại tỉnh thường câu kết với một số đối tượng tại địa phương xâm nhập vào địa bàn chặt phá cây lấy gỗ tại các khu vực rừng được giao cho các nhóm cộng đồng quản lý. Dù việc tuần tra, bảo vệ rừng được thường xuyên triển khai nhưng do diện tích rừng được giao khoán bảo vệ quá lớn, trong khi lực lượng nhóm hộ lại mỏng nên có thời điểm không kịp thời phát hiện việc phá rừng lấy gỗ để ngăn chặn…
Ngoài địa bàn xã Hồng Thủy, một số cánh rừng tự nhiên, rừng đang phục hồi được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho các hộ dân, nhóm cộng đồng ở các địa phương khác quản lý, bảo vệ cũng thường xuyên bị các đối tượng bất chấp quy định pháp luật xâm hại, khai thác gỗ trái phép, gây ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng đang được bảo vệ.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định, thời gian tới, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được giao khoán, Sở đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tập trung tuyên truyền, nâng cao năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng, hướng dẫn và khuyến khích các chủ rừng cộng đồng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đúng quy định.