Thu hồi hàng nghìn m2 đất trồng lúa bị xây dựng khu lăng mộ khủng

08:51 09/03/2023

Mượn danh nghĩa đầu tư xây dựng công trình nghĩa trang nhằm thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền đã đề xuất chuyển đổi hàng nghìn m2 đất trồng lúa, sau đó hợp đồng giao khoán cho một cá nhân xây dựng khu lăng mộ hoành tráng khiến dư luận bất bình.

Nghĩa trang Hoang Ích rộng khoảng 7.100m2, nằm trên địa bàn thôn Trung Phú, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh được UBND TP Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch chi tiết để mở rộng ngày 14/4/2015. Năm 2019, UBND xã Thạch Trung có văn bản đề xuất xin chủ trương đầu tư xây dựng công trình nghĩa trang Hoang Ích nhằm thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng NTM.

Trên cơ sở này, UBND TP Hà Tĩnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng nâng cấp nghĩa trang Hoang Ích, trong đó có phần diện tích san nền mở rộng là 7.100m2, dự kiến sẽ giải quyết được nhu cầu khoảng 500 ngôi mộ. Dự án do UBND xã Thạch Trung làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2 tỷ đồng; phần lớn chi phí thực hiện dự án từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách xã.

Khu lăng mộ khủng được xây dựng trên phần đất trồng lúa của 9 hộ dân, UBND TP Hà Tĩnh thu hồi, đề xuất HĐND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng để mở rộng khuôn viên nghĩa trang.

UBND xã Thạch Trung và TP Hà Tĩnh đã đề xuất danh mục các công trình, dự án danh mục thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn, trong đó có diện tích đất mở rộng nghĩa trang Hoang Ích. Đề xuất này được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 171/NQ-HĐND ngày 15/12/2019; được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-UBND ngày 19/3/2020. TP Hà Tĩnh đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, GPMB để chủ đầu tư thi công từ tháng 8/2020. Có 9 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích 3.759,9m2 được bồi thường hỗ trợ trực tiếp số tiền 519,9 triệu đồng.

Thay vì thực hiện dự án, ngày 15/11/2019 UBND xã Thạch Trung kí kết biên bản thỏa thuận với ông Nguyễn Xuân Hùng (SN 1952), trú thôn Đoài Thịnh, xã Thạch Trung, là người đại diện dòng họ Nguyễn Văn thực hiện, toàn bộ chi phí để thi công do dòng họ này chịu trách nhiệm. Đổi lại, “sau khi công trình hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng, xã Thạch Trung ưu tiên nhường lại cho dòng họ Nguyễn Văn một phần đất để làm nghĩa trang”.

Khu lăng mộ rộng 2.400m2 trong tổng số 7.100m2 diện tích mở rộng nghĩa trang được phê duyệt. 

Đến tháng 4/2022, ông Mai Văn Dy – Chủ tịch UBND xã Thạch Trung đã ký văn bản đồng ý với thống nhất của các chi nhánh dòng họ Nguyễn Văn, “nhường” lại cho dòng họ này diện tích 2.400m2 trong tổng số 7.100m2 được mở rộng để làm nghĩa trang dòng họ đại tôn và ông Hùng đã tiến hành xây dựng các công trình “khủng” trên phần đất này.

Hiện khu lăng mộ trên đang trong quá trình xây dựng và hoàn thành. Các hạng mục đang được xây dựng phần thô gồm 3 đơn nguyên nhà (phía dưới là phần mộ) có mái. Chính quyền xã Thạch Trung cũng thừa nhận, quá trình xây dựng không đúng với thiết kế được cấp phép, khi vị trí xây đình miếu trong quy hoạch được cấp phép là các ngôi mộ, nhưng khi thi công lại xây các công trình có mái cao hơn so với quy định.

Trước sự việc này, UBND thành phố đã chỉ đạo Đội Quản lý đô thị phối hợp với UBND xã Thạch Trung kiểm tra hiện trường, tạm đình chỉ thi công, lập biên bản ghi nhận lại các sự việc để báo cáo UBND thành phố xem, xét xử lý theo thẩm quyền và các quy định của pháp luật.

Được biết, hiện nay hình thức cát táng trên địa bàn TP Hà Tĩnh đang quá tải. Nhiều nghĩa trang đã phải đóng cửa, trong khi xã Thạch Trung còn có quỹ đất thì việc mở rộng nghĩa trang là cần thiết. Tuy nhiên, việc UBND xã Thạch Trung và UBND TP Hà Tĩnh thu hồi đất nông nghiệp, “lập lờ đánh lận con đen” để các cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng, sau đó giao cho cá nhân xây nghĩa trang hoành tráng ngay trong lòng thành phố là có dấu hiệu khuất tất, bất thường.

Đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm và xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm.

Dưới đây là một số hình ảnh "khủng" của khu lăng mộ:

Những công trình nổi bật tại khu nghĩa trang Hoang Ích.
Chi phí thực hiện dự án mở rộng nghĩa trang là 2 tỉ đồng, từ nguồn xã hội hóa và một phần ngân sách nhưng xã đã giao khoán cho một cá nhân trên địa bàn bỏ vốn ra thực hiện.
Bù lại, sau khi hoàn thiện, xã "nhường" lại diện tích 2.400m2 để cá nhân này xây dựng khu lăng mộ khủng.
Độ hoành tráng của khu lăng mộ được thể hiện ngay từ cổng vào với kiến trúc dành cho lăng tẩm, chùa, đền.
Bốn phía đều được xây tường bao quanh, với chiều cao hơn 2m, mái được phủ ngói đỏ.
Chỉ tính riêng phần vỉa hè giáp với đường Quang Lĩnh, nếu được quy hoạch cũng đủ để an táng nhiều mộ phần.
Điều khiến người dân bức xúc là chính quyền đã cố tình "lập lờ đánh lận con đen", thu hồi đất lúa để cấp cho tư nhân xây lăng mộ. Trong khi quỹ đất để an táng trong nội thành TP Hà Tĩnh ngày càng hạn hẹp.
Phát hiện sai phạm, chính quyền đã tạm đình chỉ thi công để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Việc UBND xã Thạch Trung và UBND TP Hà Tĩnh thu hồi đất nông nghiệp, “lập lờ đánh lận con đen” để các cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng, sau đó giao cho cá nhân xây nghĩa trang hoành tráng ngay trong lòng thành phố, có dấu hiệu khuất tất, bất thường.

Thiên Thảo

Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.

Trước khi bão số 3 tiến vào Hà Nội, đã có rất nhiều nghĩa cử từ những người dân dành cho nhau trong lúc khó khăn. Đoàn xe ô tô chắn gió cho xe máy trên cầu hay những thông tin chia sẻ nhà ở tránh trú bão là những tình cảm ấp áp đang gây xúc động trên mạng xã hội.

Hàng chục hộ dân đang sống trong các ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão đã được các quận ở Hà Nội di dời đến nơi an toàn, trong đó có 14 hộ dân tại chung cư P16A (phường Thuỵ Khuê) và 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D). 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có vấn đề liên quan đến công tác quản lý chưa chắc. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được. Đây có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý.

16h chiều 7/9, người dân Hà Nội đã có thể nhận thấy rõ sự ảnh hưởng rõ rệt của bão số 3 khi mưa lớn diễn ra khắp Thủ đô cùng với gió giật mạnh. Đường phố Hà Nội vắng lặng, lác đác có người di chuyển nhưng rất khó khăn. Lực lượng CSGT ứng trực 100% quân số, liên tục tuần tra, tổ chức cắt dọn cây xanh bị quật đổ.

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 3 (Yagi), thực hiện Điện số 03 của Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Công an tỉnh Hà Nam, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động rà soát số lượng nhà không an toàn, đồng thời huy động lực lượng vận động, hỗ trợ nhân dân di rời đến nơi tránh, trú bão an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文