Vì sao 15 năm chưa thi hành án xong một bản án?

07:23 12/01/2022

Theo ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ (Nông trường Sông Hậu) thì nông trường (tại ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TP Cần Thơ làm chủ sở hữu.

Vào năm 1998, Nông trường Sông Hậu ký hợp đồng tiêu thụ và phân phối phân bón với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tấn Hưng (nay là Công ty cổ phần Đầu tư Tấn Hưng, trụ sở ở ấp 3 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Phía công ty xác nhận công nợ nhưng không thanh toán đúng hạn dẫn đến số nợ lớn nên Nông trường Sông Hậu khởi kiện công ty.

Căn cứ Bản án phúc thẩm số 941/2006/DSPT ngày 12/9/2006 của TAND  TP Hồ Chí Minh đã tuyên xử buộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tấn Hưng (Công ty Tấn Hưng) có trách nhiệm trả ngay một lần cho Nông trường Sông Hậu tổng số nợ hơn 21,5 tỷ đồng và lãi quá hạn chậm trả theo quy định pháp luật.

Sau đó, ngày 1/9/2016, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Bình Chánh có quyết định về việc sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án (số 1163). Trong đó, ủy thác cho Chi cục THADS TP Vũng Tàu tiếp tục việc thi hành đối với Công ty Tấn Hưng. Trong tổng số tiền hơn 21,5 tỷ đồng phải thi hành án thì Chi cục THADS huyện Bình Chánh đã yêu cầu Công ty Tấn Hưng thi hành trả cho Nông trường Sông Hậu hơn 12,2 tỷ đồng, còn lại Công ty Tấn Hưng phải thi hành án số tiền hơn 9,3 tỷ đồng và lãi thi hành án chậm theo quy định trong bản án.

Tuy vậy, Công ty Tấn Hưng không tự nguyện trả nợ nên Nông trường Sông Hậu đã gửi đơn yêu cầu các cơ quan thi hành án (Chi cục THADS huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh; Chi cục THADS TP Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thi hành bản án trên theo quy định. Qua công tác xác minh tài sản, các cơ quan thi hành án nhận thấy rằng Công ty Tấn Hưng có tài sản là các quyền sử dụng đất nên đã áp dụng biện pháp kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản theo quy định để thi hành bản án. Trong đó có 3 lô đất do Công ty Tấn Hưng cung cấp đều tọa lạc tại TP Vũng Tàu. Và các cơ quan thi hành án đã bán đấu giá thành 2 lô nhưng vẫn không đủ để thi hành nghĩa vụ và các chi phí theo quy định.

Do đó, cơ quan thi hành án tiếp tục kê biên, cưỡng chế, bán đấu giá tài sản khác là quyền sử dụng đất số AD733699, diện tích 6.000m2, thửa đất số 33, tờ bản đồ số 80, đất chuyên dùng tọa lạc tại phường 11, TP Vũng Tàu theo Quyết định số 28/QĐ-CCTHA ngày 23/5/2017 của Chi cục THADS TP Vũng Tàu.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Phú, với diện tích đất này dù thực hiện lộ trình bán đấu giá theo đúng quy định pháp luật và có người tham gia mua nhưng do Công ty Tấn Hưng không hợp tác, không giao nộp bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định nên không công chứng được tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc bán đấu giá tạm thời dừng lại chờ ý kiến chỉ đạo các cấp có thẩm quyền, lộ trình sẽ tiếp tục thực hiện bán đấu giá lại để thi hành án…

Bất ngờ, đến ngày 20/5/2021, UBND TP Vũng Tàu ban hành Quyết định số 2855/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và Quyết định số 2857/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Tấn Hưng. Lý do thu hồi đất là để phát triển khu đô thị đường 3 tháng 2, TP Vũng Tàu… Số tiền Công ty Tấn Hưng được bồi thường là hơn 18,7 tỷ đồng…

Ngày 29/11/2021, Chi cục Thi hành án dân sự TP Vũng Tàu đã ra Quyết định số 06/QĐ-CCTHA về việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ là Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải có nghĩa vụ giao nộp số tiền hơn 18,7 tỷ đồng của Công ty Tấn Hưng cho Chi cục THADS TP Vũng Tàu để thi hành án cho Nông trường Sông Hậu.   Theo ông Nguyễn Thanh Phú, đối chiếu các quy định pháp luật, Nông trường Sông Hậu đã đủ điều kiện nhận tiền thi hành án từ kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho Công ty cổ phần Đầu tư Tấn Hưng do bên thứ ba giữ thông qua cơ quan thi hành án.

Tuy nhiên, ngày 13/12/2021 UBND TP Vũng Tàu lại có Công văn số 10112/UBND-TNMT có nội dung: Tài sản đã bị kê biên theo quyết định của cơ quan thi hành án thì tài sản này phải thể hiện và gắn liền trong vụ án tranh chấp dân sự hoặc vụ án hình sự đã được TAND tuyên trong bản án đã hiệu lực thi hành theo quy định pháp luật thì mới tiến hành chi trả tiền bồi thường theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Phú cho rằng nội dung này hoàn toàn không phù hợp quy định về kê biên, xử lý tài sản tại khoản 3 Điều 71 Luật THADS 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 và quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 18 Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đến ngày 20/12/2021, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu căn cứ Công văn số 10112/UBND-TNMT của UBND TP Vũng Tàu để xác minh tại TAND TP Hồ Chí Minh xem tài sản đã bị kê biên theo quyết định của Chi cục THADS TP Vũng Tàu thì tài sản này phải thể hiện và gắn liền trong vụ án tranh chấp dân sự hoặc vụ án hình sự đã được TAND tuyên trong bản án đã hiệu lực thi hành để làm cơ sở chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Công ty Tấn Hưng…

“Việc làm này là trái quy định pháp luật về kê biên, xử lý tài sản và trái quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 18 Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 25/8/2015 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Và cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được thi hành án, làm chậm trễ thủ tục nhận tiền thi hành án cho Nông trường Sông Hậu, tiềm ẩn rủi ro sẽ giải quyết chi trả trực tiếp số tiền bồi thường, hỗ trợ cho Công ty Tấn Hưng. Như vậy sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nông trường Sông Hậu”, ông Nguyễn Thanh Phú cho biết.

Phú Lữ

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文