Vụ bờ kè trăm tỷ lún nghiêng: Có phải “đâm lao nên phải theo lao”?
Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) mới làm đã sạt lở. Việc sửa lại bờ kè đã hư hỏng sẽ tốn kém nhưng vẫn khó tồn tại bởi ngược với quy luật tự nhiên.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL phân tích kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành đã được xây dựng tốn kém, nay bị hư hỏng thì việc khắc phục sửa chữa là dễ hiểu, theo kiểu “đâm lao thì phải theo lao”. Tuy nhiên, vì vị trí này tiêu biểu cho rủi ro cao hư hỏng bờ kè dù có được sửa chữa lại. Tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan chức năng cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định có nên tiếp tục “theo lao” hay không.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện chỉ ra hai nguyên nhân chính cho rủi ro thất bại cao ở vị trí này. Thứ nhất, theo Báo cáo kỹ thuật số 31 của Ủy hội Mekong quốc tế (UHMKQT), đoạn sông qua chợ Bình Thành, có hố sâu mang ký hiệu V010, là một hố sâu trong hệ thống 450 hố sâu lớn của toàn hệ thống sông Mê Kông. Ở ĐBSCL có 23 hố lớn cũng đã được các nhà khoa học khảo sát, lập bản đồ từ 2007. Các hố này là một phần của hệ tự nhiên bình thường của sông Mekong về mặt động lực và về sinh thái đã có từ ngàn đời suốt dọc chiều dài sông Mekong, chứ không phải mới xuất hiện.
Trên toàn bộ sông Mê Kông, phần lớn các hố sâu này sâu khoảng 15-20m, rộng 10-15 hecta, hố sâu nhất tới 90,5m, hố dài nhất đến 18,5km. Báo cáo kỹ thuật số 31 của UHMKQT cũng chỉ ra ở ĐBSCL các hố có độ sâu 13m-44m, có diện tích từ 4-95 hecta. Các hố sâu này được hình thành do các yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn, động lực dòng chảy.
Trên sông Mê Kông, thông thường các hố sâu này xuất hiện tại 6 vị trí tiêu biểu, gồm: Một là ở đoạn sông cong, nơi mà đường “tim sông” (đường đáy sâu nhất của dòng sông) đi áp sát vào bờ phía lõm thì ở phía lõm đó thường có một hố sâu; hai là ở đoạn sông thẳng nhưng phía bên kia bị lấn bởi một bãi cát tự nhiên hay một công trình nhân tạo. Lúc này đường tim sông bị dời sang phía bên kia và tạo ra một hố sâu; ba là nơi dòng sông bị thắt hẹp lại, ở giữa sông thường có một hố sâu; bốn là nơi đáy sông có đá chặn một phần đáy sông thì hố sâu hình thành phía bên kia; năm là nơi dòng sông có một cù lao giữa dòng, dòng chảy bị tách ra làm đôi rồi nhập lại ở phía đuôi cù lao tạo ra một hố sâu ở nơi nhập lại; sáu là nơi dòng sông có dòng nhánh đổ ra, hố sâu hình thành ở hợp lưu của hai dòng chảy.
Trước đây, trong điều kiện tự nhiên thì vào đầu mùa lũ, bùn cát từ thượng nguồn về tràn vào các hố vào tháng 7-8, đến khi dòng nước mạnh lên vào tháng 8-9 thì dòng chảy nạo vét các hố này mang bùn cát đi tiếp xuống phía hạ lưu, do đó các hố này ít thay đổi về hình dạng, thể tích, độ sâu. Nay trong điều kiện thiếu cát thì đầu mùa lũ, lượng bùn cát vào hố rất ít, nhưng sau đó dòng sông vẫn nạo vét hố càng làm cho hố sâu thêm. Khuynh hướng này là tất yếu theo quy luật tự nhiên trong bối cảnh thiếu bùn cát, do đó hố V010 ở đoạn sông khu vực chợ Bình Thành cũng sẽ ngày càng sâu thêm, nguy cơ hư hỏng bờ kè sẽ càng tăng qua thời gian.
Thứ hai, vị trí này là đoạn sông cong có mặt cắt thu hẹp, đúng là một vị trí “kinh điển” trong giáo khoa về sạt lở. Ở đoạn sông cong, phía lõm gọi là vịnh, phía lồi gọi là doi. Khi đi qua đoạn sông cong, đường tim sông luôn luôn đi áp sát bờ phía bên lõm, cho nên đường tim sông ở đây áp sát bờ phía chợ Bình Thành, tức là áp sát chân bờ kè. Khi đi qua đoạn sông thu hẹp, vận tốc dòng chảy luôn tăng cao hơn ở các đoạn khác, dòng chảy xiết hơn.
Ngoài ra, ở đoạn sông cong dòng chảy hình thành 2 lực rất mạnh. Một là lực ly tâm xoáy vào bờ phía lõm, làm cho dòng chảy va đập vào bờ phía lõm. Có thể hình dung lực này giống như khi xe chạy với tốc độ cao qua đoạn đường cong thì sẽ dễ va vào hoặc văng ra khỏi lề đường ở phía lõm của đoạn đường cong. Lực ly tâm còn làm cho mực nước sông ở phía vịnh cao hơn phía doi. Sự chênh lệch mực nước giữa hai bờ này mắt thường có thể không cảm nhận được. Mực nước cao phía vịnh bị trọng lực kéo xuống và nạo bờ phía vịnh theo chiều đứng từ trên xuống. Như vậy, tại đoạn sông cong này, nước vừa đi tới vừa xoáy trên xuống như một “mũi khoan” sát bờ phía chợ Bình Thành. Nay có bờ kè chắn lại thì “mũi khoan nước” này sẽ liên tục tấn công bờ kè nhiều năm về sau.
“Vấn đề khó ở đây là hố sâu thì càng ngày càng sâu và hai lực nói trên tác động vào chân bờ ở đáy sông đe dọa bào mòn, cắt đứt chân bờ.Bờ kè xây dựng để bảo vệ bờ sông một khi đã bị đứt chân thì khó mà tồn tại.Bờ kè càng kiên cố, càng nặng thì càng nhanh sụp xuống.Việc lấp các hố này là việc không nên và không thể làm”, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích.
Báo CAND đã thông tin dự án kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực chợ Bình Thành do Công ty CP Nhân Bình thi công, với tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 90 tỷ đồng. Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện dự án đã 3 lần xảy ra sạt, trượt.
Sau khi xảy ra sự cố vào năm 2019, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt phương án xử lý khẩn cấp khắc phục các hố xoáy mới phát sinh giáp chân kè chợ Bình Thành, với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng được chi từ nguồn ngân sách. Sau sự cố lần thứ nhất, đến tháng 4/2021, tại gói thầu số 6 xảy ra sạt trượt chân kè. Đến tháng 3/2022, chủ đầu tư kiểm tra để xóa bảo hành, phát hiện gói thầu số 7 (cùng vị trí sạt trượt nêu trên) có dấu hiện răng nứt, lún nghiêng đỉnh kè.