Xót xa những rừng thông bị đánh thuốc độc
Nhiều khu rừng thông cổ thụ, đẹp như tranh vẽ, ở bên đường Hùng Vương nối dài của phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), bị kẻ xấu đục, đẽo quanh gốc và bơm thuốc độc gây chết hàng loạt.
Dẫn PV Báo CAND tới hiện trường để phản ánh, nhiều người dân ở Khe Sanh bức xúc, cho biết khu rừng thông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có tác dụng rất lớn trong bảo vệ đất, đá khỏi bị sạt lở do mưa, lũ gây ra. Bên cạnh đó, khu rừng còn được ví như “lá phổi” giúp người dân ngăn chặn bụi bặm, lọc không khí và hạn chế nắng gió. Song, liên tục nhiều năm qua, một số đối tượng xấu trên địa bàn đã tìm cách hại cây bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để lấn chiếm đất rừng khiến bà con vô cùng bức xúc và lo lắng. Nổi lên nhiều nhất là từ sau khi con đường Hùng Vương được mở nối dài, cùng với đó là thông tin khu rừng này sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý, rằng rừng và đất rừng hai bên đường này có thể được chuyển đổi thành đất ở.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Hướng Hóa, Đakrông xác nhận, đúng là đơn vị đang có kế hoạch kiến nghị, đề xuất Sở NN&PTNT tỉnh bàn giao rừng này cho UBND thị trấn Khe Sanh quản lý, đồng thời trên cơ sở về nhu cầu phát triển kinh tế của người dân, chính quyền địa phương sẽ giao lại cho bà con quản lý, khai thác nhưng không chuyển đổi thành đất ở nhằm vẫn giữ rừng vì những chức năng của nó là không thay thế được.
“Phần lớn những khu rừng thông cổ thụ nằm trên địa bàn thị trấn Khe Sanh đều do đơn vị quản lý. Những năm qua, chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp, hoạt động bảo vệ nhưng do rừng nằm sát các khu dân cư, một số kẻ xấu trên địa bàn lợi dụng sự thuận lợi này lén lút thực hiện việc đẽo, đục, khoan gốc cây và bơm vào đó thuốc độc nhằm cho cây chết, lấn chiếm đất rừng và mở rộng vườn tược canh tác xung quanh”, ông Tuấn bức xúc.
Theo quan sát của chúng tôi, hàng loạt cây thông cổ thụ có đường kính gốc từ 30 – 45cm, tập trung nhiều nhất dọc bên đường Hùng Vương vừa được mở nối dài, bị kẻ xấu hại chết trắng. Những khoảnh đất quanh gốc cây được đào, trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như bời lời, cà phê, hiện đã lên cao quá đầu gối người lớn.
Ông Nguyễn Công Tuấn giải thích rằng, ngay sau phát hiện sự việc, lãnh đạo đơn vị đã báo cáo chính quyền, đề nghị cơ quan chức năng địa phương phối hợp xử lý hành vi xâm hại rừng và lấn chiếm đất rừng này. Tuy nhiên, việc xử lý không được kiên quyết và dứt điểm, trong khi BQL RPH không có thẩm quyền xử lý hành chính, đến nay những cánh rừng thông cổ thụ này vì thế vẫn bị xâm hại, lấn chiếm một cách âm ỉ và dai dẳng.
Ông Bùi Văn Duẩn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa cho hay, sau khi phát hiện rừng thông trên địa bàn bị xâm hại, BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông đều có báo cáo, đề nghị đơn vị phối hợp xử lý. Theo đó, cán bộ Kiểm lâm địa bàn đã phối hợp kiểm tra hiện trường, tham mưu UBND thị trấn Khe Sanh xử lý hành vi vi phạm của các đối tượng. Tuy nhiên, ngay công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng kể trên, đâu đó vẫn còn có sự sơ hở, thiếu sót, trong khi kẻ xấu thường xuyên, lén lút sử dụng các thủ đoạn, phương án hại chết cây rất tinh vi nên tình trạng này vẫn diễn ra và khó xử lý dứt điểm.
Theo ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông quản lý, bảo vệ, chăm sóc trên 23.000ha rừng trồng và tự nhiên, nằm trên địa bàn 15 xã, thị trấn, kéo dài từ khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến hết huyện Đakrông. Riêng địa bàn huyện Hướng Hóa có gần 200ha rừng thông được trồng từ năm 1976 giáp với các khu dân cư.
Trước tình trạng rừng bị xâm hại, lấn chiếm đất, UBND huyện đã chỉ đạo BQL RPH Hướng Hóa, Đakrông chủ động xây dựng, đề xuất phương án quản lý, bảo vệ hiệu quả; cương quyết xử lý những sai phạm có liên quan và nghiêm cấm việc lấn chiếm đất rừng sau đó thực hiện các thủ tục hành chính nhằm hợp thức hóa nguồn gốc đất để chuyển đổi sang đất ở.
Tại một số tiểu khu rừng thông thuộc thẩm quyền quản lý, bảo vệ và chăm sóc của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải (thuộc UBND tỉnh Quảng Trị), kẻ xấu cũng đã sử dụng phương thức, thủ đoạn kể trên để xâm hại cây rừng nhằm mục đích lấn chiếm, sử dụng đất rừng. Lãnh đạo công ty này cho biết, thời gian qua, có rất nhiều cây thông có tuổi đời hàng chục năm, đang trong thời kỳ khai thác đã bị kẻ xấu đục, khoan và đổ hóa chất vào thân cây. Đơn cử, tại lô C21a, khoảnh 11, tiểu khu 547, thuộc địa phận xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, có 14 cây thông 33 năm tuổi bị đục, khoan sâu phần gốc và đổ hóa chất vào với mục đích phá hoại cây, lấn chiếm đất rừng.