Xử lý nghiêm doanh nghiệp khai thác khoáng sản có sai phạm
Ngày 29/4, ông Võ Ngọc Tốt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, UBND huyện vừa ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện Đại Lộc yêu cầu Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành và địa phương liên quan thực hiện một số nội dung trọng điểm, như tuyên truyền các quy định pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đất đai, môi trường; hướng dẫn các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản (KTKS) trên địa bàn huyện tiến hành lắp đặt camera giám sát (dữ liệu đầu ghi lưu trữ phải đảm bảo thời gian ít nhất 45 ngày kể từ khi kiểm tra), trạm cân và cung cấp đường truyền, dữ liệu cho UBND huyện và cơ quan chức năng gồm Phòng TN&MT, Chi cục Thuế, Công an huyện và địa phương nơi có mỏ trước ngày 5/5/2022. Kiên quyết tham mưu xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp không tuân thủ thực hiện (trừ trường hợp bất khả kháng).
Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế tổ chức kiểm tra, đối chiếu báo cáo sản lượng khai thác, kê khai nộp thuế trung bình của hai năm liên tiếp đạt dưới 60% công suất khai thác nêu trong giấy phép hoặc hiệu quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong hai nó năm liên tiếp làm cơ sở đề xuất UBND huyện, các sở ngành và UBND tỉnh Quảng Nam xem xét thanh tra; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc lắp đặt và duy trì hoạt động camera, trạm cân của các doanh nghiệp được cấp phép KTKS trên địa bàn; trường hợp loại thiết bị, vị trí, cách thức lắp đặt camera, trạm cân chưa đảm bảo cho việc theo dõi, quản lý sản lượng khai thác thì yêu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa cho đảm bảo.
Trường hợp doanh nghiệp không duy trì hoạt động của camera 24/24 giờ thì buộc các doanh nghiệp phải khắc phục ngay. Nếu doanh nghiệp chưa lắp đặt camera, trạm cân; không cung cấp tên tài khoản, mật khẩu đăng nhập camera; không khắc phục các tồn tại theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và buộc đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng.
Nếu sau thời hạn đình chỉ hoạt động vẫn không khắc phục hoặc tái phạm thì tham mưu UBND huyện Đại Lộc lập hồ sơ, đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam xem xét, thu hồi giấy phép KTKS.
Ngoài ra, UBND huyện Đại Lộc cũng cũng giao Công an huyện chỉ đạo các Đội nghiệp vụ và Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản.
Kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp cơi nới thành, thùng xe, chở quá tải trọng cho phép, chở khoáng sản rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường thuộc các tuyến đường phân cấp quản lý; tiến hành thu giữ, xử lý kiên quyết đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản không có hóa đơn, chứng từ. Trường hợp tái phạm phải có biện pháp xử lý mạnh, kiên quyết thu hồi giấy phép theo quy định.
Tại văn bản này, UBND huyện cũng yêu cầu các chủ mỏ, bến, bãi phải thực hiện bắt buộc đầu tư lắp đặt, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng và duy trì hoạt động thường xuyên hệ thống trạm cân và camera giám sát đầy đủ theo quy định, trong đó dữ liệu đầu ghi lưu trữ phải đảm bảo thời gian ít nhất 45 ngày kể từ khi kiểm tra; kịp thời hoàn thành và cung cấp mật khẩu đường truyền tín hiệu cho UBND huyện, các cơ quan chức năng gồm Phòng TN&MT, Chi cục Thuế, Công an huyện và địa phương nơi có mỏ trước ngày 5/5/2022 để theo dõi, giám sát.
Nếu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào không thực hiện đầy đủ các quy định trên sẽ bị xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật và buộc đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng. Sau thời hạn đình chỉ hoạt động vẫn không khắc phục hoặc tái phạm UBND huyện đề xuất UBND tỉnh, Sở TN&MT xem xét, thu hồi giấy phép KTKS, giấy phép hoạt động sản xuất kinh doanh và hồ sơ thuê đất.