Xử lý nghiêm nhiều vụ khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép

07:01 13/06/2023

Do quản lý lỏng lẻo cộng thêm nhiều nguyên nhân khác nên thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều cá nhân, đơn vị doanh nghiệp vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ rừng, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Dù cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm song tại nhiều địa phương của tỉnh vẫn còn tái diễn tình trạng này.

Mới đây nhất, qua kiểm tra, cơ quan chức năng huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã phát hiện Công ty CP Thủy điện Trường Phú (gọi tắt Công ty Trường Phú, địa chỉ trụ sở số 189 Phạm Văn Đồng, phường Vỹ Dạ, TP Huế) đã lấn chiếm hơn 32.258m2 đất nông nghiệp là đất trồng lúa và đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn thuộc địa phận 3 xã gồm Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong An (huyện Phong Điền).

Một số hộ dân lợi dụng tỉa thưa rừng trồng phòng hộ JBIC để khai thác rừng trái phép.

Cơ quan chức năng còn làm rõ, từ ngày 1/7/2021 đến thời điểm lập biên bản vi phạm, Công ty Trường Phú còn lấn chiếm 1.108,7m2 đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm và chiếm 94,9m2 đất ở, đất giao thông tại khu vực nông thôn thuộc xã Phong Xuân. Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính được lập vào ngày 24/5/2023 và theo đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Trường Phú với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này khắc phục vi phạm, thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, những năm trở lại đây, tại địa bàn các huyện, thị xã của tỉnh Thừa Thiên-Huế như Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc, tình trạng người dân, doanh nghiệp lấn chiếm đất sản xuất, đất rừng trái phép; khai thác rừng, chặt hạ rừng trồng phòng hộ trái phép vẫn còn tái diễn.

Vào đầu tháng 4/2023, cơ quan chức năng huyện Phong Điền phát hiện bà Nguyễn Thị Lan (trú tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đã khai thác trái phép hơn 58m3 gỗ rừng trồng, trong đó gỗ thông nhựa hơn 12m3, gỗ keo lá tràm hơn 46,6m3. Số gỗ này thuộc khu vực rừng phòng hộ, vị trí lô 2, khoảnh 6, tiểu khu 41, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Tại thời điểm kiểm tra, bà Lan hoàn thành xong việc khai thác, toàn bộ số gỗ đã được vận chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn lại các gốc cây gỗ vừa khai thác nên cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm.

Ngay sau đó, UBND huyện Phong Điền đã xử phạt bà Lan 85 triệu đồng do khai thác gỗ rừng trái pháp luật trong rừng phòng hộ và yêu cầu nộp lại hơn 65,2 triệu đồng bằng trị giá tang vật số gỗ đã tiêu thu, tẩu tán. Hay trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ký ban hành quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Long Thọ (trụ sở chính tại số 42 Phùng Chí Kiên, phường An Đông, TP Huế) 85 triệu đồng khi doanh nghiệp này lấn chiêm 3.885,5m2 đất rừng sản xuất tại Cụm công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề Thủy Phương.

Tương tự, tại dự án rừng trồng phòng hộ đầu nguồn vay vốn Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) được cơ quan chức năng giao cho cộng đồng thôn Hòa Dương, xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định phê duyệt giá khởi điểm khai thác tỉa thưa 10,9ha gỗ tại dự án này để trồng bổ sung cây bản địa. Tuy nhiên lợi dụng việc tỉa thưa, một số hộ dân ở thôn Hòa Dương, xã Bình Thành đã đốn hạ trái phép hàng chục cây keo lá tràm và cây bản địa.

Qua điều tra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế làm rõ ông Hà Văn Công (trú thôn Hòa Dương) là ngươi đã khai thác rừng trái pháp luật tại rừng trồng phòng hộ JBIC nên tiến hành xử phạt ông Công 40.550.000 đồng; đồng thời tịch thu tang vật 21 cây keo lai có khối lượng gỗ tròn 9,561m3 và giao cho cộng đồng thôn Hòa Dương tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện toàn tỉnh có 305.560,09ha đất có rừng, gồm rừng tự nhiên 205.602,31ha; rừng trồng đã thành rừng 77.148,32ha; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đang đạt 57,15%. Các khu rừng tự nhiên xung yếu cơ bản được kiểm soát và hạn chế được tình trạng chặt phá rừng, số vụ phá rừng và diện tích bị phá giảm so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, các hành vi xâm lấn rừng đều được giám sát chặt chẽ, công tác phối kết hợp giữa lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng để đấu tranh với các nhóm đối tượng vi phạm quản lý bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đa yêu cầu các chủ rừng nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn nữa việc kiểm soát lâm phận; chủ động tổ chức tuần tra, truy quét và có kế hoạch phối hợp tốt với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương, kiên quyêt không để xảy ra điểm nóng phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp. Thực hiện tốt hơn nữa các phương án phòng chống chặt phá rừng để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ rừng.

Anh Khoa

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文