Xung quanh việc người dân bị vây rào cưỡng chế nhà đang sinh sống lâu đời

09:49 26/02/2023

Thời gian qua, người dân ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) phản ánh về việc nhiều hộ dân ở phường Thới An bị rào chắn cưỡng chế thu hồi đất, trong khi chưa nhận được phương án đền bù giải phóng mặt bằng và kinh phí hỗ trợ của chính quyền địa phương di dời theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết (SN 1963, ngụ 19/4A Nguyễn Thị Kiêu, khu phố 5, phường Thới An, quận 12), cho biết: Thửa đất số 407, tờ bản đồ số 30, theo tài liệu 2005, tại địa chỉ 19/4A Nguyễn Thị Kiêu, khu phố 5, phường Thới An do ông Nguyễn Văn Trào (ông nội bà Tuyết) sử dụng trước năm 1975. Đến năm 1960, ông Trào chết để lại cho cha ruột là Nguyễn Văn Nhâm sử dụng. Năm 1982, ông Nhâm chết, để lại cho bà cùng các anh, chị em ruột sử dụng.

Phóng viên Báo CAND tiếp xúc với bà Tuyết và ông Bình.

“Vào năm 1999, gia đình tôi đăng ký kê khai nguồn gốc đất năm 1999 và có xây dựng căn nhà cấp 4, với diện tích 133m2, với kết cấu tường gạch, mái tole, nền lát gạch bông để sinh sống. Gia đình tôi đã đóng thuế nhà đất đầy đủ theo quy định pháp luật. Các anh, chị, em tôi cùng sinh sống trong căn nhà này từ đó đến nay. Gia đình tôi có đăng ký thửa đất theo quy định, đồng thời thửa đất đã được cập nhật dữ liệu đất đai tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh (theo tài liệu 2005), được cập nhật bản đồ tại Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh”, bà Tuyết kể.

Ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1957, anh ruột bà Tuyết), cho biết thêm: “Gia đình tôi sử dụng ổn định lâu dài thửa đất và có đăng ký bản đồ địa chính 2005. Tuy nhiên, năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh quy hoạch khu đất trên là dự án Trường Tiểu học Thới An. Gia đình tôi chấp hành các chủ trương quy hoạch khu đất trên là dự án Trường Tiểu học Thới An. Tuy nhiên, đến nay gia đình tôi chưa nhận được thông báo về việc thực hiện dự án, cũng như các quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện dự án theo quy định Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Ngày 19/11/2022, UBND phường Thới An và các ban, ngành khác đã xuống rào chắn khu đất trên, làm hạn chế việc kinh doanh, sinh sống của gia đình. Hiện gia đình chưa nhận được quyết định cưỡng chế, rào chắn khu đất theo quy định”.

Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Ngọc Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Thới An, cho biết: “Khu đất mà gia đình bà Nguyễn Thị Kim Tuyết đang sinh sống tại địa chỉ nêu trên, đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý và đã được UBND TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận số 339.QSDĐ/1999 ngày 26/12/1997 cho UBND quận 12, UBND phường phối hợp với Ban quản lý dự án xây dựng khu vực quận 12 rào ranh khu đất công và ranh dự án trên cơ sở đã bàn giao mặt bằng của bà Văn Kim Đảnh và bà Nguyễn Thị Bọt để thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, bà Tuyết nói: “Bà Đảnh và bà Bọt chỉ là hàng xóm của gia đình, họ đã nhận được tiền hỗ trợ bồi thường của Nhà nước theo quy định. Gia đình tôi làm đơn kiến nghị UBND phường Thới An cũng nhận được trả lời như trên. Hiện, khu đất của họ đã khởi công xây dựng trường học, còn khu vực gia đình đang sinh sống bị rào chắn bằng tôn. Gia đình chỉ mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, đền bù theo quy định để có phần chi phí trang trải cuộc sống”.

Được biết, gia đình bà Tuyết, ông Bình có hơn 10 người đang sinh sống tạm bợ ở khu đất trên. Bên trong căn nhà trống huơ trống hoác để vài cái giường, ghế và bàn thờ để di ảnh đấng sinh thành của bà Tuyết. Hằng ngày, họ mưu sinh bằng đủ nghề như rửa xe, chạy thợ hồ, xe ôm, bán hàng dạo... Khu đất đã được làm rào chắn bằng tôn cao hơn 2m. Gia đình bà Tuyết đã tháo một số tấm tôn để tiện đi lại sinh hoạt.

UBND quận 12 cho biết thêm: Liên quan đến sự việc hộ gia đình bà Tuyết mà báo chí phản ánh thời gian qua, đã có văn bản đôn đốc các phòng chức năng phối hợp cùng UBND phường Thới An tập trung xác minh, làm rõ vụ việc để giải quyết theo quy định của pháp luật. UBND quận 12 sẽ có phản hồi bằng văn bản khi có kết quả điều tra, xác minh vụ việc.

Đức Mừng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文