Yêu cầu sớm đưa nhà máy nước 116 tỷ đồng vào hoạt động
Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tại huyện Sa Thầy ngày 20/7/2022, ông Tuấn yêu cầu chủ đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy sớm khắc phục những tồn tại đưa vào hoạt động, bàn giao cho huyện Sa Thầy trước ngày 15/8/2022.
Ngày 13/12, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, đại biểu A Thái-Tổ đại biểu huyện Sa Thầy đã có nội dung chất vấn tại kỳ họp với nội dung: Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt vào năm 2017 với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng, dự kiến cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 27.000 hộ dân tại huyện Sa Thầy. Dự án do Ban Quản lý dự án 98 (nay là Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum) làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019. Qua 2 lần gia hạn (ngày 31/12/2020 và 31/6/2021), dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Đồng thời, cử tri còn phản ánh một số đoạn ống bị hở mối nối, rò rỉ nước…
Tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tại huyện Sa Thầy ngày 20/7/2022, ông Tuấn yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục những tồn tại trong tháng 7/2022; đồng thời hoàn thành dự án và đưa vào hoạt động, bàn giao cho huyện Sa Thầy trước ngày 15/8/2022; trường hợp không hoàn thành thì tỉnh sẽ xử lý, kiểm điểm trách nhiệm chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Với thực tế của dự án và kiến nghị cử tri, đại biểu A Thái đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết vì sao đến nay dự án vẫn chưa đưa vào sử dụng, trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan; khi nào dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động…
Đối với nội dung chất vấn này, theo UBND tỉnh Kon Tum, đến ngày 12/9/2022, chủ đầu tư dự án đã phối hợp với UBND huyện Sa Thầy tạm bàn giao công trình đưa vào khai thác sử dụng. Dự kiến sẽ bàn giao chính thức trong tháng 12/2022.
UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, nguyên nhân của việc chậm tiến độ dự án là do số lượng hộ dân bị ảnh hưởng rất nhiều (hơn 800 hộ) với chiều dài đường ống hơn 60km nên công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Ngoài ra, đặc thù của công trình cấp nước có yêu cầu kỹ thuật cao và đầu tư trên địa bàn có địa hình khá phức tạp nên công tác kiểm định chất lượng nước, vận hành thử nghiệp công trình trước khi đưa vào sử dụng mất nhiều thời gian; khi hoàn thành vận hành thử nghiệm để kiểm tra yêu cầu kỹ thuật trước khi bàn giao đưa vào sử dụng, dự án phát sinh một số khiếm khuyết, lỗi kỹ thuật như rò rỉ đường ống, bục mối hàn nên chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu hoàn thiện lại…
Cũng theo UBND tỉnh Kon Tum, trách nhiệm để chậm trễ đưa dự án vào khai thác, sử dụng thuộc trách nhiệm của Trưởng ban Ban Quản lý các dự án 98. UBND tỉnh Kon Tum đã xử lý trách nhiệm của Trưởng ban Ban Quản lý các dự án 98 với hình thức cho thôi làm Trưởng ban và đã chuyển công tác. Đồng thời, Ban Quản lý các dự án 98 đã được UBND tỉnh Kon Tum tổ chức thành Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh từ tháng 8/2022.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến ngày 13/12, dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy vẫn chưa được bàn giao chính thức cho địa phương. Trong khi đó, theo Trung tâm Môi trường và Dịch vụ Đô thị huyện Sa Thầy (đơn vị tiếp nhận, quản lý, vận hành dự án), quá trình vận hành thử nghiệm, tuyến đường ống vẫn chưa thực sự ổn định, xuất hiện các sự cố bục mối hàn, rò rỉ nước. Ngoài ra, người dân đào lấp, xây dựng các công trình cũng làm hư hỏng đường ống dẫn nước.